Nguyễn Bình, đặc phái viên đài RFA
Ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu phái đoàn cao cấp quốc hội đến Cambodia vào buổi chiều ngày 25 tháng Tư để thực hiện chuyến thăm chính thức nước này trong thời gian 3 ngày. Phóng viên Nguyễn Bình từ Cambodia có bài tường trình về sự kiện này như sau.

Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Việt Nam dẫn đầu một phái đoàn đến Cambodia vào buổi chiều ngày 25 tháng Tư vừa qua, để thực hiện chuyến thăm nước này trong thời gian 3 ngày, kể từ ngày 25 đến ngày 28 tháng Tư, năm 2007.
Bên Cambodia, có ông Phó Chủ tịch quốc hội Nguon Nhil đón tiếp phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng tại sân bay quốc tế Phnom Penh.
Ông Nguon Nhil nói với báo chí tại sân bay rằng mục đích của chuyến thăm này là nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa 2 nước, đồng thời có một số văn bản sẽ được 2 bên ký kết.
Khi được hỏi về vấn đề biên giới và vấn đề Khmer Nam bộ có được đưa ra thảo luận hay không? Ông Nguon Nhil trả lời rằng vấn đề biên giới sẽ được phân định dựa vào đường Brevie do Pháp để lại. Nếu có điểm nào chưa rõ, 2 bên sẽ tiếp tục thảo luận để tiến tới dựng cột móc biên giới cho con cháu đời sau. Còn vấn đề Khmer Nam bộ, ông Nguon Nhil chỉ trả lời rằng vấn đề này đã có từ lâu.
Chuyến thăm chính thức Cambodia của phái đoàn cao cấp cơ quan lập pháp Việt Nam đúng vào diệp những người Khmer gốc Nam bộ ở Phnom Penh và một số nước trên thế giới tổ chức biểu tình bất bạo động nhàm phản đối chính sách tôn giáo của Việt Nam.
Được biết, cho đến nay đã có 16 vị sư Khmer ở Sóc Trăng và Trà Vinh bị chính quyền buột phải hoàn tục, và có 3 vị sư ở Sóc Trăng bị bắt giam do không chịu hoàn tục theo lệnh của chính quyền.

Vào ngày 19 tháng Tư, có khoảng trên 300 người nông dân Khmer ở An Giang quyết định đi bộ từ An Giang đến Cần Thơ để thưa kiện về đất đai. Khi gần tới Cần Thơ thì bị công an giải tán bằng cách bắt đưa lên xe chở về An Giang.
Ông Trần Mạnh Rinh, phát ngôn viên của tổ chức Liên minh Khmer Kampuchea Krom ở Mỹ nói với Đài RFA rằng ông đề nghị Chủ tịch quốc hội Cambodia, ông Heng Somrin nên đặt vấn đề người Khmer sống ở Đồng bằng sông Cửu Long với ông Nguyễn Phú Trọng. Ông mong muốn chính quyền Việt Nam đối xử tốt hơn đối với cộng đồng này.
Cũng liên quan đến vấn đề Khmer Nam bộ, Hòa thượng Dương Sinh, Chủ tịch Hội sư sãi Khmer Kampuchea Krom (hay còn gọi là Khmer Nam bộ) tại thủ đô Phnom Penh đề nghị 2 chính quyền Việt Nam và Cambodia đừng nên tiếp tục hà hiếp người Khmer Krom.
Vào ngày 20 tháng Tư vừa qua, các sư sãi Khmer Nam bộ ở Phnom Penh tổ chức biểu tình bất bạo động để phản đối chính sách tôn giáo của Việt Nam đã bị cảnh sát chống bạo động và các vị sư thân chính phủ Việt Nam ở chùa Analom đàn áp bằng bạo lực. Cuộc đàn áp này làm cho cho 6 vị sư Khmer Nam bộ bị thương tích.
Theo lịch trình làm việc, trong chuyến thăm Cambodia lần đầu tiên với cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc gặp gỡ với người tương nhiệm của nước này là ông Heng Somrin. Sau đó có cuộc hội kiến với ông Chủ tịch Thượng nghị viện Cambodia, Chia Xim và ông Thủ tướng Hun Sen.