Trần Thanh Hiệp
Tiếp theo lời Phụ Tá Phát Ngôn Viên của Bộ Ngoaì Giao Mỹ nói rằng đã có những tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam, Ðại sứ Mỹ tại chức ở Hà Nội, ông M.Marine, trong cuộc tiếp xúc chiều ngày 21-03-2005 với báo giới và cộng đồng người Việt tại San Francisco cũng có những lời tuyên bố cùng một chiều hướng.
Việt Long tham khảo ý kiến Luật sư Trần Thanh Hiệp về vấn đề này. Ông Trần Thanh Hiệp nguyên là luật sư các Tòa Thượng Thẩm Saigon và Paris, hiện là Chủ tịch của Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền ở Paris.
Tiến bộ hay không?
Việt Long: Hai nhân vật của bộ ngoại giao Mỹ là Phụ tá Phát ngôn nhân của bộ và Ðại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam đều tuyên bố rằng ở Việt Nam đã có những tiến bộ về nhân quyền. Theo luật sư, có tiến bộ hay không và nếu có thì đến mức độ nào?
Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, không nên trả lời câu hỏi này một cách đơn giản bằng những khẳng định rằng có hay không có tiến bộ. Vì tiến bộ là một vấn đề có nhiều mặt, tôi chỉ xin bàn về hai mặt chính. Đầu tiên là mặt ngoại giao.
Ông Adam Ereli, phụ tá phát ngôn viên của bộ ngoại giao Mỹ và ông đại sứ Michael Marine là những nhà ngoại giao, nên họ chỉ phát biểu trong khuôn khổ chức năng của họ mà thôi. Khi họ nói đã có tiến bộ, họ không làm công việc của thông tín viên nhà báo đi loan tin mà họ chú trọng trình bày sự việc theo cách nhìn ngoại giao, và để giải quyết những nhu cầu ngoại giao.
Khi họ nói đã có tiến bộ, họ không làm công việc của thông tín viên nhà báo đi loan tin mà họ chú trọng trình bày sự việc theo cách nhìn ngoại giao, và để giải quyết những nhu cầu ngoại giao.
Có thể là trong cuộc thương lượng giữa Hoa Thịnh Ðốn và Hà Nội về nhân quyền hiện nay, sau một thời gian đã ghi tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào danh sách các nước đáng quan tâm, phía Mỹ cho rằng nếu xuống thang cứng rắn chắc sẽ có cơ cải thiện được tình trạng nhân quyền ở vùng đất này.
Vì vậy, phía Mỹ đã thử xuống thang và công khai xác nhận là đã có tiến bộ. Bây giờ, nếu bước sang mặt luật quốc tế về nhân quyền, những người ngoài cuộc, hoặc làm báo, hoặc tranh đấu cho nhân quyền, muốn đánh giá tình hình nhân quyền này, thì sẽ phải có cách cân đo khác. Và như vậy tất sẽ không đi tới những kết luận giống như kết luận tạm thời của các nhà ngoại giao. Do đó, tôi chủ trương nên tương đối hóa những nhận định của mình.
"Tương đối hóa"
Việt Long: Nhận định mà lại tương đối hóa thì liệu có phải là đã bỏ qua những sự kiện thực tế đã xảy ra, như việc nhà cầm quyền Hà Nội phóng thích trước thời hạn sáu tù nhân tôn giáo, chính tri, Thủ tướng Phan Văn Khải ra chỉ thị cho các thuộc cấp phải mềm dẻo trong việc cho phép các tín đồ theo đạo Tin Lành hành đạo tại nhà riêng, Nghi Ðịnh áp dụng Pháp lệnh tự do tín ngưỡng tôn giáo được Thủ tướng Khải ban hành v.v... Ngược lại, tuơng đối hóa cũng có thể bị coi là tiêu cực trong cuộc vận động cho tự do tôn giáo và nhân quyền?
Trần Thanh Hiệp: Tôi nói tương đối hóa là tương đối hóa ý nghĩa của những sự kiện trên, không phải là phủ nhận sự hiện hữu của chúng. Tương đối hóa để giải thích, và tránh những ngộ nhận, tại sao phía Mỹ lại có cách đánh giá tình hình không mấy thuyết phục.
Như chính tôi, nếu tôi đứng về mặt pháp lý thuần túy mà xét thì tôi cho rằng không có đủ cơ sở chắc chắn để khẳng định ở Việt Nam hiện nay có tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền. Xin dựa vào những sự kiện ông Việt Long viện dẫn để bàn.
Như chính tôi, nếu tôi đứng về mặt pháp lý thuần túy mà xét thì tôi cho rằng không có đủ cơ sở chắc chắn để khẳng định ở Việt Nam hiện nay có tiến bộ về tự do tôn giáo và nhân quyền. Xin dựa vào những sự kiện ông Việt Long viện dẫn để bàn.
Theo tôi, nhìn dưới góc cạnh luật quốc tế về nhân quyền, việc hai người tù chính trị Nguyễn Ðan Quế, Nguyễn Ðình Huy, hai người tù tôn giáo Nguyễn Văn Lý, Thích Thiện Minh được ra về trước thời hạn, không thể coi là một tiến bộ. Thật vậy, Tu sĩ Thích Thiện Minh là người bị giam giữ trên hai thập niên mà không được xét xử, bác sĩ Quế, giáo sư Huy, linh mục Lý là những người bị bắt lên bắt xuống mấy lần và xét xử bừa bãi để bị ngồi tù hàng chục năm.
Nếu vì những khó khăn ngoại giao mà Hà Nội phải cho họ được đặc cách ra khỏi nhà tù sớm chút đỉnh, thì phải nói đó chỉ là một hành động quá chậm để chấm dứt tội xâm phạm nhân quyền chứ sao lại gọi là tiến bộ được?
Phải chi Hà Nội nhân dịp Tết Ất Dậu vừa qua, ít ra dám trả tự do cho những thanh niên yêu nước, yêu dân chủ tự do như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Hồng Quang mà họ đã xuống tay cầm tù vì chống chế độ thì mới có thể nói chuyện có tiến bộ hay không.
Ngoài ra, Thủ tướng Khải, qua một số chỉ thị kiểu nước đôi, một Nghị định áp dụng máy móc một Pháp lệnh hiển nhiên đàn áp tự do tôn giáo, làm sao có thể thay đổi hẳn được cả một pháp chế xã hội chủ nghĩa mà thực chất độc tài toàn trị vẫn còn nguyên? Nói có tiến bộ là rất khiên cưỡng. Các quan chức Mỹ khi công nhận có tiến bộ là họ nói theo lô gích tiến bộ thương lượng ngoại giao trong một trường hợp nhất định.
Lô gích ấy không phải là lô gích của luật quốc tế về nhân quyền. Tôi thấy không cần phê phán lô gích ngoại giao của phía Mỹ. Tôi chỉ muốn khách quan đối chiếu các quy phạm này với thực tế ở Việt Nam. Và kết luận của tôi là chưa có tiến bộ đáng kể nào, chỉ có những chuyển động chưa có định hướng của một nguyên trạng phi nhân quyền.
Chiến thuật “vừa đàm vừa đánh”
Việt Long: Như vậy là có mâu thuẫn giữa công việc ngọai giao và cổ vũ nhân quyền hay sao? Bộ ngọai giao Hoa Kỳ có trách nhiệm trong cả hai lãnh vực này, trong khi những người tranh đấu cho nhân quyền cũng có công việc của họ, liệu có phải trống đánh xuôi kèn thổi nguợc hay không?
Dù Hà Nội có dùng chiến thuật “đả đả đàm đàm” để câu giờ thì Hoa Thịnh Ðốn nay cũng dày kinh nghiệm “vừa đàm vừa đánh”. Hà Nội sẽ khó kiên trì cuộc thương thuyết vì trước mắt, có cửa ải 30 tháng Tư phải vượt qua.
Trần Thanh Hiệp: Nếu chỉ nhìn vấn đề về một mặt mà thôi thì có thể nói là có mâu thuẫn. Nhưng nếu xét về đủ mặt thì ai có lý nấy, người làm ngoại giao lo thương lượng, người tranh đấu cho nhân quyền lo cho việc thực thi quy phạm pháp lý của luật pháp về nhân quyền. Nếu những quy phạm đó vẫn tiếp tục bị khinh miệt thì chưa thể coi là đã có tiến bộ. Nói lên thực trạng này là để cho ngoại giao tìm cách thương lượng đi đến thành công.
Việt Long: Nếu thế thì liệu những cuộc thương lượng có thể bị kéo dài theo chiến thuật của các chế độ Cộng Sản xưa nay không?
Trần Thanh Hiệp: Tôi cho rằng điều này sẽ không xảy ra. Dù Hà Nội có dùng chiến thuật "đả đả đàm đàm" để câu giờ thì Hoa Thịnh Ðốn nay cũng dày kinh nghiệm "vừa đàm vừa đánh". Hà Nội sẽ khó diên trì cuộc thương thuyết vì trước mắt, có cửa ải 30 tháng Tư phải vượt qua.
Nếu nhân dịp này mà không chứng tỏ thêm thiện chí, thật tâm, biết tôn trọng nhân quyền, dân quyền của dân chúng, thì những điều gọi là tiến bộ vừa do Hoa Kỳ nhìn nhận theo đường lối ngọai giao sẽ chẳng còn hiệu lực. Hơn nữa, xa xa, còn có chuyện Thủ tướng Khải công du nước Mỹ, Tổng thống Bush đang cân nhắc việc thăm Việt Nam.
Và sau hết, cũng không thể không đếm xỉa gì tới nhân dân Việt Nam. Tức nước phải vỡ bờ, những tấm guơng dân chúng hòa bình đứng dậy chống bạo quyền ở Trung Âu, Ðông Âu, Trung Ðông, mới nhất là ở Syria và Kiêc-Ghis-Tan, là những bài học dân chủ qúi báu của thời đại.
Việt Long: Xin cảm ơn luật sư Hiệp./.