Quá trình cạnh tranh sẽ là người thầy tốt nhất cho Việt Nam

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Năm 01/11/07, Việt Nam đã chính thức trở thành nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Qua cuộc phỏng vấn do Thanh Quang thực hiện từ Bangkok, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia tư vấn kinh tế của Việt Nam trước hết đề cập tới ý nghĩa của diễn tiến này đối với Việt Nam trong giai đọan hiện nay.

BankTrafficPolice150.jpg
Một ngân hàng địa phương ở Hà Nội hôm 18-12-2006. AFP PHOTO

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Đấy là một tiến bộ có tính chất bước ngoặc và là một tiến bộ quan trọng. Nó sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tham gia vào thị trường thế giới, cũng như tạo ra sức ép để các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh.

Đây cũng là một sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy cải cách theo đúng tiêu chuẩn, cùng những cam kết về sự công khai, minh bạch, về luật pháp, về giảm thuế quan, về sự đối xử bình đẳng đối với các doanh nghiệp trong nước và ngòai nước. Tôi nghĩ đây là thời điểm khởi đầu cho công cuộc cải cách rất là thú vị của Việt Nam.

Thanh Quang: Thưa Tiến sĩ, trong khi có nhiều người lạc quan về cơ hội mới sẽ đến với Việt Nam do biến chuyển này, nhưng cũng không ít thương giới trong nước lo ngại bị cạnh tranh đáng kể từ bên ngòai, thậm chí dẫn tới tình trạng phá sản.

Ông nhận xét về nguy cơ này như thế nào, có thể phổ biến tại Việt Nam trong bối cảnh mới không ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì về việc cạnh tranh có thể dẫn đến phá sản, nhưng phá sản không phải là một sự tàn phá tuyệt đối như là cơn bảo, hay như cháy nhà, mà phá sản ở đây là một sự tàn phá sáng tạo, tức là một sự sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém để những nhà đầu tư mới đến cấu tạo lại doanh nghiệp nhằm phát triển.

Vì nhà xưởng vẫn còn đó, máy móc vẫn còn đó, người lao động vẫn còn đó. Người ta sẽ đầu tư thêm, và doanh nghiệp sẽ trỗi dậy. Cho nên tôi nghĩ là tình trạng cạnh tranh sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam lành mạnh hơn, trở nên có hiệu quả hơn.

Đấy là một tiến bộ có tính chất bước ngoặc và là một tiến bộ quan trọng. Nó sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tham gia vào thị trường thế giới, cũng như tạo ra sức ép để các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh.

Mặt khác thì sự lo lắng của một số ngành nghề là hòan tòan có lý khi phải cạnh tranh với những đối thủ mạnh hơn trong những điều kiện Việt Nam đã cam kết giảm thuế và mở cửa thị trường. Trong trường hợp này, tôi nghĩ chính phủ cần có các chương trình trợ giúp để người lao động vượt qua thời gian tìm kiếm việc làm, học tập, và trợ giúp cho các doanh nghiệp trong những việc như chuyển giao công nghệ…

Thanh Quang: Mới đây Giám đốc điều hành Phòng thương Mại Mỹ tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff, có cảnh báo rằng các nhà đầu tư không nên có những hy vọng thiếu thực tế, vì nền kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn "định hướng xã hội chủ nghĩa", có nghĩa là chính phủ vẫn duy trì vai trò lãnh đạo đối với đa số công ty nhà nước. Ông có xem đây là một trở ngại lớn sau khi Việt Nam gia nhập WTO không ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Theo tôi thì các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh, và chính phủ Việt Nam đã nhận thấy điều đó, cho nên đã quyết định đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa và cải cách các doanh nghiệp của nhà nước, kể cả những tổng công ty lớn như hàng không.

Và quá trình cạnh tranh sẽ là người thầy tốt nhất để giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam cải cách. Tôi nghĩ là các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam sẽ gặp một số vấn đề và sẽ gặp những yêu cầu là phải tiếp tục hòan chỉnh khung pháp luật, hoặc về việc nhà đầu tư nước ngòai được mua cổ phần như thế nào, được đăng ký ra làm sao, rồi quyền của họ trong Hội đồng Quản trị như thế nào…

Đó là những điều cần phải được tiếp tục làm rõ. Nhưng đó là những vấn đề có thể giải quyết được, chứ không là những vấn đề khó khăn. Và điều quan trọng là Việt Nam đã cam kết và đã bắt đầu công cuộc cải cách. Tôi lại nhìn thấy ở đấy một sự tiến bộ, một cơ hội nhiều hơn là thách thức.

Thanh Quang: Như vậy thì trước mắt Việt Nam nên khai thác cơ hội mới này như thế nào để có lợi nhất cho nền kinh tế Việt Nam ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách, và sẽ phải thay đổi cơ cấu, đặc biệt thay đổi không phải chỉ là cải cách trong lãnh vực kinh tế, mà còn cả trong cải cách hành chính, giáo dục đào tạo, vì lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là con người Việt Nam.

Thanh Quang: Việt Nam hiện đã trở thành thành viên của WTO, theo nhận xét của Tiến sĩ thì người dân trong nước gặp thuận lợi hay bất lợi ra sao trong bối cảnh mới này ?

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tất cả người dân trong nước với tư cách là người tiêu dùng sẽ được ít nhiều lợi, vì là người tiêu dùng sẽ được hưởng hàng hóa có chất lượng cao hơn, hưởng được dịch vụ tốt hơn, giá cả sẽ giảm đi.

Còn giới thanh niên, những người có học vấn, năng động, những người chấp nhận phải đi xa, chấp nhận đổi mới…thì những người đó có cơ hội lớn hơn. Còn những người nào không có học vấn, không được đào tạo, những người tàn tật, những người già…thì có cơ hội ít hơn; và đấy là nhóm người cần sự trợ giúp của chính phủ.

Thanh Quang: Cảm ơn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh rất nhiều.

Theo dòng thời sự:

- Đại hội đồng WTO họp biểu quyết thu nhận Việt Nam làm thành viên

- Việt Nam chính thức được thu nhận làm hội viên thứ 150 của WTO

- Doanh nhân và người dân cảm nhận gì trước sự kiện VN gia nhập WTO?

- Nhận định của các chuyên gia kinh tế về việc Việt Nam gia nhập WTO

Thông tin trên mạng internet:

- WTO | Accession status: Viet Nam

- US-Vietnam Trade Council