Việt Nam và Cambodia sẽ cắm cột mốc biên giới vào tháng 9

Nguyễn Bính, đặc phái viên đài RFA

Ủy ban Biên giới của Cambodia cho hãng tin nước ngoài biết là sẽ tiến hành cấm cột móc biên giới với Việt Nam vào tháng 9 tới, và mọi vấn đề liên quan đến biên cương lãnh thổ với Việt Nam sẽ được giải quyết chắm dứt vào năm 2008. Phóng viên Nguyễn Bình của đài RFA chúng tôi tường trình về dư luận ở xứ Chùa Tháp xung quanh sự kiện này.

VietnamCambodiaBorder200.jpg
Người đàn ông Cambodia chở hàng ngang qua trạm kiểm soát ở Phum Prey Tuol, dọc theo biên giới Cambodia - Việt Nam hôm 15-5-2005. AFP PHOTO

Ông Va Kim Hong, Chủ tịch Ủy ban Biên giới của Cambodia tuyên bố với hãng tin Pháp AFP vào tuần trước rằng Việt Nam và Cambodia sẽ tiến hành cắm cột mốc biên giới giữa hai nước vào tháng 9 tới. Dự kiến đợt đầu sẽ cắm 350 cột mốc dọc theo biên giới dài khoảng 1.270 cây số. Việc cắm cột mốc biên giới với Việt Nam sẽ hoàn tất vào năm 2008.

Sau khi ông Va Kim Hong tuyên bố như vừa kể, phong trào sinh viên dân chủ ở thủ đô Phnom Penh lên tiếng yêu cầu chính phủ nước này nên chú ý đến vấn đề toàn vẹn lãnh thổ.

Trong một bản thông cáo đưa ra vào hôm thứ năm, mùng 8 tháng 6 và được phân phát rộng rãi cho giới báo chí, phong trào sinh viên dân chủ đề nghị chính phủ ông Hun Sen nên tham khảo ý kiến của các đảng phái và các chính trị gia ở trong nước trước khi tiến hành việc này. Mọi thông tin về sự kiện này phải được công bố rộng rãi, và đặc biệt yêu cầu chính phủ cho phép các chuyên gia độc lập về vấn đề biên giới tham gia giám sát.

Bản thông cáo báo chí của phong trào này còn yêu cầu có sự tham gia của Quốc vương hoặc đại diện của ngài trong việc giam sát. Đồng thời yêu cầu chính phủ phải thực hiện theo ý kiến của cựu Quốc vương Sihanouk là phải đo đạc theo bản đồ từng cây số một.

Những người từng chỉ trích thủ tướng Hun Sen ở trong nước không có ý kiến gì thêm về việc này, ngoại trừ phong trào sinh viên dân chủ. Lãnh tụ của phong trào này là ông Pang Sokhuon, từng tổ chức biểu tình nhân chuyến viếng thăm Cambodia của phó thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9 năm 2005. Sau đó bị thủ tướng Hun Sen dọa truy tố ra tòa về tội phỉ báng, và ông đã trốn sang Thái Lan một thời gian.

Ông Seng Pengse, một chuyên gia bản đồ, từng phụ trách về vấn đề biên giới trong thập niên 60, hiện sống lưu vong ở Pháp, vẫn tiếp tục khẳng định rằng việc cắm cột mốc biên giới dựa vào Hiệp ước mà thủ tướng Hun Sen ký với Hà Nội làm cho Cambodia mất đất.

Ông cho biết cụ thể là việc cắm cột lần này dựa trên địa bàn dân cư thực tế chứ không dựa vào bản đồ do chế độ thực dân Pháp để lại. Như chỗ nào có đông người Việt thì cho đó là phần đất của Việt Nam, và ngược lại chỗ nào có đông người Khmer thì cho là phần đất của Cambodia.

Với tư cách là một người dân Khmer, ông cảm thấy nhục, vì việc cắm cột mốc biên giới để cho phía Việt Nam đơn phương thực hiện, còn phía Cambodia thì chỉ khoanh tay đứng nhìn.

Việc cắm cột vào tháng 9 tới được thực hiện trên tinh thần Hiệp ước biên giới bổ sung cho Hiệp ước hoạch định biên giới quốc năm 1985, được thủ tướng Hun Sen ký với Hà Nội vào tháng 10 năm 2005. Lúc ấy có một số người bị bắt giam với tội danh phỉ báng vì chỉ trích thủ tướng Hun Sen nhượng đất nhượng biển cho Hà Nội.