Trường Văn, phóng viên đài RFA
Ủy ban Thường Vụ Quốc hội Việt Nam, trong công tác giám sát một số vụ án thấy rõ ràng có oan sai, nhưng tòa án không chịu thừa nhận. Cơ quan nào đứng ra phân xử nếu có vụ kiện xảy ra? Hoặc như chỉ thị của Bộ Công An trước đây đình chỉ việc đăng ký xe gắn máy. Chỉ thị này rõ ràng là vi phạm quyền sở hữu không hạn chế của người dân được ghi trong Hiến Pháp Việt Nam.

Đừng trước các sự việc như vừa kể, một đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh hoá gợi ý nên thành lập Tòa án Hiến Pháp. Việc này có khả thi hay không? Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây của Trường Văn với Luật sư Nguyễn Văn Hậu thuộc Luật sư đòan thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Văn: Thưa Luật sư, Luật sư nghĩ sao về việc thành lập một Tòa Án Hiến Pháp để xử các hành vi vi hiến của các cơ quan hành chánh và ngay cả của Tòa án?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Đây nằm trong tổng thể cải cách tư pháp tức là phải có cảnh sát tư pháp, tòa án khu vực. Giới chúng tôi cũng ủng hộ việc này.
Trường Văn: Xin Luật sư cho biết hiện nay ngành tư pháp Việt Nam họat động như thế nào, ai kiểm soát những họat động của tòa dưới.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Hiện nay tòa sơ thẩm xử chưa được thì đưa lên tòa phúc thẩm. Theo luật tổ chức tòa án nhân dân và luật tổ chức Viện kiểm sát được ban hành năm 2003 có qui định cấp Giám Đốc Thẩm, theo như các nước thì là tòa phá án, kiểm tra tính cách đúng pháp luật của tòa cấp dưới.
Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Nhưng trường hợp tòa án giám đốc thẩm sai thì người ta kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì trong thiết chế của Việt Nam không làm rõ Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp nên cần có một nhánh tòa Hiến pháp để kiểm tra quyết định của Tòa án có hợp pháp, hợp hiến hay không. Tôi thấy cần thiết phải sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trường Văn: Theo luật sư tiên đoán thì bao giờ Tòa án Hiến Pháp được thành lập.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Trong cải cách tư pháp năm năm sắp đến vấn đề đang thảo luận là nên chăng thành lập tòa án Hiến Pháp và tôi ủng hộ chuyện này vì chỉ có tòa án hiến pháp mới kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp cuả tòa án cấp dưới hoặc những quyết định hành chánh, những hành vi hành chánh.
Trường Văn: Thưa Luật sư, giả dụ như sau này khi tòa án Hiến Pháp được thành lập và một quyết định của cơ quan hành chánh bị tòa phán là vi hiến thì người dân có thể kiện cơ quan hành chánh đã ban hành quyết định vi hiến xin bồi thường được không?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo luật Việt Nam thì chỉ có thể kiện quyết định hành chánh và hành vi hành chánh mà thôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các qui định pháp luật chưa qui định kiện một tập thể ra một quyết định sai. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc những nhà làm luật cần nghiên cứu để qui định các chế tài này.
Trường Văn: Xin chân thành cảm ơn Luật sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.