Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Năm 2006 sắp qua đi để lại những dấu ấn đậm nét ở Việt Nam trong nhiều lãnh vực. Cũng nổi bật là công nghệ thông tin IT và các ứng dụng của nó. Mặc Lâm có bài viết nhìn lại một năm hoạt động của ngành tin học Việt Nam mời quý vị theo dõi.

Theo lời phát biểu của ông Trịnh Thanh Lâm, giám đốc tiếp thị Microsoft tại Việt Nam nhân chuyến viếng thăm của ông Bill Gates, một đại gia trong làng CNTT thế giới. Việc ông Bill Gates viếng thăm Việt Nam cho thấy sự quan tâm đặc biệt của nhà tài phiệt này đối với một mảnh đất mà trước đây chỉ mới một năm, ông Gate có thể không biết rằng Việt Nam hiện là nước có mật độ tăng trưởng về CNTT được xếp vào hàng thứ ba trên thế giới.
Nhưng chắc một điều rằng ông biết rất rõ, Việt Nam đang xếp vào hàng thứ nhì sau Trung Quốc về nạn sao chép phần mềm, mà công ty của ông là một nạn nhân.
Sự việc ông Bill Gates đến thăm Việt Nam là một chỉ dấu thành công của chính quyền Việt Nam trong nổ lực kêu gọi nước ngoài đầu tư cả về tiền bạc lẫn trí tuệ. Hai tháng sau ngày Bill Gates đến Hà Nội, quốc hội Việt Nam đã thông qua luật Công Nghệ Thông Tin và luật này đã giải tỏa một số vướng mắc việc xử dụng nền công nghệ non trẻ này vào đời sống.
Trước đó 6 tháng, tập đoàn Intel đã đến Việt Nam và nhận được giấy phép hoạt động. Tập đòan này đã quyết định tăng vốn đầu tư từ 300 triệu đô la lúc đầu sẽ lên đến 1 tỷ Mỹ kim một năm sau đó. Việc này đã tạo nên một dư luận thuận lợi cho Việt Nam và khiến cho vùng đất này trở nên màu mở một cách bất ngờ.
Hình như để trả lể sự dể dãi của chính quyền Việt Nam, tập đoàn Intel đã hợp tác với công ty VDC và Cơ Quan Hợp Tác Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID đã hợp tác dự án thiết lập thử nghiệm dịch vụ mạng WI MAX tại Việt Nam.
Theo thỏa thuận, một trạm phát sóng và khoản 20 thiết bị thu đầu cuối dành cho người sử dụng được lắp đặt để những người sử dụng Internet tốc độ cao cũng như gọi điện thoại bằng công nghệ VoIP.
Những khách hàng sử dụng dịch vụ này gồm các trường học, các trung tâm y tế, bưu điện, một cửa hàng Internet, một hộ gia đình, một khách sạn và một số địa điểm công cộng được chọn lựa tại tỉnh Lào Cai. Dự án này nhằm trợ giúp những người sinh sống tại khu vực xa xôi hẻo lánh có khả năng tiếp cận thông tin toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều công ty có mặt tại Việt Nam khiến cho nền CNTT tại đây trở nên phong phú và thuận lợi hơn cho sự phát triển thì một vấn đề khác lại phơi ra trước cộng đồng thế giới sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đó là luật bản quyền.
Nhà nước đã tỏ ra mạnh tay hơn khi thành lập Cục Bản Quyền Tác Giả và Cục này có bổn phận truy quét những vi phạm sao chép hoặc ăn cắp bản quyền cũng như chứng nhận quyền tác giả của cá nhân hoặc công ty có đăng ký bản quyền hợp pháp. Ông Tô văn Long, một giới chức thuộc Cục Bản Quyền Tác Giả cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Vấn đề bản quyền sẽ không thể giải quyết rốt ráo nếu không có một kế sách đi kèm. Nhà nước đã nhìn thấy điều này khi quyết định cấp kinh phí vào việc thử nghiệm sử dụng mã nguồn mở thay cho sản phẩm của Microsoft. Việc thử nghiệm này vẫn chưa có kết quả cụ thể vì nhiều yếu tố khách quan.
Trong khi chờ đợi tin vui từ những kỹ sư phần mềm đang ngày đêm cặm cụi cho giải pháp toàn vẹn mã nguồn mở thì hội nghị APEC tổ chức tại Hà Nội là một thử thách lớn cho nền công nghệ thông tin Việt Nam. Từ việc bảo vệ an ninh mạng đến việc ráp nối hệ thống mạng cùng những công tác khó khăn khác đòi hỏi một sự làm việc năng động và thông minh của những người làm công tác hổ trợ tin học trong thời gian hội nghị diễn ra.
Mọi việc đều trôi chảy và đặc biệt hơn cả, nhân dịp này cư dân mạng Việt Nam tha hồ truy cập bất cứ một website nào, kể cả những website từng bị bức tường lửa ngăn chận trước đây.
Internet được xem là phép mầu giải quyết nhiều trở ngại địa lý cũng như kết nối thông tin trên toàn thế giới nhưng cũng không tránh khỏi những mặt tiêu cực của nó, đó là tệ nạn tin tặc đang xảy ra đều đặn hàng ngày tại Việt Nam.
Tiếc thay hệ thống giáo dục và đào tạo tại Việt Nam chưa có kế hoạch cụ thể đào tạo chuyên viên bảo vệ mạng với quy mô lớn, do đó còn nhiều trở ngại cho những công ty kinh doanh muốn thành lập việc mua bán trên mạng. Giáo Sư Đỗ văn Xê thuộc viện Đại Học Cần Thơ cho biết: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Bức tranh nổ lực không ngừng trong công cuộc phát triển CNTT trong nước của toàn xã hội có lẻ sẽ sinh động hơn nếu không xảy ra những vụ việc tiêu cực trong lãnh vực này. Nhà nước chưa có một kế sách hữu hiệu để giải quyết nhanh chóng những phát sinh từ CNTT. Hy vọng rằng trong năm tới, với một tiềm lực đang có Việt Nam sẽ thực hiện được nhiều sức bật mới cho nền công nghệ non trẻ của mình.