Soạn giả Viễn Châu, vua của các vị vua cải lương


2005.07.24

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong liên tiếp nhiều thập niên kể từ cuối thập niên 1940, có một soạn giả sáng chói trong ca trường, nhạc giới cổ nhạc: Đó là nhạc sư, nhạc sĩ Viễn Châu. Ông từng viết nhiều tuồng cãi lương, những bản vọng cổ ăn khách nhất với lời văn mượt mà, bay bướm, nhẹ nhàng đầy chất thơ nhạc…để gợi lại hình ảnh nông thôn lam lũ và bình dị, để châm biếm những cảnh trái tai, gai mắt trong xã hội, hay để hoài niệm về dĩ vãng, bày tỏ tâm sự của những tâm hồn đa cảm và các mối tình dang dở…

vienchau150.jpg
Soạn giả Viễn Châu. File Photo

Quý vị vừa nghe giọng ca buồn thiết tha của Út Bạch Lan qua một trích đoạn Tình Lan và Điệp của soạn giả Viễn Châu. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thuở nhỏ nghèo khó

Soạn giả Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại xã Đôn Châu, tỉnh Trà Vinh. Ông là người con thứ 7 trong gia đình nên cũng thường được biết dưới cái tên Bảy Bá. Có thiên khiếu văn, thơ và âm nhạc từ nhỏ, ông Bảy Bá nổi tiếng về đàn tranh lúc 15 tuổi mặc dù chỉ học lóm và tự luyện về nhạc cụ này.

Sau khi cha mẹ mất, ông rời người thân cùng cuộc đời ruộng rẫy nghèo khổ để bắt đầu cuộc phiêu lưu vào ca trường nhạc giới hồi cuối năm 1939. Soạn giả Viễn Châu tâm sự.

“Tôi lên Saigòn. Ở Saigòn thì trọ nhà một người bạn cũng nghèo. Tôi đi đờn đám: đám cưới, đám hỏi, liên hoan, sinh nhật…Nhiều khi khuya về nhà hõng dám kêu cửa vì sợ mất giác ngủ của người ban, tôi kê cây đờn làm gối ngũ một giấc tới sáng ngoài hàng ba.”

Nỗi đam mê nghệ thuật

Nỗi đam mê nghệ thuật đã khiến nhạc sĩ Viễn Châu gặp nhiều lận đận – sống lang thang, đói rách – trong giai đoạn đầu.

Năm 1943, ông Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu, tham gia đoàn Việt Kịch Năm Châu và lưu diễn khắp mọi miền đất nước, và được bậc thầy của sân khấu cải lương – ông Năm Châu – giúp đỡ về nghề nghiệp.

Soạn giả Viễn Châu bắt đầu viết tuồng hồi năm 1950, với vở đầu tay tựa đề Nát Cánh Hoa Rừng, cảm tác từ chuyện đường rừng của nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Soạn phẩm này đã thành công trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu, mở đường cho những thành công liên tiếp sau đó.

Ðược nhiều người mến mộ

Mời bạn tham chương trình Cổ Nhạc do Thanh Quang phụ trách. Mọi đóng góp xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Nói chung, soạn giả Viễn Châu đã viết được chừng 50 tuồng cải lương và được nhiều mến mộ, như Đời Cô Nga, Hoa Mộc Lan, Hàn Mạc Tử, Nợ Tình, Qua Cơn Ác Mộng.v.v…

Nhưng chính những bản vọng cổ độc chiếc, mà soạn giả Viễn Châu đã biên soạn hơn 2.000 bài và được nhiều giọng ca vàng diễn đạt, mới làm sáng rực hơn nữa tên tuổi Viễn Châu.

Soạn giả lão thành Nguyễn Phương, từng viết nhiều tuồng cải lương và những vở kịch, truyện phim nổi tiếng tại Miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975, cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên).

Khi còn sinh tiền, đệ nhất danh ca Út Trà Ôn, từng được mệnh danh là Vua Vọng Cổ, đã bày tỏ cảm kích đối với những bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên).

Những bản vọng cổ bất hủ

Vừa rồi là trích đoạn bản Ông Lão Chèo Đò qua giọng ca Út Trà Ôn. Không chỉ nghệ sĩ Út Trà Ôn, mà rất nhiều nghệ sĩ khác nhờ những bài vọng cổ của soạn giả Viễn Châu mà phát triển thêm tài năng, đạt được danh vọng sáng chói trong nghệ thuật cải lương, như soạn giả Nguyễn Phương cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên).

Những bản vọng cổ bất hủ của soạn giả Viễn Châu cũng góp phần làm nổi danh ngay cả các nghệ sĩ trẻ sau này. (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên).

Quý thính giả vừa nghe giọng ca Tuấn Anh qua bản Tần Quỳnh Khóc Bạn của soạn giả Viễn Châu. Thưa quý vị, chúng tôi tiếc là thời giờ có hạn nên không thể trình bày được nhiều hơn về danh tài Bảy Bá – Viễn Châu, nhất là loại tân cổ giao duyên rất ăn khách do ông khởi xướng. Mong có dịp sẽ trở lại cùng quý vị về vấn đề này.

Thanh Quang cảm ơn quý thính giả vừa theo dõi chương trình hôm nay, và hẹn tái ngộ cùng quý vị cũng vào giờ này tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.