Các chức danh lãnh đạo có thể được thi tuyển hay không?


2006.06.04

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Bên lề các cuộc họp của Quốc hội kỳ này, nhiều đại biểu đưa ra những ý kiến mà chỉ mới vài năm trước đây không thể nghe thấy. Được chú ý nhiều nhất có lẽ là những đề xuất về vấn đề nhân sự Nhà nước cần phải được xem xét lại sao cho hiệu quả và phòng chống lãng phí.

CuHuyHaVu150.jpg
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Photo courtesy Vn Express.

Từ sau những vụ tai tiếng cấp cao tại các bộ ngành trung ương, công luận mới thật sự bức xúc về vấn đề nhân sự của Nhà nước khi các tham quan như Nguyễn Việt Tiến lại còn đảm nhiệm luôn chức vụ chống tham nhũng ở bộ Giao thông-Vận tải.

Sử dụng nhân tài

Đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Ngoạn hồi tuần trước cho báo chí biết là ông hoàn toàn ủng hộ quan điểm của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Long của tỉnh Long An về việc bầu cử các chức danh chủ yếu của Nhà nước thì Quốc hội nên đưa ra một số dư để có sự lựa chọn.

Ông Đỗ Trọng Ngoạn khẳng định với báo chí là hiện nay có nhiều bộ trưởng không đủ khả năng để điều hành công việc, nên cần phải có sự thay đổi. Ông đoan chắc rằng lần này nếu Quốc hội sử dụng phương thức bỏ phiếu tín nhiệm một cách đúng đắn, thì sẽ có nhiều bộ trưởng phải rời ghế vì không thể nào có đủ số phiếu cần thiết.

Không nêu đích danh tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhưng trả lời báo chí về trường hợp người tự ứng cử vào các chức danh lãnh đạo Nhà nước, ông Đỗ Trọng Ngoạn nhận xét rằng người tự ứng cử là người can đảm. Căn bản là do mình không tin những người can đảm đó. Hơn nữa nhân sự là vấn đề nhạy cảm, thường đã được bàn trước, sắp xếp trước cả rồi, nên khó thay đổi. Theo ông thì bây giờ phải thay đổi cách thức bầu các chức danh bộ trưởng.

Đó cũng là ý kiến của rất nhiều đại biểu Quốc hội khác như ông Nguyễn Đức Dũng, Lê Thanh Long....Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết: “Ngay cả việc sử dụng nhân tài với lực lượng những người không tham gia đảng chẳng hạn. Những cách làm đó khi đã đi vào bản chất vấn đề là để khai thác nguồn lực của toàn dân thì cơ chế sẽ dần dần thay đổi. Tôi nghĩ rằng đấy cũng là cách vừa bảo đảm tăng thêm nguồn lực cho đời sống chính trị đất nước, đồng thời hạn chế việc tham nhũng.”

Đến đây, nhiều người không khỏi thắc mắc vì sao cho người ngoài đảng được nắm giữ các chức vụ then chốt, nếu họ có khả năng, mà hạn chế được tham nhũng ?

Không hồng cũng chẳng chuyên

Người tự ứng cử vào chức bộ trưởng Thông tin-Văn hóa, ông Cù Huy Hà Vũ, khi trả lời câu hỏi của chúng tôi về tiêu chuẩn "hồng hơn chuyên" khi chọn lãnh đạo Nhà nước, đã phát biểu: “Cái chuyện hồng hơn chuyên thì có lẽ nó thuộc về thời kỳ cách đây 4, 5 chục năm rồi, chứ không phải bây giờ nữa.

Bây giờ, hầu hết không có hồng, mà cũng chẳng có chuyên. Người ta vào những chức vụ chủ yếu để vơ vét, tham nhũng cho cá nhân, tham nhũng cho bè cánh, tham nhũng cho gia đình. Có thể trong chừng mực nhất định, người ta cũng cảm thấy là lúc này đây mà không hưởng đi, rồi sắp tới lúc không còn hưởng được nữa. Đó là tâm lý con buôn. Tâm lý đấy là của những kẻ tiểu nhân. Đáng mừng là trong xã hội còn rất nhiều người tâm huyết.”

Đóng góp về ý kiến chọn nhân sự lãnh đạo bộ máy Nhà nước, nhiều người đã thẳng thắn ủng hộ sự lựa chọn, thay vì bị áp đặt như hàng mấy thập niên qua. Trên báo mạng Vietnamnet, luật sư Đặng văn Luân, trưởng văn phòng Luật sư Miền Bắc, phó chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Thái Bình, viết rằng "trong quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam, tốt nhất là nên có từ 2 đến 3 ứng cử viên cho một chức danh. Không có gì trái Hiến pháp cả, việc vừa qua có một số cá nhân tự ra ứng cử là biểu hiện cho việc dân chủ hóa".

Cũng mới tuần trước tại Hà Nội, nhân lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Hội Khoa học Phát triển Nguồn Nhân lực, Nhân tài Việt Nam, chủ tịch hội Đoàn Duy Thành, nguyên phó Thủ tướng, đã phát biểu rằng "không để những người không phải là nhân tài, mà cứ được cất nhắc lãnh đạo nhân tài, sinh ra nạn chạy chức, chạy quyền, khiến cho nhân tài bị "ém" lại, làm cho nguyên khí quốc gia tù mù như ánh đèn dầu hỏa".

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét rằng sau 13 năm thi hành chỉ thị, quyết định chống tham nhũng, mà có tới 1 bộ trưởng, 5 thứ trưởng, 14 chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh bị xử lý hình sự, rồi tham nhũng gộc lại phụ trách chống tham nhũng ở bộ Giao thông-vận tải, thì công luận đã hết sức bức xúc.

“Khi một tổ chức chính trị đã nhận thức ra điều đó, thì họ cũng vì sự tồn vong, sự phát triển của mình, thì đương nhiên họ cũng thấy chuyện đó là chuyện cần thiết, không thể không làm được.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.