Thị trường nhà đất Việt Nam đang xao động


2006.07.30

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Giá nhà đất tại Việt Nam được xem là cao không thua kém gì những thành phố quốc tế được xem là xa hoa từ nhiều năm trước. Những giá trị đó có bền vững không, có được căn cứ vào thực tế không ? Lê Dân tìm hiểu thêm và trình bày như sau.

BuildingSaigon150.jpg
Cặp vợ chồng đến nhận căn hộ trong tòa nhà mới xây ở Phú Mỹ Hung, Sài Gòn hôm 10-7-2005. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam

Trong một cuộc khảo sát gần đây của công ty tư vấn Mercer của Hoa Kỳ, giá nhà đất tại Hà Nội xếp hạng 29 trong tổng số 144 thành phố khắp thế giới, ngay sau Berlin và đắt hơn nhiều thành phố lớn khác, từng nổi tiếng như Quảng Châu, Đài Bắc, San Francisco và Chicago.

Cụ thể ta có thể thấy giá 1 mét vuông ở mặt tiền trung tâm thành phố tại Sàigòn hay Hà Nội bây giờ đã lên tới 5 ngàn đôla. Một mét vuông căn hộ cao cấp vào khoảng từ 300 đến 1 ngàn đôla hay cao hơn, là những khoản tiền không bao giờ dám mơ ước của đại đa số dân chúng vào khi lợi tức bình quân dù đã được cải thiện rất nhiều trong những năm qua cũng chỉ trong khoảng 1,500 đến 2,000 đôla một năm mà thôi.

Thị trường non trẻ

Tuy nhiên, từ sau khi đổi mới, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục đều đặn tăng, khiến nhu cầu về nhà ở, về nơi kinh doanh, làm việc cũng cần được tăng cao theo. Điều đó đã khiến giá nhà đất tại các trung tâm thương mại của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Sàigòn..... trong những năm gần đây tăng và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng thêm nhiều khu căn hộ cao cấp, hay phức hợp văn phòng-chung cư....

Từ đó, căn cứ theo tốc độ lợi nhuận xoay vòng nhanh, giá cả nhà đất lên cao cũng với tốc độ nhanh, nhiều người chưa hề quen việc đầu tư cũng khởi sự bỏ tiền vào lãnh vực địa ốc, hơn là gởi ngân hàng lấy lãi, hay đầu tư vào thị trường chứng khoán non trẻ mà lại bấp bênh.

Không ít nhà đầu tư Việt Nam còn đón đầu triển vọng Việt Nam sắp gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để mạnh dạn vay tiền để bỏ vào lãnh vực địa ốc, với hy vọng đón làn sóng doanh gia nước ngoài giàu có sẽ ồ ạt kéo đến Việt Nam làm ăn.

Tuy nhiên, doanh gia quốc tế cũng rất quen thuộc với hệ thống giá cả địa ốc quốc tế nên tình trạng giá nhà đất, văn phòng như hiện nay tại Việt Nam được họ xem là quá cao. Nếu so sánh với một văn phòng làm việc tại Sàigòn có cùng giá với văn phòng tại Hồng Kông hay Quảng Châu, thì phương tiện, thiết bị và môi trường kinh doanh hai bên còn cách nhau khá xa.

Những dự đoán đón đầu vì vậy nay bị xem là thiếu cơ sở. Báo Asia Times số phát hành ngày 27 tháng Bảy cho biết đã có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư và kinh doanh phát triển bất động sản lớn đã góp phần đẩy giá thị trường địa ốc Việt Nam lên quá cao.

Ảnh hưởng đến nền kinh tế

Bài báo việc dẫn lời giáo sư Lê Đình Thăng của Trường đại học Kinh tế Hà Nội , cho biết giá đất cao hơn giá trị thực tế của chúng, cộng với tác động tâm lý và thay đổi về luật nhà đất, là những nguyên do khiến việc mua bán nhà đất sút giảm như hiện nay. Thêm vào đó còn những lời đồn đại dai dẳng về thuế sử dụng đất sẽ tăng khiến các người đầu cơ địa ốc đâm lo.

Ông Đặng Hùng Võ, thứ trưởng Tài nguyên-Môi trường, còn khẳng định là cần phải làm cho giá nhà đất trở lại mức mà đa số người dân có thể mua được thì mới giúp kích thích nền kinh tế. Việt Nam không thể để giá nhà đất quá cao như hiện nay khiến người dân và nền kinh tế phải thiệt.

Vì sao nền kinh tế bị ảnh hưởng do giá nhà đất quá cao ? Hiện nay khoảng gần 20% tổng số tiền các ngân hàng Việt Nam cho vay là thuộc diện có dính dáng địa ốc. Với tình trạng mà báo chí mô tả là "đóng băng" thì hệ thống ngân hàng cũng khốn đốn. Một cư dân Sàigòn quen thuộc với lãnh vực đầu tư nhà đất cho biết:

“Những người đầu tư bất động sản phần đông vay tiền của ngân hàng. Mà bất động sản họ không bán được thì tiền lời ngân hàng càng tăng, có nguy cơ đổ vỡ. Ngừơi đầu tư đổ vỡ, kéo ngân hàng đổ vỡ theo có ảnh hưởng xáo trộn đến kinh tế.”

Mới đây, trong cuộc tiếp xúc với báo giới, ông Nguyễn Tiến Thỏa, phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá thuộc bộ Tài chính, đã cho biết thị trường bất động sản đang dần khởi sắc, đã có những tín hiệu khả quan hơn. Theo ông đó là nhờ tác động của một số chính sách tháo gỡ của Nhà nước đưa ra trong thời gian trước, chẳng hạn như Nghị định 17/2006, Nghị định 18/2004....

Thị trường “đóng băng”

Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên là lý do nào khiến thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian gần đây, thì ông cho biết đầu tiên là do thị trường không còn sức hút, không ít nhà đầu tư đã chuyển hướng mới, có lợi hơn. Giá vàng thường dùng làm bản vị để mua bán bất động sản lại lên xuống thất thường khiến các đối tượng chuyên mua đi bán lại bất động sản để kiếm lời cũng bị giảm nguồn vốn.

Hiện tượng thị trường nhà đất "đóng băng" đã được nhận thấy tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Sàigòn. Một nữ doanh nhân Hà Thành cho biết: “Giao dịch nhà đất trong giai đoạn này rất là...chững. Người ta không mua, mà cũng không bán. Thậm chí nhà chung cư xây lên, rất là khó bán.”

Giải pháp đối phó cần những gì ? Ngoài các biện pháp Nhà nước vừa đưa ra như Luật Kinh doanh Bất động sản, khuyến khích mọi người mua bán tham gia giao dịch trên sàn bất động sản để thị trường được công khai và minh bạch do thông tin đầy đủ. Cung cấp tín dụng cho người thu nhập thấp được vay tiền mua nhà trả góp...

Giải pháp được tờ Asia Times nêu lên, trích dẫn lời ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Việt Nam, là khi người mua đã bớt quan tâm đến việc mua bất động sản, thì giá cả cần phải được hạ xuống. Những người chủ bất động sản cần phải nhận thức rằng muốn bán thì phải bớt giá, phải chấp nhận ít hơn những gì đã dự phóng và thu tóm những gì có thể thu được trong một vụ đầu tư xấu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.