Giới trẻ Việt Nam chưa hiểu biết nhiều về căn bệnh HIV/AIDS

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Muốn khống chế sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS, Châu Á cần phải xoá bỏ những quan niệm cấm kỵ khi nói về tình dục cũng như các định kiến kỳ thị bệnh nhân AIDS. Đó là cảnh báo của các chuyên gia quốc tế đối với khu vực đang có tỷ lệ phát tán virus HIV nhanh nhất trên thế giới hiện nay, với phân nửa các ca lây nhiễm mới là trong giới trẻ, đặc biệt trong độ tuổi từ 14-24.

AIDSChildren150.jpg
Hai bé gái 8 tháng tuổi (trước) và 10 tháng tuổi (sau) bị nhiễm HIV tại một trường mẫu giáo của trung tâm xã hội ở Hà Nội. AFP PHOTO

Mức độ hiểu biết của thanh niên Việt Nam về căn bệnh này ra sao? Các hoạt động phòng chống cũng như những khó khăn hiện nay trong công tác giáo dục, tuyên truyền về AIDS tại Việt Nam là gì? Trà Mi đã trao đổi với bác sĩ Nhân, cán bộ chương trình phòng chống HIV/AIDS tại TPCHM liên quan đề tài này:

Trà Mi: Là một người công tác trong lĩnh vực giáo dục, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, bác sĩ đánh giá như thế nào về sự hiểu biết của giới trẻ hiện nay về căn bệnh AIDS, họ có đủ hiểu biết về căn bệnh này chưa?

Bác sĩ Nhân: Chưa, vì các hoạt động truyền thông phòng ngừa thay đổi hành vi hãy vẫn còn nhiều đối tượng cần được tiếp cận. Như vậy, nhu cầu vẫn còn thì thực trạng vẫn còn.

Trà Mi: Tỷ lệ thanh niên Việt Nam hiểu rõ về HIV/AIDS chiếm tỷ lệ bao nhiêu, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nhân: Thông tin đó thì không có. Ở Việt Nam không làm nghiên cứu thăm dò về mảng này vì mấy nghiên cứu đó đòi hỏi phải có phương pháp, có tài trợ mà bên mình không có nên không làm được.

Trà Mi: Thưa tại Việt Nam đối tượng nhiễm AIDS nhiều nhất trong khoảng độ tuổi nào?

Bác sĩ Nhân: Vẫn tập trung ở độ tuổi 17, 18, 19. Đỉnh cao tính chung cả nước thì từ 18-49, nhưng nếu chia ra theo từng nhóm tuổi từng 10 năm thì lứa tuổi từ 19-29 là cao nhất .

Trà Mi: Hiện giờ những công tác tuyên truyền phòng chống AIDS được thực hiện như thế nào, dưới hình thức ra sao?

Bác sĩ Nhân: Một là dạng tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, tiếp cận, phổ biến 1 chiều, tức mình rãi bướm và phát phương tiện ai thấy cần thì lấy. Còn dạng thứ hai là khu trú tiếp cận những đối tượng nguy cơ cao.

Kế nữa là phương pháp truyền thông phòng chống phải đi kèm với điều trị bệnh lây truyền qua tình dục và chăm sóc bệnh nhân AIDS đi kèm với nhau, không tách rời, khác với trước kia chỉ tuyên truyền một chiều không thôi. Mình thành lập mạng lưới tập trung những đối tượng nguy cơ, đào tạo và biến họ thành những giáo dục viên đồng đẳng đi tuyên truyền.

Trà Mi: Thế còn mảng giáo dục trong nhà trừơng thì sao, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nhân: Các tài liệu về HIV trong nhà trường cũng có nhưng sơ sài lắm. Cách giáo dục thì dưới dạng nói chuyện chuyên đề nhưng thấy không rõ ràng, không được sự chăm chút vì người ta coi đối tượng này là đối tượng cũng tạm ổn, không thuộc nguy cơ cao, thành ra không chú ý lắm.

Trà Mi: Xin hỏi thăm bác sĩ về những khó khăn trong công tác giáo dục tuyên truyền phòng chống AIDS ở Việt Nam hiện nay là gì?

Bác sĩ Nhân: Thứ nhất là phân biệt đối xử vì người ta thừơng quan niệm những người mắc bệnh là những người có hành vi xấu. Cho nên ngừơi ta rất ngại khi nói đến vấn đề này.

Trà Mi: Đối với những định kiến như vậy, làm thế nào để có thể xoá bỏ?

Bác sĩ Nhân: Phưong pháp chính hiện nay là tạo những nhóm giáo dục viên đồng đẳng thành đội ngũ tuyên truyền viên. Họ là những nhân chứng sống thì họ tuyên truyền dễ hơn và tâm lý hơn.

Nếu Việt Nam được có thuốc men đầy đủ điều trị thì sẽ ảnh hửơng tốt đến sức khỏe và tuổi thọ những đối tượng đó, thì họ sẽ giúp công tác tuyên truyền nhiều hơn, ngoài ra sẽ tạo hình ảnh người bị bệnh không đến nỗi tệ quá, ngừơi ta vẫn có thể tham gia vào các hoạt động xã hội được và tự kiếm sống được thì rất tốt.

Trà Mi: Nói về mặt nhà nước, bác sĩ có nghĩ nên có những phương pháp cụ thể giúp xoá bỏ định kiến đối với những người bị AIDS?

Bác sĩ Nhân: Nên làm lại luật phòng chống ban hành từ 1985 đã quá cũ và không hiệu lực… Hơn 10 năm rồi mà chưa làm tổng kết được để thay đổi luật cũng là một điều yếu…

Trà Mi: Theo bác sĩ thì vì sao luật này đã có trên 10 năm mà vẫn không mấy hiệu lực?

Bác sĩ Nhân: Chủ yếu vì bộ phận thi hành luật chưa nghiêm minh. Những biện pháp xử phạt không rõ ràng. Không có thông tư dưới luật để hướng dẫn thực thi…

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.