Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA
Sự kiện xảy ra tại ngân hàng ABN-AMRO của Hà Lan, chi nhánh tại Hải Phòng, được báo chí quốc tế và doanh giới nước ngoài đặt biệt quan tâm. Đây là lần đầu tiên, cơ quan công an thụ lý vụ án về tài chánh tại một ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong những chương trình phát thanh trước đài Á Châu Tự Do chúng tôi có đưa tin tức và bài phân tích thời sự về chuyện này.
Mới đây, Tổng Cục Cảnh Sát mở cuộc họp để trình bày thêm chi tiết, đồng thời khẳng định là cơ quan điều tra làm đúng thủ tục pháp lý, không hình sự hóa hoạt động kinh doanh bình thường của AMRO.
Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết kèm lời phát biểu của một viên chức cao cấp thuộc hệ thống ngân hàng AMRO.
Làm đúng thủ tục pháp lý
Qua lời giải thích của cơ quan cảnh sát điều tra thì việc ký kết hợp đồng mua bán ngoại tệ giữa ngân hàng ABN-Amro/ Hà Nội và ngân hàng Công Thương Hải Phòng chỉ là hình thức.
Vẫn theo các quan chức cảnh sát Việt Nam thì việc giao dịch, mua bán không có thật vì trên thực tế một số cán bộ, nhân viên của hai ngân hàng Việt và Hà Lan đã cấu kết, móc ngoặc với nhau để rút tiền của ngân hàng Công Thương Việt Nam.
Tổng cục Cảnh sát cũng xác nhận là số tiền mà ABN-Amro Hà Nội hưởng trong chuyện giao dịch bất hợp pháp với ngân hàng Hải Phòng lên tới trên 3 triệu 7 trăm ngàn đôla và hơn 12 tỷ đồng, qua 504 hợp đồng do hai bên trao đổi mấy năm nay. Điều này chứng tỏ việc mua bán ngoại tệ chỉ là một hình thức công khai để bòn rút tiền của nhà nước.
Báo chí cũng cho biết là bộ Công an đã gởi công văn yêu cầu ABN-Amro Hà Nội nộp lại số tiền vừa kể, nhưng ngân hàng này không thực hiện chỉ thị này mà lại có hành vi đưa thông tin sai sự thật gởi tới các ngân hàng nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam và nói rằng, cơ quan tư pháp đã hình sự hóa một vấn đề dân sự.
Hành động vi phạm nhân quyền
Trong cuộc tiếp xúc với ông Steven Blainey, giám đốc chi nhánh ngân hàng Amro tại Hồng Kông, phóng viên Ban Việt Ngữ chúng tôi hỏi ông là, theo khiếu kiện của phía Việt Nam thì các hợp đồng mua bán ngoại tệ là sự không tưởng và bị cơ quan điều tra xem là những hành vi bất hợp pháp
Ông khẳng định với đài chúng tôi rằng, AMRO không hề có hành vi hay hoạt động sai trái nào khi đến kinh doanh tại Việt Nam, mọi giao dịch đều diễn ra trong khuôn khổ của luật lệ quy định bởi nhà nước và ông tin chắc rằng Amro không làm điều gì bất hợp pháp, trái với nguyên tắc chuyên môn và công pháp quốc tế.
Hồi tháng 8, ông Tom O’Dore, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội tuyên bố rằng đây là một hành động vi phạm nhân quyền. Giới thẩm quyền muốn hình sự hóa một sinh hoạt doanh nghiệp hợp pháp. Ông cho đó là một cản trở cho việc Hà Nội đang tích cực vận động để sớm gia nhập WTO, đồng thời cũng là một tín hiệu bất lợi đối với quốc hội Hoa Kỳ.
Hiện nay có 4 nhân viên của ngân hàng ABN-Amro bị khởi tố, trong đó có bà Phạm là người Mỹ gốc Việt làm tổng giám đốc từ năm 2002 đến tháng 5, 2006. Bà là viên chức chịu trách nhiệm về những sai phạm xuất phát từ Amro/Hà Nội, theo như phía Việt Nam xác định.
Bà Phạm đang mang thai nên được chấp thuận cho xuất cảnh sang Singapore điều trị và chờ ngày sinh con. Bà cam kết sẽ quay lại Việt Nam sau khi sinh nở xong, bà cũng tự nguyện nộp 10 ngàn đôla cho cơ quan điều tra.
Theo một số nhà ngoại giao và doanh gia Tây Phương làm việc tại Việt Nam thì vụ án ABN-Amro/Hà Nội có thể gây cản trở cho chính sách mở cửa kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vì mặc dù Hà Nội cam kết là có sự minh bạch, đổi mới, tuy nhiên trên thực tế thì không đúng như vậy.
Theo dòng câu chuyện:
- Hà Lan cảnh báo vụ bắt giữ nhân viên ngân hàng ABN sẽ gây tiếng xấu cho Việt Nam
- Những con tin của Việt Nam
Thông tin trên mạng:
- Netherlands warns Vietnam ABN Amro rogue trading case could harm relations
- Corporate and Institutional Banking Vietnam
- The Wall Street Journal Online - Vietnam's Hostages