Phó thị trưởng San Jose kêu gọi ngưng bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam

0:00 / 0:00

Đằng Phong, thông tín viên đài RFA

Còn mấy tháng nữa thì chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết mới đến thăm Mỹ, nhưng chưa chi đã có người bàn bạc về quan hệ bang giao Mỹ-Việt. Một trong những người đó là ông Dave Cortese, phó thị trưởng San Jose, California, một trong những thành phố tập trung người Việt đông nhất tại Hải Ngoại.

DaveCortese150.jpg
Ông Dave Cortese, phó thị trưởng San Jose, California. Photo courtesy sanjoseca.gov/district8

Vào đầu tháng 5 này ông lên tiếng yêu cầu chính phủ Mỹ cắt đứt quan hệ bang giao với Việt Nam cho đến khi Việt Nam tôn trọng các nhân quyền căn bản của người dân. Đằng Phong của Ban Việt ngữ đã trao đổi với ông Cortese để tìm hiểu thêm.

Đằng Phong: Trước hết, xin ông có đôi lời giới thiệu về thành phố San Jose cho quý thính giả của đài RFA tại Việt Nam biết.

Ông Dave Cortese: San Jose là thành phố lớn nhất đứng hạng 10 ở cả nước Mỹ, và là thành phố lớn nhất đứng hạng 3 tại riêng tiểu bang Cali. San Jose cũng là trung tâm của Silicon Valley, nơi dẫn đầu thế giới về mọi vấn đề điện tử và vi tính. San Jose là một thành phố đa văn hoá, và tôi được biết là có hơn 100,000 người Việt Nam đang sống tại đây.

Đằng Phong: Ông đã làm phó thị trưởng ở San Jose bao lâu rồi?

Ông Dave Cortese: Tôi là phó thị trưởng San Jose kể từ đầu năm nay, tháng 1 năm 2007.

Đằng Phong: Vào đầu tháng 5 này, ông đã lên tiếng kêu gọi thành phố San Jose và cả nước Hoa Kỳ cắt quan hệ với Việt Nam. Xin ông giải thích tại sao ông đã làm như thế.

San Jose là thành phố lớn nhất đứng hạng 10 ở cả nước Mỹ, và là thành phố lớn nhất đứng hạng 3 tại riêng tiểu bang Cali. San Jose cũng là trung tâm của Silicon Valley, nơi dẫn đầu thế giới về mọi vấn đề điện tử và vi tính. San Jose là một thành phố đa văn hoá, và tôi được biết là có hơn 100,000 người Việt Nam đang sống tại đây.

Ông Dave Cortese: Lâu nay cả thế giới đều biết Việt Nam là một nước không tôn trọng các quyền căn bản của con người như tự do phát biểu và tự do tôn giáo. Trong những năm qua chính quyền Việt Nam đã đàn áp những ai khác chính kiến với họ, và hình như gần đây những việc đàn áp này càng ngày càng nhiều hơn.

Cách đây vài tháng, ông Đỗ Thành Công, một công dân Hoa Kỳ sống tại San Jose đã bị chính phủ Việt Nam bắt giam một thời gian, và chỉ sau khi chính phủ Mỹ can thiệp thì Việt Nam mới chịu thả ông Công ra.

Và bây giờ tôi được biết Linh Mục Nguyễn Văn Lý cũng đang bị bắt giam cũng chỉ vì suy nghĩ khác với chính phủ. Là phó thị trưởng của San Jose, tôi thường nghe những lời than phiền của những người Mỹ gốc Việt về những sự vi phạm nhân quyền trắng trợn của chính phủ Việt Nam.

Ý của tôi là muốn ủng hộ Nghị Quyết HR243 mà nay đã được Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận. Nội dung của nghị quyết này là để cho chính phủ Việt Nam biết là vị thế của Việt Nam trong Liên Hiệp Quốc, trong WTO không được bảo đảm và có thể thay đổi nếu Việt Nam tiếp tục vi phạm những nhân quyền căn bản của người dân.

Đây là một thông điệp mà thành phố San Jose ủng hộ, và riêng cá nhân tôi cũng ca ngợi. Ngoài việc kêu gọi hội đồng thành phố San Jose lên tiếng ủng hộ nghị quyết này, tôi cũng đã gởi thư riêng đến Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Condoleeza Rice để yêu cầu bà Rice lưu ý về việc này.

Đằng Phong: Và ông đã nhận thư trả lời từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chưa?

Ông Dave Cortese: Đến nay thì chưa, nhưng tôi tin rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ hồi âm cho tôi. Vấn đề chỉ là ở chỗ họ sẽ trả lời như thế nào thôi.

Đằng Phong: Xin ông cho biết quyết định của ông kêu gọi cắt quan hệ với Việt Nam đã căn cứ bao nhiêu phần trăm vào sự vận động của cử tri Việt-Mỹ tại San Jose, và bao nhiêu phần trăm vào sự quan tâm của ông về các vấn đề tự do và nhân quyền, đặc biệt ở Việt Nam?

Ông Dave Cortese: Tôi đã sống tại San Jose cả cuộc đời của tôi, và chính ông nội của tôi đã đến Mỹ từ nước Ý. Cả đời của tôi, và đặc biệt là trong quá trình 14 năm qua phục vụ cho thành phố San Jose trong chức này hay chức kia, tôi đã chứng kiến sự phát triển, phấn đấu, và trưởng thành của cộng đồng người Việt-Mỹ ở San Jose từ con số không cho đến một cộng đồng vững mạnh mấy trăm ngàn người hiện nay.

Trong nhiều năm qua tôi đã hứa nhiều lần với cử tri Việt Nam rằng tôi sẽ dùng mọi cơ hội có thể để lên tiếng về việc này và giúp cho họ bằng mọi cách. Và tôi nghĩ rằng là phó thị trưởng của thành phố lớn nhất đứng hạng số 10 tại Hoa Kỳ và cũng một trong những nơi tập trung của người Việt Nam đông nhất tại Hải Ngoại, tôi tin rằng việc lên tiếng của tôi rất là quan trọng, đặc biệt trong một xứ dân chủ như Hoa Kỳ.

Và trong hơn 30 năm qua được làm việc với cộng đồng Việt Nam, cái điều mà đã gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi là cái tinh thần đấu tranh cho các nhân quyền tại quê hương của họ, đặc biệt là của thế hệ đầu tiên.

Trong nhiều năm qua tôi đã hứa nhiều lần với cử tri Việt Nam rằng tôi sẽ dùng mọi cơ hội có thể để lên tiếng về việc này và giúp cho họ bằng mọi cách. Và tôi nghĩ rằng là phó thị trưởng của thành phố lớn nhất đứng hạng số 10 tại Hoa Kỳ và cũng một trong những nơi tập trung của người Việt Nam đông nhất tại Hải Ngoại, tôi tin rằng việc lên tiếng của tôi rất là quan trọng, đặc biệt trong một xứ dân chủ như Hoa Kỳ.

Cùng lắm thì tôi chỉ đang sử dụng quyền tự do phát biểu của tôi và chức phó thị trưởng của tôi để giúp thu hút sự quan tâm của công luận vào vấn đề thiếu nhân quyền tại Việt Nam hiện nay thôi.

Đằng Phong: Thường lệ thì chính quyền ở cấp thành phố không có những ảnh hưởng đến chính sách quốc gia. Ông sẽ nói sao với những người phê bình ông và cho rằng ông đã bước quá cái thẩm quyền phó thị trưởng của ông?

Ông Dave Cortese: Đối với những người đó thì tôi sẽ giới thiệu họ với những người cử tri Việt Nam tại San Jose đã đến với tôi và ông thị trưởng Chuck Reed cuối tháng 4 vừa qua tại lễ tưởng nhớ 32 năm mất nước của họ và yêu cầu chúng tôi lên tiếng giúp cho đồng bào của họ còn sống tại Việt Nam có được một chút các tự do như họ đang hưởng hiện nay tại Mỹ.

Tôi không hiểu được những ai mà có thể phê bình tôi hay thành phố San Jose đã hành động ngoài phạm vi của mình, vì thành phố San Jose là một thành phố quốc tế với một vị trí khá quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Đã thế, mà nếu chúng tôi nhắm mắt làm ngơ trước sự vi phạm nhân quyền thì đó đối với tôi là một thái độ vô trách nhiệm.

Và nếu cá nhân tôi hay bất cứ một ai khác có nắm chức vụ trong chính quyền mà không lên tiếng trước những hành động trái ngược như thế thì sự im lặng đó đối với tôi cũng đáng phê phán không kém. Tôi không chấp nhận một thái độ giữ im lặng trong những trường hợp như thế này.

Đằng Phong: Xin ông cho biết là Thị Trưởng và Hội Đồng thành phố có đồng quan điểm với ông về vụ này hay không?

Ông Dave Cortese: Theo tôi biết thì họ có đồng ý với tôi. Tôi không dám nói thay thế cho họ rằng họ ủng hộ quan điểm của tôi 100% nhưng cả Hội Đồng thành phố đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị Quyết HR243.

Đằng Phong: Có người cho rằng muốn Việt Nam thay đổi thì phải đến gần và tiếp cận với Việt Nam. Nay ông lại cho rằng phải cắt đứt quan hệ với Việt Nam cho đến khi có những thay đổi về mặt nhân quyền. Tại sao ông nghĩ phương pháp này sẽ có hiệu quả?

Ông Dave Cortese: Nếu nhìn vào Nghị Quyết HR243 của chính phủ Mỹ thì mình cũng thấy rằng họ cũng có thái độ gần hay xa Việt Nam căn cứ vào chính hành động của Việt Nam. Nếu Việt Nam tiếp tục vi phạm nhân quyền của người dân thì Việt Nam sẽ không giữ được những chức quan trọng trong Liên Hiệp Quốc, trong WTO, v.v…

Tôi nghĩ với một nước như Việt Nam mà có khá nhiều công ty do chính phủ làm chủ, việc sử dụng kinh tế để ảnh hưởng đến các quyết định của Việt Nam rất là quan trọng.

Đằng Phong: Cuối cùng, xin hỏi ông Việt Nam phải có những thay đổi cụ thể gì để ông mới ủng hộ việc bang giao với Việt Nam?

Ông Dave Cortese: Đối với Việt Nam thì tôi không cần những lời hứa hẹn sẽ thay đổi mới từ chính phủ Việt Nam. Mà tôi chỉ cần chính phủ Việt Nam làm theo những gì họ đã hứa hẹn trong quá khứ. Trong hiến pháp của Việt Nam có bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp.

Thực tế cho thấy chính quyền Việt Nam hôm nay không tôn trọng hiến pháp của chính họ. Theo tôi thì nếu họ bắt đầu tôn trọng và làm theo những gì đã ghi rõ trong hiến pháp rồi, thì đó là một bước tốt đầu tiên.

Đằng Phong: Thành thật cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi với chúng tôi ngày hôm nay.