Ðảng CSVN đang đứng trước những lựa chọn quan trọng
2006.05.02
Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Các nhà quan sát trong và ngoài nước nói rằng Ðảng Cộng Sản Việt Nam hiện đang đứng trước một ngã ba đường, hoặc tiếp tục đổi mới và đi theo những bước tiến theo đường lối dân chủ vừa mới thể hiện trong Ðại Hội 10, hoặc sẽ gặp những khó khăn nội bộ.
Nhận xét được đưa ra sau khi Ðảng Cộng Sản Việt Nam loan báo ông Nông Ðức Mạnh, 65 tuổi, được tái tín nhiệm trong chức vụ Tổng Bí Thư, tiếp tục điều hành đường lối và chính sách do Ðảng vạch ra ở nhiệm kỳ 5 năm tới, điều khiển hệ thống gồm 3.1 triệu đảng viên.
Trong bài diễn văn đọc kết thúc Ðại Hội, ông Tổng Bí Thư nói rằng những thành quả đạt được sau cuộc họp kéo dài 8 ngày chứng tỏ quyết tâm đoàn kết để đổi mới mà tất cả các đại biểu đã thể hiện để đạt mục tiêu “sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển”, tạo nền tảng để vào năm 2020, Việt Nam “trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Trong bài diễn văn, ông Mạnh - người từng được đào tạo ở Liên Sô- không nhắc gì đến chủ nghĩa Mác-Lê, dù vẫn đứng dưới những dấu hiệu tiêu biểu của các Chính Quyền cộng sản thế giới như sao vàng, cờ đỏ và búa liềm.
Ngay cả những chữ mà ông và giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thường dùng như “phải thực thi những biện pháp có hiệu quả nhằm phát huy cao nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” hoặc “đẩy mạnh đồng bộ cuộc đấu tranh” cũng chỉ được nhắc đến có 1 lần, thay vì là “chủ đề” ở những bài diễn văn đã từng được giới lãnh đạo đảng đọc trước đây.
Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia tầm cỡ về Việt Nam nói rằng dù “chưa có những bước đột phá” nhưng qua cuộc bầu cử ông nhìn thấy được “một số điểm mới” lồng chung với những điều cũ.
Một số điều “mới” mà Giáo Sư Hùng thấy được như các đại biểu có tiếng nói rõ rệt hơn qua việc đề cử người vào trung ương hay chính các đại biểu có người tự ra ứng cử (2 người), cho dù kết quả xác nhận “tất cả những người đắc cử trung ương đều là người được Ban Chấp Hành Khóa 9 đề cử”, hoặc “lối phần chia quyền hành theo tiêu chuẩn Nam Trung Bắc không còn được áp dụng” và có những người trẻ, tốt nghiệp ở nước ngoài đắc cử vào trung ương.
(Xin bấm vào đây để nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng về đánh giá Ðại Hội 10, được thực hiện và phát trong chương trình Tạp Chí Thời Sự Hàng Tuần tối Thứ Sáu, 28 tháng 4. 2005)
“Bình cũ, rượu mới”
Ông Lê Trí Tuệ, một cựu chiến binh trẻ nói rằng những điều được thể hiện ở Ðại Hội X chỉ là những đổi thay hoàn toàn mang tính cách hình thức. Trả lời phỏng vấn Ðài Á Châu Tự Do, ông Tuệ -đang cư ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh- dùng từ “bình cũ, rượu mới” để trình bày quan điểm của mình về kết quả Ðại Hội X, đặc biệt sau khi danh sách những người trúng cử vào Ban Chấp Hành Trung Ương được công bố. Vẫn theo ông Tuệ, chuyện chỉ có những người được Ban Chấp Hành khóa 9 đề cử mới đắc cử Ban Chấp Hành khóa 10 là chuyện “độc diễn”, “phi dân chủ”.
Ðiểm cũng được nhiều người chú ý đến là vấn đề chia quyền lực hay tranh chấp phe phái vì ý thức hệ trong đảng. Mặc dù Giáo Sư David Ko của Viện Nghiên Cứu hay Giáo Sư Carl Thayer của Viện Nghiên Cứu Australia đều nghĩ rằng phần nào, điều đó không thể hiện –hay không thấy thể hiện- trong cuộc bầu bán vừa kết thúc của Ðảng Cộng Sản Việt Nam và “mức độ dân chủ trong đảng có tiến bộ”, nhưng sự hiện diện của 17 viên Tướng đại diện cho quân đội và 7 viên Tướng đại diện cho ngành Công An đã khiến cho một số nhà quan sát khác phải đặt vấn đề.
Ngay tại Hà Nội, một nhà ngoại giao Tây Phương xác nhận ông “ngạc nhiên” khi xem kết quả, vì 31 năm sau ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc và đang ở trong giai đoạn ổn định nhất về quân sự cũng như về chính trị, “con số tướng lãnh quân đội và công an nằm trong danh sách các tân ủy viên trung ương vẫn chiếm tỷ lệ quá cao”, trong khi “thành phần đại diện cho kinh tế và ngoại giao cần thiết cho Việt Nam lại hầu như không có”. Nhà ngoại giao yêu cầu được dấu tên này nói: “kết quả cuộc bầu chọn thể hiện khá rõ sự tăng cường của vai trò quân đội và công an trong đảng”.
Cũng chính vì thế, ông Phạm Quế Dương, cựu Ðại Tá Quân Ðội Nhân Dân và là một trong những nhân vật bất đồng chính kiến cho rằng giới lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Việt Nam “vẫn chỉ tiếp tục kêu gọi đổi mới về kinh tế nhưng chưa đổi mới về chính trị”. Ông Nguyễn Khắc Toàn, một nhà tranh đấu khác của Việt Nam, đặt câu hỏi nếu tiếp tục đổi mới “nửa vời, lưng chừng” như hiện giờ, “đến bao giờ Việt Nam mới thật sự phát triển?”.
Về vấn đề này, một nhà phân tích trong nước, ông Hoàng Thanh Phong, lại có nhận định khác:
“Ngay lúc này thì chúng tôi có thể khẳng định là số uỷ viên Trung Ương từ quân đội đã tăng lên vì hai lý do:
1) Theo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung Ương mới, thì tình hình trong nước và quốc tế trong những năm tới đây sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi Việt Nam tăng cường phát triển kinh tế, thì đất nước cũng phải tăng cường khả năng quốc phòng, cũng có nghĩa là tăng cường công tác giám sát của các uỷ viên Trung Ương của ngành quân đội,
2) Quân đội vốn có truyền thống là trong sạch và có kỷ luật, đang đòi hỏi họ có vị trí lớn hơn trong việc tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng, một công tác đang có nhiều thách thức và không dễ thực hiện.
Có một lý do nữa cho sự tăng cường vai trò của phe quân nhân là vì tới đây trong quân đội Việt Nam cũng có các thay đổi quan trọng: đó là sau nhiều năm áp dụng chế độ lãnh đạo một thủ trưởng, theo mô hình có thể nói là của Liên xô trước đây hay Nga hiện nay, thì từ nay các đơn vị quân đội Việt Nam sẽ trở lại cơ chế có chính trị viên, có nghĩa là có hai thủ trưởng - thủ trưởng hành chính và thủ trưởng chính trị, từ các cấp đại đội trở lên. Đây sẽ là sự thay đổi rất quan trọng, cho thấy là đảng cộng sản đã nhận ra điểm yếu của giáo dục chính trị trong quân đội. "
(Xin nghe cuộc phỏng vấn với ông Hoàng Thanh Phong do Việt Long thực hiện)
Ðồn đãi chính trị được tung ra trước và sau Ðại Hội 10 cũng nói hai ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng của miền Nam sẽ nắm các chức vụ Chủ Tịch Nước và chức Thủ Tướng. Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng của Viện Ðại Học George Mason cho rằng dù với giới lãnh đạo không có gì mới và ngay cả những vấn đề đặt ra như chống tham nhũng, tiếp tục phát triển kinh tế vẫn là những vấn đề cũ, nhưng hy vọng những nhân vật mới từ miền Nam sẽ có những hành động “ít giáo điều hơn”.
Những bài liên quan
- Thành phần nhân sự Ban chấp hành Trung Ương đảng CSVN khóa 10
- Làm gì để giúp Việt Nam tránh khỏi thân phận nhược tiểu?
- Ðại Hội Ðảng 10 có gì đáng chú ý và sẽ đưa Việt Nam đi về đâu?
- Có gì thay đổi sau Ðại hội 10 và chuyến viếng thăm của tỷ phú Bill Gates?
- Hiến pháp Việt Nam không quy định chỉ duy nhất có 1 đảng CS được tồn tại và phát triển
- Ðại hội 10 đảng CSVN qua nhận xét của hai cựu chiến binh ở trong nước
- Trao đổi thư tín với Thính giả (ngày 27-4-2006)
- Đảng CSVN cam kết tiếp tục đổi mới kinh tế, chống tham nhũng
- Đảng CSVN bế mạc đại hội toàn quốc lần thứ 10
- Nhà báo Trần Ðình Bá: Ðại hội vừa qua đã thể hiện được tính dân chủ
- Tranh chấp phe phái trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam không như ở những nước khác
- Giới trẻ trong nước nghĩ gì về kết quả Đại hội 10
- Người dân không quan tâm đến Đại hội 10 bằng giải bóng đá Châu Á sắp tới
- Một số Bộ trưởng đương nhiệm không trúng cử vào Ban chấp hành trung ương
- Liệu sẽ có một chiếc dịch bắt bớ mới nhắm vào các thành phần dân chủ sau Đại hội 10?
- Ông Nông Đức Mạnh tiếp tục nắm chức Tổng bí thư đảng CSVN
- Đại hội 10 thông qua danh sách 207 ứng cử viên Ban chấp hành trung ương đảng
- Giáo sư Hoàng Tụy: nếu Ðảng CS bỏ lỡ cơ hội này là sẽ có lỗi lớn với lịch sử
- Ðại hội 10 có đáp ứng nguyện vọng của dân chúng Việt Nam?
- Đảng Cộng Sản Việt Nam có gì đổi mới sau đại hội 10 hay không?