Việt Nam vẫn chưa công bố nội dung thoả thuận Việt-Mỹ về WTO


2006.06.09

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết thoả thuận Việt-Mỹ về WTO tại Dinh Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh ngày 31 tháng 5 vừa qua, trên trang web của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ có đăng đầy đủ các điểm thoả hiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

DorothyDwoskinWTO150.jpg
Bà Dorothy Dwoskin, Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ và Trưởng đoàn đàm phán với Việt Nam về việc gia nhập WTO. AFP PHOTO

Còn về phía Việt Nam thì sao? Cho tới nay chưa thấy Bộ Thương Mại Việt Nam công bố nội dung các điều khoản hai bên Việt Mỹ thoả thuận thi hành một khi Việt Nam được gia nhập WTO trong năm nay.

Xin mời quý thính giả theo dõi bài tường trình sau đây của Trường Văn về các băn khoăn, trăn trở của người dân và doanh nhân Việt Nam trước vấn đề trọng đại này mà hiện nay họ không biết gì cả.

Phía Hoa Kỳ

Ngay sau khi thoả thuận Việt Mỹ về WTO được ký kết vào ngày 31 tháng 5 vừa qua, Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Carlos M. Gutierrez ca ngợi đoàn đàm phán Hoa Kỳ về những thành tựu đạt được trong thoả hiệp.

Đối với các doanh nghiệp Mỹ, ông Gutierrez tuyên bố là các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ sẽ có cơ hội xâm nhập thị trường rộng lớn của Việt Nam. Theo thoả hiệp vừa mới ký kết, Việt Nam đồng ý giảm mức thuế quan xuống còn 15% hay ít hơn nữa đối với gần 94% các hàng hóa kỹ nghệ cũng như tiêu thụ của Hoa Kỳ xuất sang Việt Nam.

Thêm vào đó, thuế quan cũng sẽ giảm chỉ còn 5% hay ít hơn nữa đối với một số lãnh vực trọng yếu bao gồm những máy móc, trang bị về xây dựng và công nghệ dược phẩm. Đối với máy bay của Mỹ bán sang Việt Nam, mức thuế quan sẽ là zero.

Các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ cũng được huởng nhiều điều kiện thuận lợi trong lãnh vực truyền thông, dịch vụ tài chánh, phân phối cũng như dịch vụ về năng lượng.

Phía Việt Nam

Các điều khoản khác liên hệ đến việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ làm tăng tiến cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ xuyên qua các điều khoản làm minh bạch các họat động của nhà nước Việt Nam và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Điểm quan trọng là không phải đợi đến khi Việt Nam gia nhập WTO mà ngay sau sau ngày 31 tháng năm, chính phủ Việt Nam đồng ý chấm dứt chương trình trợ cấp cho ngành may mặc.

Thoả hiệp cũng cho phép tái lập chế độ quota nếu phát hiện thấy Việt Nam không thực hiện các điều cam kết là bãi bỏ tất cả các chương trình trợ cấp trong lãnh vực may mặc. Một hệ thống theo dõi một các minh bạch việc Việt Nam thi hành cam kết của mình cũng được thiết lập.

Cũng theo thoả hiệp này, qui chế về một nền kinh tế không thị trường của Việt Nam có thể còn kéo dài đến 12 năm trừ khi Việt Nam đủ điều kiện để được công nhận là một nền kinh tế thị trường trước thời hạn này.

Hỏi chuyện một doanh nhân Việt Nam họat động trong lãnh vực may mặc về hiệp ước thương mại Việt Mỹ, chúng tôi nhận được câu trả lời sau đây: “Cũng chỉ mới được biết là thoả ước Việt-Mỹ đã được ký kết, phải vào trang web của WTO để tìm hiểu thêm.”

Một người dân khác cũng bày tỏ là không biết gì cả trừ tin thoả ước đã được ký kết: “Cũng đang chờ công bố. Việc này Việt Nam mình làm hơi chậm.”

Nếu người dân và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mù mờ không biết phải làm gì một khi Việt Nam được gia nhập WTO thì tai hại không biết làm thế nào mà lường được.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cảnh báo là cần phải tránh một cơn bão Chanchu khi Việt Nam gia nhập WTO nếu các doanh nghiệp Việt Nam không được cung cấp các thông tin cần thiết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.