Những con tin của Việt Nam


2006.08.31

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Trong những tháng qua, doanh giới nước ngoài làm ăn ở Việt Nam xôn xao theo dõi vụ các nhân viên chi nhánh ngân hàng AMRO Hà Lan tại Hà Nội bị quy tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây thiệt hại 5 triệu 400 ngàn đôla và 12 tỷ đồng, tương đương với 5 triệu rưỡi đôla khác.

ABNAMROWeb200.jpg
Trang web của Ngân hàng Hà Lan ABN-AMRO tại Việt Nam

Báo chí trong nước đã tường thuật nhiều, nhưng hôm thứ Hai nhật báo tài chính nhiều uy tín quốc tế The Wall Street Journal mới đăng bài nhận định mang tựa đề "Những con tin của Việt Nam". Lê Dân lược dịch như sau.

Hậu quả của một quyết định sai lầm

Bài báo viết : "Trong thế giới tư bản, nếu bạn có một quyết định làm ăn sai lầm, bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả của nó. Nhưng có lẽ không phải như vậy ở Việt Nam.

Vừa có những thông tin chi tiết hé lộ từ Hà Nội về vụ nhân viên bản xứ làm việc cho ngân hàng nước ngoài bị cảnh sát bắt làm con tin cho đến khi chủ nhân chịu "bồi thường" cho ngân hàng của nhà nước làm chủ 5 triệu 400 ngàn đôla ngân hàng này thiệt hại qua các cuộc mua bán ngoại tệ kiếm lời.

Cho tới nay Việt Nam có vẻ như đang đi đúng hướng. Nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài đổ vào ào ạt, dự luật cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường thường trực đang chờ được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua. Thỏa hiệp tự do mậu dịch với Washington có thể là bước kế tiếp, và mới đây Tổng thống Bush xác nhận ủng hộ Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới".

Tờ báo tài chính quốc tế viết tiếp : "Thế rồi bây giờ lại có tin về cách đối xử kinh khủng đối với nhân viên của chi nhánh ngân hàng Hà Lan ABN-AMRO, dính vào vụ mà ngay cả các viên chức giám sát Việt Nam cũng cho là các dịch vụ hợp lệ.

Cách đối xử kinh khủng

Sự việc cho thấy, dù Việt Nam đang có những bước tiến đến nền kinh tế thị trường, quốc gia cộng sản này vẫn không phải lúc nào cũng là một nơi an toàn để kinh doanh. Tại Hà Nội, ông Tom O'Dore, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Việt Nam, nhận xét là vụ đặc thù này sặc mùi vi phạm nhân quyền.

Chúng ta không rõ tất cả những tranh cãi giữa chi nhánh ngân hàng Hà Lan ABN-AMRO với Ngân hàng Công Thương của Nhà nước. Nhưng chúng ta biết là Ngân hàng Công Thương nói người nhân viên có các giao dịch bị tranh cãi với chi nhánh Ngân hàng Hà Lan không được phép giao dịch về ngoại hối, cấp trên của nhân viên này lỡ cho phép bởi vì không có đủ khả năng Anh ngữ để hiểu hợp đồng.

Tờ The Wall Street Journal viết : "Hậu quả là một nhân viên chi nhánh ngân hàng ABN-AMRO bị giam hơn 4 tháng qua trong một nhà tù dành cho tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và không được phép tiếp xúc với gia đình hay luật sư. Một nhân viên thứ nhì mới bị bắt giam hồi tháng trước.

Hai người khác tạm thoát cảnh tù đày do có con còn nhỏ nên chỉ bị quản chế tại gia. Nhân viên cao cấp của ngân hàng ABN-AMRO tại Hà Nội, bà Đệ Phạm, bị khó khăn khi muốn xuất cảnh, dù đang mang thai 6 tháng và cần được chăm sóc y tế ở nước ngoài.

Một phiên toà dân sự giữa hai ngân hàng sẽ diễn ra tại Hà Nội trong thời gian tới, nhưng trước mắt thì nhân viên ngân hàng Hà Lan bị đối xử như những tội phạm. Tất cả các giao dịch ngoại hối đó đều mới được Ngân hàng Nhà nước chứng nhận là hợp lệ trong cuộc kiểm tra hồi gần đây".

Do đó ông Tom O'Dore nói với tờ The Wall Street Journal rằng việc này khiến những ai đang làm ăn tại Việt Nam đều lo sợ là có thể phải chịu chung số phận. Ông nói "họ tội phạm hóa một cuộc giao dịch thương mại hợp pháp. Đây là một việc rất gây hoang mang trong một quốc gia đang cố gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và đưa ra một thông điệp không hợp thời đến Quốc hội Hoa Kỳ".

Nghe quen thuộc

Tờ The Wall Street Journal viết tiếp : "Câu chuyện về ngân hàng ABN-AMRO ở Việt Nam nghe cũng quen thuộc với doanh gia nước ngoài làm ăn tại Trung Quốc. Ông Jerome Cohen, giáo sư viện đại học New York chuyên về hệ thống tư pháp Hoa Lục, cho biết ông vẫn liên tục gặp phải nhiều trương hợp tương tự như vậy tại Trung Quốc.

Ở Việt Nam cảnh sát có quyền tạm giam các nghi can đến một năm mà chưa cần truy tố, nhưng điều đó không có nghĩa là các nhân viên chi nhánh ngân hàng Hà Lan sẽ bị cô lập lâu như vậy. Có tin cho hay tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được xem là có chủ trương cải tổ, đã chỉ thị mở cuộc điều tra khản cấp về vụ này. Ông có vẻ không muốn đánh đổi cơ may nhận quy chế thương mại với Hoa Kỳ để bênh một ngân hàng nhà nước.

Ngay cả trường hợp vụ việc này được giải quyết thỏa đáng nhờ sức ép của các chính phủ nước ngoài, thì nó vẫn là bằng cớ cho thấy Việt Nam còn cách xa mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch và một chế độ thật sự pháp trị.

Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO không phải là liều thuốc chữa bách bệnh, chẳng hạn như Trung Quốc đã tham gia hồi năm 2001 mà cũng chưa hết các vụ vi phạm đối với doanh giới quốc tế".

Bài báo trên tờ The Wall Street Journal hôm thứ Hai kết luận: "trong thế giới tự do, các chính phủ không đi bắt nhân viên của doanh nghiệp đối phương trong một vụ tranh chấp thương mại.

Chừng nào các doanh nghiệp nhà nước chưa bị buộc phải gánh chịu hậu quả của các doanh vụ xấu, hoặc giải quyết qua hệ thống pháp luật, thì chừng đó Việt Nam chưa thể hy vọng sẽ trở nên một thành viên toàn thiện của cộng đồng kinh doanh thế giới được".

Quý thính giả muốn xem bài viết trên tờ báo tài chính quốc tế The Wall Street Journal Online, xin vào trang Web wsj.com.

Theo dòng câu chuyện:

- Hà Lan cảnh báo vụ bắt giữ nhân viên ngân hàng ABN sẽ gây tiếng xấu cho Việt Nam

Thông tin trên mạng:

- Netherlands warns Vietnam ABN Amro rogue trading case could harm relations

- Corporate and Institutional Banking Vietnam

- The Wall Street Journal Online - Vietnam's Hostages

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.