Nguyên nhân của việc thất thoát lúa khi thu hoạch

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Theo ước tính của Viện Nghiên cứu lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long thì sau 3 vụ lúa đông xuân, hè thu và thu đông, lượng thu hoạch lúa của nông dân Việt Nam bị thất thoát tính ra tới 3.600 tỷ đồng. Nguyên nhân nào mà lượng lúa thu hoạch của nông dân bị thất thoát nhiều như vậy ?

FarmerRice150.jpg
Cô gái đang thu gặt lúa. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Thanh Quang tìm hiểu vấn đề này, và được Tiến sĩ Lê Quang Trí, Phó Khoa trưởng Khoa Nông Nghiệp Trường Đại học Cần Thơ cho biết như sau.

Tiến sĩ Trí: Thứ nhất là kỹ thuật thu hoạch ngoài đồng của nông dân còn kém, khiến lúa rơi rớt ngoài đồng. Thứ hai là vấn đề trong việc bảo quản, vận chuyển lúa. Đó là hai yếu tố chính làm lúa thất thoát.

Thanh Quang: Như vậy, thưa Tiến sĩ, trước hết phương cách thu hoạch lúa ngoài đồng còn kém cụ thể như thế nào ?

Tiến sĩ Trí: Tại vì nông dân làm theo lối thủ công và bán cơ khí, thành ra khi họ gặt lúa, sút lúa…thì lúa có thất thoát. Nhưng lượng thất thoát đó thực ra không mất đâu, vì trước đây người ta có dùng phương pháp cho "vịt chạy đồng", tức thả cho vịt ăn lúa rơi rớt. Nhưng bây giờ thì vì dịch cúm gia cầm nên người ta không còn áp dụng phương pháp này nữa.

Thanh Quang: Thưa còn quá trình bảo quản, vận chuyển lúa thì nông dân gặp khó khăn như thế nào ?

Khó khăn hiện giờ là hầu hết dân trồng lúa tập trung ở những vùng nông thôn xa xôi, thành ra điều kiện cơ sở hạ tầng, sân phơi…họ không có. Thường thì họ bảo quản lúa theo kiểu truyền thống. Dó đó lúa vẫn còn thất thất. Bây giờ muốn cải tiến vấn đề thì phải cải tiến đồng loạt. Phải có dự án, chương trình gì đó thì mới giúp nông dân được.

Tiến sĩ Trí: Thường thì nông dân không có sân phơi, nên họ phải phơi lúa dọc theo lề đường. Trong quá trình đó cũng khiến lúa thất thoát. Rồi trong quá trình bảo quản thì họ sấy chưa đủ độ; khi để độ ẩm cao quá thì lúa nẩy mầm hoặc bị giảm phẩm chất, khiến lúa khi đem đi xây, hạt gạo sẽ bị bể.

Thanh Quang: Được biết việc bán lúa tại ruộng cũng gây thất thoát. Xin Tiến sĩ giải thích về vấn đề này.

Tiến sĩ Trí: Tức là khi nông dân cần tiền, phải bán lúa non tại ruộng, mà thay vì phải đem về phơi, sấy cho đủ độ ẩm để trữ. Điều này gây thất thoát. Còn quá trình vận chuyển nó cũng làm thất thoát một mớ lúa nữa.

Thanh Quang: Nói chung bà con nông dân có ý thức những điều vừa nói không ?

Tiến sĩ Trí: Có, nhưng bây giờ không có cách nào khác. Hiện nay các trung tâm nghiên cứu đang hình thành những lò sấy của tư nhân , lò sấy thủ công, giúp làm giảm phần lớn lượng lúa thất thoát; tức giúp cho lúa khô, chứ còn phơi thì nông dân thiếu sân phơi. Nhất là trong vụ hè thu, lúa bị thất thoát cao nhất.

Thanh Quang: Trước mắt thì nông dân cần phải cải thiện phương cách bảo quản lúa như thế nào để giảm thiểu tình trạng này ?

Tiến sĩ Trí: Khó khăn hiện giờ là hầu hết dân trồng lúa tập trung ở những vùng nông thôn xa xôi, thành ra điều kiện cơ sở hạ tầng, sân phơi…họ không có. Thường thì họ bảo quản lúa theo kiểu truyền thống. Dó đó lúa vẫn còn thất thất. Bây giờ muốn cải tiến vấn đề thì phải cải tiến đồng loạt. Phải có dự án, chương trình gì đó thì mới giúp nông dân được.

Thanh Quang: Nếu thế thì liên quan tới chính quyền, liên quan tới chuyên gia. Như vậy hiện giới hữu trách nói chung, từ chuyên gia cho tới viên chức địa phương, có kế hoạch trợ giúp gì cho nông dân trong vấn đề này không ?

Tiến sĩ Trí: Có. Có những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, các nhà máy sấy… Có hết. Nhưng vấn đề là nông dân vùng đồng bằng mình thì ở rải rác dọc theo các con kênh, ngoài đồng…Thành ra khi mình xây cơ sở hạ tầng để cải thiện vấn đề thì vẫn gặp khó khăn.

Thanh Quang: Xin cảm ơn ông.