Việt Nam khó có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay
2005.09.08
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Việt Nam đang ra sức đáp ứng thời hạn chót do chính Hà Nội đề ra là được gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO vào cuối năm nay. Nhưng các quan sát viên, và cả nhiều viên chức trong nước, nhận thấy rằng Việt Nam khó mà tọai nguyện vào thời điểm đó.
Theo ông Fred Burke, Giám đốc điều hành văn phòng Baker &McKenzie tại Việt Nam, vốn là công ty luật tư vấn về thị trường Mỹ, thì chuyện Việt Nam được gia nhập vào WTO cuối năm nay là việc vô cùng khó khăn.
Vẫn theo ông Burke, một chuyên gia về các vấn đề thương mại Việt Nam, thực tế cho thấy Hà Nội không thể đạt được mục tiêu như mong muốn vì hiện Việt Nam và những nước đối tác liên hệ còn rất nhiều khác biệt về nhiều vấn đề, và cuối năm nay, cùng lắm thì Việt Nam cũng chỉ có thể hoàn tất những cuộc đàm phán song phương với các đối tác còn lại liên quan việc Việt Nam xin gia nhập WTO mà thôi.
Hiện Việt Nam chưa thương lượng xong với 7 nước, kể cả những xứ mà Hà Nội có thể gặp nhiều gay go nhất là Hoa Kỳ, Australia và New Zealand.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây mà Quyền Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Sam Watson, dành cho Ban Việt Ngữ Đài ACTD, viên chức này cho biết:
“Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Về cuộc đàm phán song phương, rất tiếc tôi không thể trình bày được nhiều vì hai bên vẫn đang tiếp tục thảo luận với nhau. Nhưng tôi có thể nói là cả 2 đoàn đàm phán, phía Hoa Kỳ cũng như phía Việt Nam, đều biết rõ những vấn đề chính cần phải giải quyết, và tôi cũng có thể nói là thỏa hiệp sẽ không được ký kết cho đến khi tất cả vấn đề được giải quyết xong. Về những điểm chính trong cuộc đàm phán song phương, phía Mỹ chúng tôi muốn thấy Việt Nam mở rộng thị trường viễn thông, phân phối.”
Mới đây, chính Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển cũng không lạc quan về chuyện Việt Nam có thể được WTO thu nhận vào cuối năm nay. Và hồi tháng rồi, thứ trưởng thương mại Lương Văn Tự cũng nhìn nhận rằng Việt Nam “rất khó đạt mục tiêu trở thành thành viên chính thức của tổ chức này vào thời điểm đó”.
Theo kế họach thì vào trung tuần tháng 9 này, Việt Nam phải tham dự những cuộc đàm phán đa phương với một nhóm công tác tại Genève về việc Việt Nam xin gia nhập WTO, và Quốc hội Việt Nam cũng phải hoàn tất tiến trình phê chuẩn cho mục tiêu ấy.
Các chuyên gia Mỹ nhấn mạnh rằng hiện Hoa Kỳ trở nên thận trọng hơn đối với Việt Nam, phát xuất từ chuyện TQ không tôn trọng tất cả những cam kết của họ sau khi Bắc kinh được gia nhập WTO hồi năm 2001.
Trong khi đó, việc Liên hiệp Châu Âu EU hai lần áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp và giày dép của Việt Nam nhập vào thị trường EU khiến gây trở ngại cho thời hạn gia nhập WTO như Việt Nam mong muốn.
Hồi tháng 7, Ủy hội Âu châu kết luận Việt Nam bán phá giá xe đạp, nên áp mức thuế đối với mặt hàng này của Việt Nam gần 35 phần trăm; và trước đây trong năm, cơ quan này cũng hành động tương tự đối với mặt hàng giầy dép của Việt Nam, khiến ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam vì EU là thị trường lớn nhất nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Nói chung, những trở ngại của Việt Nam trong nỗ lực xin gia nhập WTO có liên quan đến các yếu tố như thuế nhập khẩu, mức độ mở cửa thị trường Việt Nam, cho công ty dịch vụ nước ngoài được dễ dàng vào hoạt động ở Việt Nam hay không, nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi luật bảo vệ tác quyền, và vấn đề khu vực quốc doanh tiếp tục chiếm ưu thế ở Việt Nam.
Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới WTO hồi năm 1995, và kể từ đó, đã gặp nhiều trở ngại vì tình trạng tranh chấp trong nội bộ đảng CS, quốc nạn tham nhũng và cuộc khủng hoảng Á Châu hồi năm 1997. Phải đến năm 2002 những cuộc đàm phán song phương giữa Việt Nam và các đối tác trong WTO mới thực sự diễn ra.
Những bài liên quan
- Hiệu ứng Katrina
- Các văn hoá phẩm từ Úc sẽ được nhập vào Việt Nam
- Phỏng vấn Quyền Phó Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội về đàm phán song phương việc gia nhập WTO của Việt Nam
- Kế hoạch và Thị trường
- Thành phố Hồ Chí Minh phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu.
- Việt Nam khó có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay
- Phát triển Tiểu Doanh
- Tự do Báo chí và Phát triển Kinh tế
- Cải tổ Bưu chính Nhật Bản
- Đổi mới Công đoàn
- Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO
- Luật đầu tư mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam
- Giáo sư Phan Đình Diệu trả lời phỏng vấn RFA về Hội Thảo Hè ở Đà Nẵng
- Giá đi tour trọn gói Thái Lan rẻ hơn du lịch từ Sài Gòn đến Hà Nội
- Ảo thuật hối đoái của Trung Quốc