Nền kinh tế Việt Nam chịu thua thiệt do chưa kịp hội nhập với thế giới

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu một thông tin không vui, cũng như chuyện giới chức chính phủ xác định là không nhất thiết phải gia nhập WTO Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trứơc ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC. Các bài báo trên mạng điện tử của Việt Nam tường thuật những gì về các sự kiện này.

0:00 / 0:00
WTOBusiness200.jpg
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn khi Việt Nam chưa có các nghị định hướng dẫn cách thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới. AFP PHOTO

Nhiều thông tin kém lạc quan

Trong tháng 9/2006, Nhà nước Việt Nam nhận được nhiều thông tin kém lạc quan, vì các chỉ số xếp hạng liên quan đến nền kinh tế quốc dân năm 2005, có những chỉ dấu xấu hơn trước.

Sau những báo cáo về môi trường kinh doanh do Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB đưa ra ngày 6 tháng 9 mà Việt Nam bị tụt 6 bậc xếp thứ 104 trong tổng số 175 nền kinh tế trên thế giới. Tiếp đến ngày 18 tháng 9, Ngân Hàng Thế Giới cũng công bố chỉ số đánh giá về quản trị công của hơn 200 quốc gia.

Theo đó năm 2005, mức độ chính trị ổn định của Việt Nam được xếp hạng 59 /100, nhưng sự hiệu quả của chính phủ tức quản lý Nhà nứơc thì được xếp thứ 45/100.

Những sự kiện mà chúng tôi vừa đề cập chỉ là tiền đề cho nhiều thông tin, mà hầu hết các báo điện tử đều đưa lên mạng trong mấy ngày qua. Đó là chuyện VN bị tụt hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo báo cáo ngày 27/9 của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới WEF.

Việt Nam bị tụt ba bậc so với năm trước, xếp thứ 77 trong tổng số 125 nền kinh tế đưa vào bảng xếp hạng.

Mạng Tin Nhanh Việt Nam ghi nhận rằng, chỉ số cạnh tranh toàn cầu được xây dựng dựa trên 9 chỉ số thành phần. Trong tổng số 125 nền kinh tế toàn cầu, với Việt Nam yếu tố thể chế được xếp thứ 74, cơ sở hạ tầng 83, kinh tế vĩ mô 53, y tế và giáo dục phổ thông 56, giáo dục đại học 90, hiệu quả thị trường 93, độ sẵn sàng về công nghệ 85, mức độ doanh nghiệp hài lòng xếp thứ 86 và mức độ sáng tạo xếp thứ 75.

Chỉ hơn Campuchia

Theo báo cáo của WEF, trong khối ASEAN, Việt Nam chỉ xếp trên Cămpuchia. Singapore vẫn dẫn đầu về năng lực cạnh tranh toàn khối và xếp thứ 5 toàn thế giới, tiếp theo là Malaysia hạng 26, Thái Lan 35, Indonesia 50, Philippines 71. WEF không xếp hạng Brunei, Lào và Miến Điện.

Các báo điện tử ở Saigon và Hà Nội đều trích đăng các nhận định của chuyên gia liên quan đến tin kém vui về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam. Thanh Niên Online cho rằng đánh giá của WEF tạo nên không ít hoài nghi về hiệu quả của những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của VN thời gian qua.

Tờ báo trích lời tiến sĩ Trần Đình Thiên, phó viện trưởng Viện Kinh Tế VN nhận xét là tiến độ cải cách ở VN không nhanh và mạnh như các nước khác. Ông Thiên cho rằng, VN phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ những ách tắc về hành chính, gỡ bỏ những trói buộc để doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Thiên, hiện nay đầu tư của Nhà nứơc còn quá lớn và còn thiếu hiệu quả, năng lực quản lý bất cập với hàng loạt vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển mà dễ thấy nhất ở thị trường bất động sản.

Trên VNExpress, tiến sĩ Thiên nói rằng VN phải có những cải cách liên tục, chuyển hứơng cải cách để có năng lực cạnh tranh mạnh hơn, bền hơn. Chính bản thân báo cáo cũng là những gợi ý cho VN.

Bên cạnh đó theo lời ông Thiên, VN cần quan tâm tới những ch ỉ số và trọng số liên quan đến năng lực cạnh tranh mới, hiện đại như cải cách về thể chế, về khoa học công nghệ, tiếp nhận kinh tế tri thức, năng lực hội nhập để tạo sức cạnh tranh lâu dài.

Chưa thể gia nhập WTO như dự kiến

Sau những thông tin kém phấn khởi về năng lực cạnh tranh toàn cầu của nền kinh tế Việt Nam, tuần lễ cuối của tháng 9 còn thể hiện sự bối rối của chính phủ Việt Nam trước việc chậm gia nhập WTO. Ngoài ra, PNTR qui chế thương mại bình thường thường trực dành cho Việt Nam vẫn bị ngáng chân, vì mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Hoa Kỳ.

Thật ra những vấn đề này đã được các giới phân tích tiên đoán, ngay khi hai chính phủ Việt Mỹ ký kết thoả thuận đàm phán song phương về việc VN gia nhập WTO ngày 31/5/2006.

Theo tin loan báo ngày 26/9, các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hoà tại hạ nghị viện Hoa Kỳ quyết định chờ tới sau cuộc bầu cử qúôc hội Mỹ ngày 7/11 mới đưa ra thảo luận và thông qua các dự luật về thương mại, trong đó có dự luật về qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn với VN. Tin này được thông tấn xã VN loan tải và được các báo trích đăng.

Trong tháng 8 và tháng 9, các giới chức chính phủ VN tỏ ra hết sức phấn khởi, về việc VN sẽ được kết nạp vào ngày 10/10 nhân hội nghị cấp bộ trưởng WTO tại Geneva. Nhưng tới ngày 22/9, một bản tin của VNExpress làm nhiều người ngạc nhiên. Bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển bất ngờ tuyên bố là VN không gia nhập WTO bằng bất cứ giá nào.

Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11/ 2006 tại Hà Nội không phải cái mốc thời gian để VN neo vào, và chấp nhận các đòi hỏi vô lý của các đối tác. Cho đến nay ngoài EU, đàm phán đa phương với Mỹ và một số đối tác khác vẫn chưa hoàn tất. Bộ trưởng Tuyển thêm rằng, một số vấn đề trong đó có sở hữu trí tuệ, đầu tư, doanh nghiệp nhà nứơc vẫn chưa đi đến thống nhất.

VietnamNet ngày 28/9 trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, bộ trưởng Trương Đình Tuyển muốn chuyển một thông điệp đến cho mọi người hiểu là đàm phán tham gia WTO chưa kết thúc, dù chỉ còn một vài vòng đàm phán cuối cùng, nhưng cũng vẫn có thể có mức độ phức tạp, mà trong thời gian quá ngắn của cuộc đàm phán lần này, có thể phiá VN không hoàn tất được và do đó chưa thể gia nhập WTO trứơc hội nghị APEC được.

Thua thiệt do chậm chân

Bà Chi Lan tiếp lời, trên thực tế tổng giám đốc WTO Pascal Lamy cũng kỳ vọng là VN sẽ gia nhập WTO vào ngày 10/10 tới, nhưng ngày 9/10 đoàn VN mới bắt đầu phiên đàm phán tiếp theo. Bà Chi Lan cho rằng có sự lo ngại là trong một ngày sẽ không kịp hoàn tất mọi việc.

Bà Phạm Chi Lan nhận định rằng, chậm gia nhập WTO sẽ thua thiệt lâu dài. Vào WTO chậm, trứơc hết VN không thể cùng các thành viên khác đề xuất những vấn đề thuộc về lợi ích của mình, nhất là về xuất khẩu nông sản ở vòng đàm phán Doha. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích chung toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt đối với 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp.

Thứ hai, theo lời bà Phạm Chi Lan, thương mại thế giới luôn nảy sinh đòi hỏi mới về tự do hoá. Nếu những vòng đàm phán của VN vẫn còn tiếp diễn, không có gì đảm bảo rằng ngừơi ta không tăng thêm sức ép đòi VN phải đàm phán thêm những lĩnh vực này, lĩnh vực khác. Không phải là thành viên WTO, bao giờ VN cũng ở thế thua thiệt so với các nứơc thành viên.

Đáp câu hỏi của báo Tuổi Trẻ, bà Phạm Chi Lan nhận định khi gia nhập WTO, đương nhiên VN sẽ mất một phần thị trường nào đó theo qui luật tự nhiên. Nhưng phải xem được hay mất ở chỗ nào. Theo bà Chi Lan, cái mất thường chỉ là với một số nhất định đang được hưởng độc quyền hoặc bảo hộ, còn đa số sẽ được hưởng lợi.

Về vấn đề chủ quyền kinh tế, bà Phạm Chi Lan nhận định rằng, các thành viên WTO đều phải chấp nhận luật chơi chung. Thí dụ VN thay đổi luật của mình trái với WTO và phương hại đến các nứơc khác thì phải tham vấn họ. Nếu đơn phương làm thì sẽ bị trừng phạt. Theo bà Phạm Chi Lan thời của Robinson một mình trên hòn đảo đã qua rồi.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên là là phó chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp VN, thành viên ban nghiên cứu của thủ tứơng chính phủ, cho tới khi cơ chế này giải thể mới đây.