Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Trước thềm năm mới Dương lịch 2008, trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Nhã Trân đã hỏi thăm một số đồng bào ở Việt Nam để biết ý nghĩ, nguyện vọng của người Việt trong nước cho bản thân hoặc đất nước. Trong khi người tại quê nhà mong được no ấm, bình an vào những ngày sắp tới, người Việt hải ngoại có mong ước gì? Mời quí thính giả theo dõi các trao đổi của Nhã Trân với một số kiều bào ở nhiều quốc gia để biết tâm tư của người Việt hải ngoại vào dịp đầu năm.

Sau khi trao đổi với người Việt tại quê nhà trong ngày 1-1-2008, Nhã Trân tiếp tục cuộc thăm hỏi đồng bào khắp nơi và ghi nhận được nguyện vọng, ước mong của người Việt ở nước ngoài nhân dịp đầu năm Dương lịch.
Kỳ vọng quê hương Năm mới
Đường dây đầu tiên nối kết Bắc Mỹ với Châu Âu. Từ thành phố Munich, ông Nguyễn Thanh Văn, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt ở Đức Quốc, bày tỏ quan tâm về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thời gian vừa qua, và kỳ vọng rằng trong năm mới quê hương sẽ không chỉ tiến triển về kinh tế mà về các lãnh vực khác, nhất là vấn đề nhân quyền:
Ông Nguyễn Thanh Văn: Giống như tất cả mọi người yêu nước, tôi cũng hy vọng là trong năm 2008 sắp tới đây sẽ có những biến chuyển rất tích cực cho Việt Nam, nhứt là vàê mặt nhân quyền. Và tôi cũng hy vọng rằng sự đấu tranh của đồng bào về mặt nhân quyền có thể tăng lên. Nhà nước Việt Nam phải thực hiện một cách cụ thể những công ước mà họ đã ký kết với thế giới cũng như là họ phải thực thi quyền của người dân mà đã ghi trong hiến pháp. Và ngoài ra tôi cũng hy vọng là trong năm 2008 tự do dân chủ sẽ có thể đến với dân tộc chúng ta.
Nhã Trân: Rời đường dây liên lạc với Đức Quốc, Nhã Trân gặp được một kiều bào Canada. Chị Kim Thu, một bà nội trợ thành phố Vancouver, lên tiếng cầu chúc quê mẹ ngày càng tốt đẹp hơn để người người hạnh phúc. Đặc biệt, chị nhấn mạnh rằng việc tạo điều kiện cho trẻ em đến trường là cần thiết:
Chị Kim Thu: Chức cho mọi người hạnh phúc, vui vẻ. Mong cho đất nước mình được phú cường, đời sống được sung túc hơn, tại vì trong nước mình có nhiều người nghèo dữ lắm. Cầu mong cho đất nước mình không xó bị ngập lụt gì nữa, đừng có tai ương hoạ gửi gì hết. Tiếng nói của người dân thì có tự do hơn, được thoải mái hơn, đời sống ấm no hạnh phúc hơn, trẻ em được đi học để cho có trình độ. Nó có trình độ, nó học nhiều thì nó giúp ích lại Việt Nam cho có nhân tài, đừng có khổ nữa.
Những trăn trở với Quê hương, Đất nước

Nhã Trân: Sau khi lắng nghe tâm tình của người cư dân bang British Columbia thuộc Canada, Nhã Trân tìm đến bang California của Hoa Kỳ, phần tiếp nối dải đất duyên hải vùng Thái Bình Dương này. Bà Thuý Loan, nhân viên xã hội thành phố San Jose, nói bà mong rằng tình hình Việt Nam năm nay sẽ tốt hơn để người nghèo bớt khổ. Cũng theo dõi sát thời sự như hầu hết người Việt hải ngoại nói chung, bà tỏ ra quan ngại về vụ chính quyền Bắc Kinh đang dự tính áp đặt chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:
Bà Thuý Loan: Mong đợi là quê hương mình, thứ nhất là sức khoẻ của dân chúng, thứ hai là kinh tế, thì Việt Nam giờ kinh tế cũng tương đối đỡ nhưng mà dân nghèo vẫn nghèo. Lúc này Trung Quốc đang muốn xâm chiếm Hoàng Sa với Trường Sa, rất mong muốn là đừng để mất nước. Tại vì tuy (mình) bỏ quê hương đi nhưng rất quý quê hương, không bao giờ muốn mất nước. Đừng để mất quê hương Việt Nam của chúng ta!
Nhã Trân: Một trong những nơi tập trung đông đảo người Việt nước ngoài là Australia. Từ thành phố Melbourne, ông Đoàn Việt Trung của Ban Chấp Hành Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam lên tiếng rằng trong năm mới người lao động Việt Nam cần được bảo vệ trước những ngược đãi, bóc lột mà lâu nay họ phải hứng chịu:
Ông Đoàn Việt Trung: Mộng ước của tôi cũng như mọi anh em ở trong Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam chúng tôi là trong năm tới này tình hình lao động sẽ khá hơn một chút. Ở Việt Nam cho dến bây giờ nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn khăng khăng giữ lấy độc quyền làm chủ cái gọi là Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, vì thế người lao động không có tổ chức của họ, vì thế cho nên họ bị boc lột, bị đàn áp rất là nhiều. Tôi đã nghe rất nhiều người ở trong nước cho tôi biết họ ở trong hoàn cảnh rất là thương tâm.
Nhã Trân: Chặng cuối hành trình qua điện thoại, Nhã Trân liên lạc với giáo sư Lê Đình Thông, giảng viên môn quan hệ quốc tế Đại Học Paris-Nanterre ở Pháp. Trăn trở về tình hình chung của quê mẹ hiện nay, giáo sư Thông cho rằng trong thời gian tới, cụ thể là trong năm nay, sự đoàn kết của cả khối dân tộc, cả trong lẫn ngoài nước, là điều quan trọng cho tồn vong của quốc gia:
Giáo sư Lê Đình Thông: Bước sang năm mới, người Việt hải ngoại chúng tôi đều hướng về quê hương đất nước, mong ước là đất nước sẽ tươi sáng hơn, sẽ thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện tại để mà thực hiện về phương diện chính trị thì có một đời sống tự do hơn, trong đó nguyện vọng của người dân sẽ được nhà cầm quyền tôn trọng, cuộc sống no đủ về phương diện kinh tế cho tất cả mọi người, không phải là sự chênh lệch giữa hai thành phần giàu và nghèo một cách quá đáng.
Bước sang năm mới, mong ước là các quan điểm, các ý kiến khác nhau sẽ được tôn trọng để tất cả cúng nhau xây dựng một đất nước giàu mạnh, bởi vì nếu không có sự cộng tác của tất cả mọi phía thì đất nước luôn ở tình trạng trì trệ. Nếu không có sự huy động của tất cả nỗ lực của toàn dân, của tất cả mọi thành phần trong xã hội, với tất cả những khó khăn mà Trung Quốc đang uy hiếp chúng ta, để có thể đối đầu được tình trạng đó chúng ta chỉ có một phương cách là chúng ta phải đồng lòng đồng cảm với nhau một hội nghị Diên Hồng mới, mà cái hội nghị này được phát biểu qua lòng dân và được mọi người lắng nghe, mọi người tôn trọng, cùng nhau thực hiện một vận hội mới cho dân tộc.
Nhã Trân: Trước thềm năm mới 2008, không khác đồng bào trong nước là mấy, người Việt ở những miền đất khác vừa cho thấy cũng mang cùng tâm trạng, đó là mong quê hương được tốt lành trong thời gian tới. Ngoài ra, nhờ tiếp cận thông tin rộng rãi, kiều bào đặc biệt quan tâm đến một số vấn đề hệ trọng hoặc có tầm ảnh hưởng sâu xa như sự kiện tranh chấp chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời gian này.
Những ngày đầu năm Dương lịch 2008 sắp qua đi, nhưng kỳ vọng cho một Việt Nam hưng quang, dân chủ và độc lập có lẽ sẽ tiếp tục đậm nét trong tâm tư người Việt cả trong lẫn ngoài nước, ít ra là trong hơn ba trăm ngày sắp tới.