Intel Corp đầu tư dự án sản xuất chip điện tử ở TP.HCM

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Giới chức Bộ kế Hoạch Đầu Tư vừa tiết lộ rằng, Intel Corp một công ty hàng đầu thế giới về thiết bị bán dẫn xin giấy phép đầu tư dự án sản xuất chip điện tử ở TP.HCM. Phải chăng Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ đầu tư về lãnh vực công nghệ thông tin. Nam Nguyên phỏng vấn tiến sĩ Lê Trường Tùng chủ tịch Hội Tin Học TP.HCM về vấn đề này.

IntelInternet150.jpg
Intel Corp một công ty hàng đầu thế giới về thiết bị bán dẫn xin giấy phép đầu tư dự án sản xuất chip điện tử ở TP.HCM. AFP PHOTO

Nam Nguyên: Thông tin cho biết Intel có thể đầu tư nhà máy bán dẫn trị giá hơn 600 triệu đô la. Theo ý tiến sĩ TP.HCM có môi trường thích hợp cho một dự án lớn lao như vậy?

TS. Lê Trường Tùng: TP.HCM có thể tiếp nhận những dự án tầm cỡ như của Intel, hay một dự án lớn hơn nữa. Bởi vì trong thập kỷ vừa qua thành phố đã đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao, cũng như đầu tư cho nguồn nhân lực.

Thành phố còn có quyết tâm phát triển kinh tế theo hướng đẩy mạnh các ngành có hàm lượng chất xám cao. Vấn đề còn lại là quyết tâm của Intel có xem đây là điểm để bố trí nhà máy của mình, sản xuất ra các sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ thị trường Việt nam và các nước.

Nam Nguyên: Ông đánh giá thế nào về đội ngũ chuyên viên công nghệ thông tin của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng?

TS. Lê Trường Tùng: Về số lượng thì không có vấn đề, về chất lượng thì vẫn còn có khoảng cách nhất định giữa lãnh vực đào tạo đội ngũ chuyên viên của Việt Nam và nhu cầu của các công ty sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin. Khắc phục điều này cần có thời gian. Các công ty sẽ có thể phải mất một khoảng thời gian đào tạo lại chuyên viên cho phù hợp với nhu cầu của mình.

Nam Nguyên: Nhìn về tương lai, ông kỳ vọng gì về sản phẩm công nghệ thông tin xuất khẩu của Việt Nam ?

TS. Lê Trường Tùng: Sản phẩm xuất khẩu trong thời gian tới chủ yếu là từ các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Kim ngạch đã vượt ngưỡng 1 tỷ đô la/năm do các công ty đến từ Nhật bản, Hàn Quốc. Sản phẩm chủ yếu liên quan tới máy in, board mạch, màn hình. Và triển vọng Intel đầu tư vào sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin trong tương lai.

Nam Nguyên: Theo ý TS, ngành công nghệ thông tin TP.HCM cần vượt qua những thử thách gì nữa để có thể vượt vũ môn, cá hoá rồng.

TS. Lê Trường Tùng: Trước những cơ hội lớn được mở ra hiện nay, thử thách lớn nhất là phải biến tiềm năng nhân lực thành hiện thực cục thể chứ không phải là dạng tiềm năng như năm bảy năm trước đây.

Để làm được việc này, đòi hỏi quyết tâm của giới lãnh đạo có những biện pháp mang tính đổi mới. Từ đây thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế trong ngoài nước. Có lẽ điều thành phố đã làm nhưng chưa được như mong muốn, đấy là thu hút sự tham gia của giới việt kiều thuộc các ngành có liên quan ở nước ngoài.

Làm thế nào để những việt kiều trong ngành chuyển giao công nghệ về giúp Việt Nam, tạo cầu nối làm thông thoáng hơn thị trường giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, để doanh nhân thấy rằng Việt Nam là một địa chỉ có thể đầu tư được và làm ăn được.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn tiến sĩ Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội Tin Học TP.HCM.