Việt Nam cấm công chức các cấp không được quan hệ, trả lời báo giới

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa phổ biến chỉ thị cấm công chức các cấp không được cho tin, trao đổi, lên tiếng, giải thích hay quan hệ với báo giới. Quyết định nói rõ chỉ có cấp bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, và những quan chức được trung ương chỉ định mới có thể tiếp xúc với các cơ quan truyền thông, và báo đài.

newspapers200.jpg
Tại Việt Nam hầu hết các ngòi bút đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt và bị đặt dưới áp lực của đảng và nhà nước. AFP PHOTO

Tổng hợp tin tức gởi đi từ Hà Nội, Đỗ Hiếu xin gởi đến quý vị thêm chi tiết về những thông tin liên hệ đến quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam vẫn nắm quyền quản lý và kiểm soát mọi phương tiện thông tin đại chúng bao gồm báo chí, đài phát thanh, truyền hình, mạng Internet và luôn cả sinh hoạt phim ảnh, nhạc kịch và nghệ thuật.

Ngay sau khi quyết định cấm đoán công nhân viên, quan chức nhà nước không được tự động tiếp xúc, cung cấp tin tức cho nhà báo, một phóng viên từ Hà Nội nói rằng, thông tư này đi ngược lại chủ trương mà chánh phủ thường quảng bá và cổ võ trong sách lược cải tổ hành chánh, chấn chỉnh lề lối làm việc và trong sạch hóa guồng máy công quyền.

Dư luận bất bình

Một nhà báo khác sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh thì lo ngại là từ đây công việc của ông và các đồng nghiệp sẽ gặp lắm rào cản, khó khăn vì các quan chức nhà nước không thể hé môi khi các phóng viên tìm đến họ để dọ hỏi tin tức như trước đây.

Một nữ ký giả chuyên thực hiện phóng sự về xã hội và đời sống thì thấy rõ là rồi đây khi muốn hỏi han bất cứ điều gì thì nhà báo phải chạy qua bao nhiêu chặng đường, bao nhiêu cấp chức, mới tìm tới được một người có đủ thẩm quyền để cho mình những điều muốn biết.

Cho đến nay, nhà báo ở Việt Nam thường thu thập tin tức thông qua những viên chức cấp nhỏ hay cấp trung làm việc ở các bộ ngành trung ương hay chánh quyền cấp địa phương hoặc phía công an, cảnh sát.

Quy định mới ban hành không nói rõ về các biện pháp xử lý đối với những quan chức sai phạm tức là tự ý gặp gỡ, trao đổi với nhà báo mà không được cấp trên cho phép. Chỉ thị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cấm đoán công chức từ nay không được tự ý tiếp xúc với nhà báo đã bị dư luận người Việt cũng như các tổ chức quốc tế tức khắc phản đối.

Ông Tâm Nghĩa, một người hành nghề truyền thông tại Pháp nói với đài RFA rằng, Việt Nam cũng như các nước khác theo chế độ cộng sản đều ngại người dân biết rõ sự thật, cho nên họ luôn tìm cách che dấu, bưng bít, nói dối.

Ông Đỗ Hồng, một nhà báo sinh hoạt tại Hoa Kỳ thì cho là chỉ thị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tương tự như hành động linh mục Nguyễn văn Lý bị công an bịt miệng tại phiên tòa ở Huế. Hà Nội chỉ muốn loan báo những gì họ thấy có lợi cho họ, do đó việc che đậy hiện tượng tiêu cực, bê bối, đáng trách, cố ý xóa bỏ quyền tự do ngôn luận là điều không thể tránh khỏi.

Từ trong nước, bà Hòa một thính giả của Đài Á Châu Tự Do kể rằng, trên khắp đường phố giăng đầy khẩu hiệu cổ võ cho dân chủ, tận diệt tham nhũng, nhưng nhà nước lại tìm cách khóa miệng dân tình thì đây là chuỵên vô lý, vì e ngại người ta phanh phui, vạch trần những gì xấu xa trong lòng chế độ.

Từ Paris, ông Vincent Brossel thuộc Reporters Sans Frontiteres tức tổ chức phóng viên không biên giới nhấn mạnh rằng, quyết định mới đây của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một chủ trương độc đoán, một sự vi phạm rõ rệt của Hà Nội đối với những gì họ đã cam kết khi gia nhập WTO.

Đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ

Theo ông, Việt Nam ngày càng đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, và làm mất đi uy tín đối với công luận thế giới đang mạnh mẽ phê phán hành động đàn áp dân chủ xảy ra thời gian gần đây.

Mặt khác, ông Rolf Berfman đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội cũng đã công bố văn thư trả lời câu hỏi của các ký giả về việc này. Ông nói rằng các nhà báo và phóng viên cần phải được tạo điều kiện thuận lợi từ mọi ngành nghề, mọi nguồn gốc, xuất xứ khác nhau để họ thu thập, phân tích, tìm hiểu, điều tra hầu tiếp thu tin tức chính xác để phục vụ cho công chúng.

Đại sứ Berfman cũng nói thêm rằng, chỉ thị ngăn cấm công chức tại Việt Nam, không cho họ tiếp xúc với báo chí đã đi ngược lại chương trình tập huấn chuyên môn dành cho các nhà báo và phóng viên trong nước mà Thụy Điễn đã tận tâm xúc tiến và dồn mọi nỗ lực từ trên 7 năm qua.

Mục tiêu là huấn luyện giới truyền thông Việt Nam trợ giúp Nhà nước trong mục tiêu chống tham nhũng. Giờ đây với quy chế về người phát ngôn, báo chí xem như không có quyền thu thập tin tức về những điều bất thường xảy ra trong guồng máy công quyền nữa.

Báo chí Thụy Điển cũng cho hay là sắp tới đây tổng thanh tra nhà nước Việt Nam, ông Trần Văn Truyền, sẽ hướng dẫn phái đoàn quan chức cao cấp sang Hà Lan và Thụy Điển để học hỏi kinh nghiệm trong chiến dịch bài trừ tham nhũng, tệ đoan xã hội.

Theo dự kiến, các quan chức của Hà Nội sẽ thảo luận với chuyên gia nước bạn về vai trò của báo chí trong vấn đề tận diệt tham nhũng tại Việt Nam. Vào dịp đó, nếu có người nêu thắc mắc về quyết định vừa mới do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành, không biết phái đoàn Hà Nội sẽ giải trình ra sao?

Nếu không cho báo chí tìm hiểu qua mọi cấp công chức thì làm sao có thể phát hiện và chống tham nhũng qua những lời tuyên bố của phát ngôn nhân chính thức ?