Việt Nam tăng trưởng, giá cả sinh hoạt cũng tăng


2007.05.25

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Tình trạng kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng được hầu hết mọi người xem là điều đáng mừng. Tuy nhiên gần đây nó cũng khiến vật giá gia tăng, là một hệ quả mà một số tổ chức, các nhà quan sát lên tiếng cảnh giác. Tìm hiểu thêm sự việc, Lê Dân trình bày như sau.

FoodMarketVendor200.jpg
Một chợ địa phương ở Muong Lay, Lai Châu hôm 3-1-2007. AFP PHOTO

Hôm thứ Tư, báo The Straits Times của Singapore đăng bài của phái viên thường trú Roger Milton của họ tại Việt Nam có tựa đề "Kinh tế Việt Nam bùng nổ, kéo theo giá sinh hoạt tăng cao" đã đề cập tới hiện tượng tất yếu này.

Bài báo viết "giá cả mọi thứ, từ xăng dầu, thịt cá, cho tới nhà đất, đều tăng một cách đáng báo động tại Việt Nam vào khi nền kinh tế quốc gia tiếp tục tăng trưởng và đầu tư nước ngoài vẫn ào ạt đổ vào".

Phản ứng dây chuyền

Điểm đáng lưu tâm là sự bức xúc của dân chúng về giá cả nhiên liệu bao gồm từ xăng dầu cho đến hơi đốt. Theo tự nhiên thì phản ứng dây chuyền từ nhiên liệu sẽ lan qua hầu như tất cả mọi mặt hàng khác. Lý do là thứ nào cũng cần sử dụng nhiên liệu, không trong khâu sản xuất, thì cũng phải dùng trong khâu vận chuyển.

Do đó, khi giá xăng dầu được phép tăng hồi đầu tháng này, mọi mặt hàng khác đều rục rịch tăng theo như gạo, cá, rau quả....Một người tiêu thụ ở Cần Thơ đưa ra lời lý giải: “.....giá thức ăn thật sự có tăng cao là do sự phát triển nhanh quá.....”

Bài báo Singapore viết tiếp rằng Chính phủ Việt Nam muốn kìm mức lạm phát hàng năm dưới mức 8% và năm ngoái đã thành công trong mục tiêu này.

Hàng nhập rẻ hơn hàng Việt Nam thì có, nhưng đầu ra thì vẫn vậy, chỉ có chương trình khuyến mãi thôi, chứ giá nó cũng vậy

Tuy nhiên, năm nay, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và Việt Nam đang phải chuyển từ nền kinh tế hoạch định sang nền kinh tế tự do hơn, thì thị trường đã có thêm khả năng tự định đoạt giá cả theo hai yếu tố cung và cầu. Điều đó có nghĩa là mức lạm phát cũng sẽ tùy thuộc phần lớn vào hoạt động kinh tế.

Bài báo cho biết bà Phạm Chi Lan, cố vấn kinh tế cho bộ Kế hoạch và Đầu tư, nói rằng bà rất quan ngại về tình hình giá cả tăng vọt, vì nó phản ảnh tình trạng thiếu hiệu năng và yếu kém trong việc quản lý và phát triển nền kinh tế Việt Nam. Điều đó cũng khiến Việt Nam giảm khả năng cạnh tranh so với những nước khác.

Trao đổi với chúng tôi, một người tiêu thụ tại Sàigòn nhận xét sau khi hội nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới rồi mà hàng nhập khẩu vẫn không giảm giá, dù Việt Nam đã phải giảm thuế nhập khẩu theo cam kết với WTO.

“......hàng nhập rẻ hơn hàng Việt Nam thì có, nhưng đầu ra thì vẫn vậy, chỉ có chương trình khuyến mãi thôi, chứ giá nó cũng vậy......”

Thời kỳ sau WTO được rất nhiều người hy vọng là giá cả sẽ phải chăng, kinh tế phát triển đều đặn và trong vòng dự đoán của các người hoạch định chính sách.

Không kiểm soát nổi

Tuy nhiên trong thực tế thì tình hình hầu như không ai kiểm soát nổi. Điển hình như giá nhà đất, hàng vài năm liền bị mô tả là "đóng băng", văn phòng căn hộ cao cấp bị bỏ trống, công trình xây dựng mới bị đình hoãn....Nhiều nhà đầu tư trong nước xoay qua tham gia mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán.

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì tình hình thay đổi. Giá nhà đất tăng vùn vụt, đón đầu làn sóng doanh gia nước ngoài được dự đoán sẽ ào ạt đổ vào. Giá tiền thuê một mét vuông tại trung tâm Sàigòn hay Hà Nội lên đến 35 đôla một tháng. Giá tiền thuê một căn hộ cao cấp 2 phòng ngủ cũng dễ dàng chạm ngưỡng 3,000 đôla. Nói chung là cao không khác gì mấy so với giá nhà đất tại Singapore, Thượng Hải hoặc Hồng Kông.

Bà Phạm Chi Lan nhận xét là giá nhà đất quá cao ở Việt Nam có thể khiến doanh giới quốc tế phân vân vì tình trạng đó sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên theo.

Người đi làm thuê, làm mướn được 25 ngàn một ngày. Gạo thì 6 ngàn đồng một kí, hai vợ chồng với hai đứa con thôi, thì ít gì cũng phải cần 2 kí gạo là 12 ngàn. Rồi còn thuốc men, cá mắm...người ta không còn tiền mà mua quần tà lỏn mà mặc nữa. Cái áo thun thôi, có 3 ngàn đồng để mặc đi làm cũng không có..

Tình trạng giá cả tăng không cân đối cũng gây tác động phụ bên các lãnh vực khác, chẳng hạn như tình hình nhân dụng. Giá nhà đất tăng, thực phẩm luơng thực tăng, nhiên liệu tăng, khiến luơng lao động đương nhiên thiếu hụt dù không bị sụt giảm.

Nhìn vào những cuộc đình công liên tục nổ ra trong thời gian gần đây tại các khu công nghiệp và chế xuất từ Bắc, Trung vào Nam, người ta thấy là lao động ngày nay không còn có thể sống với mức lương 70 đôla một tháng nữa, dù đó là mức đã cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Đó là về những người có công ăn việc làm ổn định tại các xí nghiệp, nhà máy. Còn đối với đại đa số làm thuê, vác mướn thì tình hình còn đáng ngại hơn. Một phụ nữ ở miền Tây cho biết:

“....người đi làm thuê, làm mướn được 25 ngàn một ngày. Gạo thì 6 ngàn đồng một kí, hai vợ chồng với hai đứa con thôi, thì ít gì cũng phải cần 2 kí gạo là 12 ngàn. Rồi còn thuốc men, cá mắm...người ta không còn tiền mà mua quần tà lỏn mà mặc nữa. Cái áo thun thôi, có 3 ngàn đồng để mặc đi làm cũng không có......”

Mức chênh lệch giàu nghèo

Đó là tình trạng mà nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khuyến cáo Nhà nước Việt Nam về mức chênh lệch giàu, nghèo hiện đang ngày càng rộng thêm. Ở thành phố trẻ con uống sữa trước khi đi học, còn ở nông thôn nhiều trẻ nhịn đói đến trường, nếu chúng còn được đi học.

Vào WTO rồi, nghèo lại càng nghèo thêm vào khi xăng dầu tăng, gạo mắm tăng, việc làm giảm. Một cuộc thăm dò mới đây cho biết trong năm nay nhu cầu tìm việc của Việt Nam sẽ tăng lên 88% , trong khi số lượng việc làm mới chỉ thêm được 62% mà thôi.

Người dân nghèo lại đành thắt lưng buộc bụng thêm nữa, thêm cho đến khi nào còn có thể chịu đựng được.

“....dạ biết. Chi phí gì cũng tăng hết trơn mà mình làm....không ấy thì cũng....thiệt quá. Nếu mà ấy thì mình sử dụng giảm lại.....”

Việt Nam là nước có tới trên 4/5 dân số sinh sống trong vùng nông thôn, mà đời sống đa số nông dân hiện nay sau thời hội nhập cũng không có gì khá hơn là tiếng than thở:

“.....nếu như tăng mỗi một cái vậy, tính đi. Lên mỗi một cái một chút, người nhà nông mình phải chịu thiệt hết trơn, chớ không có cái gì....”

Đó là những khúc dạo đầu của tình trạng mà các tổ chức quốc tế và định chế tài chánh như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế thường khéo léo khuyến cáo Việt Nam.

Những lời than thở buồn rầu của lớp người chiếm đa số trong xã hội, có khả năng làm xã hội bùng nổ vào một thời điểm cùng cực, sẽ là mối đe dọa lớn nhất cho chế độ, hơn là những đòi hỏi về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.

Mà nói cho cùng thì được sống, được ăn, được có việc làm, cũng là điều được nhân loại xem là cơ bản nhất của nhân quyền.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.