Việt Nam nằm trong danh sách 45 nước không có tự do dân chủ

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tổ chức phi chính phủ chuyên cổ động và truyền bá tự do-dân chủ có tên gọi Freedom House vừa công bố bản báo cáo về tình hình tự do trên toàn cầu trong năm qua. Trà Mi lược thuật nội dung chính của phần trình bày về Việt Nam.

2007FreedomReport200.jpg
Report Freedom in the World 2007 (PDF file)

Dựa vào kết quả khảo sát tình hình tự do chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các nước, tổ chức Freedom House kết luận rằng tình hình tự do trên thế giới trong năm qua khá trì trệ, đặc biệt tình trạng ở Châu Á có dấu hiệu giảm sút.

Bản phúc trình ghi rõ, năm 2006 tình hình tự do toàn cầu chẳng những không có dấu hiệu biến chuyển khả quan mà xuất hiện nhiều xu hướng đáng quan ngại có nguy cơ đe doạ đến sự phát triển của môi trường tự do trên thế giới trong tương lai.

Điểm thấp nhất

Theo báo cáo này, trên thế giới hiện có 90 quốc gia được đánh giá là “tự do”, chiếm 47% dân số toàn cầu. Số nước đựơc xem là “phần nào có tự do” chiếm 30%. Và còn lại được xem là không có tự do, với 45 xứ sở, trong đó có Việt Nam.

Về tình trạng tự do chính trị, Việt Nam được 7 điểm, tức là số điểm thấp nhất trong thang bậc phân loại, và được 5 điểm khi xét về các quyền tự do cơ bản của công dân, tức là lên một điểm so với năm trước đó, nhờ vào một số cải thiện trong lĩnh vực tự do tôn giáo.

Phúc trình của Freedom House ghi rõ trong thời gian qua, Hà Nội không ngừng được quốc tế mà đặc biệt là Hoa Kỳ nhắc nhở và yêu cầu cải thiện tình trạng nhân quyền. Một cách cụ thể, trong chuyến Mỹ du hồi giữa năm 2005 của cựu thủ tướng Phan Văn Khải, giới lãnh đạo Hà Nội đã ký kết với Washington một thoả thuận về phát triển tự do tôn giáo.

Quyền tự do chính trị

Thậm chí, quốc hội Mỹ đã phải dùng biện pháp liên hệ giữa viện trợ kinh tế với phóng thích tù nhân chính trị và tôn giáo tại Việt Nam. Đáp lại những áp lực này, chính quyền Hà Nội đã chứng tỏ phần nào nới lỏng sự kiểm soát đối với tôn giáo. Một ví dụ cụ thể là số tù nhân tôn giáo được báo cáo giảm từ 45 xuống hiện còn 6 người.

Sắc lệnh về tôn giáo do nhà nước ban hành gần đây cũng giảm bớt các quy định giới hạn đối với những tổ chức tôn giáo. Mặc dù có cải thiện nhưng sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam vẫn chưa thật sự được tự do. Tất cả các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước và được giám sát bởi một cơ quan đại diện của đảng. Các trường hợp tấn phong giám mục Công giáo đều phải được nhà nước chuẩn thuận.

Về tình hình tự do chính trị, vẫn theo Freedom House, những thay đổi về kinh tế tại Việt Nam không kéo theo sự cải tổ chính trị. Tệ trạng cán bộ nhà nước lạm dụng quyền lực, tham nhũng công quỹ, và sách nhiễu nhân dân vẫn ngày một phát triển tràn lan mặc dù đã có một vài quan chức cao cấp bị truy tố.

Bên cạnh đó, nhà nước vẫn tiếp tục mạnh tay đàn áp các quyền tự do căn bản của người dân như tự do báo chí truyền thông, và những người có ý kiến chỉ trích nhà cầm quyền. Tuy vậy, người dân Việt Nam không thể thay đổi và biến chuyển bộ máy nhà nước trở thành dân chủ hơn bởi lẽ chính trị và chính quyền đều do đảng cộng sản điều khiển, và Ban chấp hành trung ương Đảng chính là cơ quan quyết định tối cao.

Freedom House cũng nhận xét rằng quốc hội Việt Nam với gần 500 thành viên chung quy chỉ làm theo mệnh lệnh của đảng mà thôi, bất cứ ai chống đối đều phải bị khai trừ, bằng chứng cụ thể là hồi năm 1999, một cựu đảng viên cao cấp là tướng Trần Độ đã bị loại trừ khỏi Đảng sau khi ông lên tiếng kêu gọi dân chủ và quyền tự do bày tỏ ý kiến.

Tình hình tự do dân chủ

Chia sẻ với nhận xét của Freedom House về tình hình tự do dân chủ ở Việt Nam, một cư dân Sài Gòn đưa ra quan điểm của mình:

“Đảng đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản chỉ làm cho đất nước này nghèo khổ, dân chúng khó khăn hơn thôi, chứ không đưa đến sự phát triển theo đúng tiềm năng của Việt Nam. Ai cũng biết mà nhiều báo chí trong nước như chính báo Pháp luật cũng đăng là Việt Nam làm gì có dân chủ thực thụ? Như việc bầu cử chẳng hạn.

Quyền đi bầu là quyền của người dân, mà nhà nước ép buộc mọi người đều phải đi bầu theo kiểu “đảng cử dân bầu” mà dân đành phải chấp nhận như vậy. Người dân thấy đa số đại biểu quốc hội chỉ là của đảng và bảo vệ cho đảng thôi chứ đâu có bảo vệ cho quỳên lợi của người dân?! Cho nên tôi không đi bầu, thì đảng và nhà nước có chấp nhận quyền tự do dân chủ của nhân dân như thế không? Nếu tôi đi bầu tôi sẽ gạch bỏ hết.

Đương nhiên cái xấu phải che đi nhưng tiếc là ở hoàn cảnh Việt Nam, cái tốt quá ít mà cái xấu lại quá nhiều. Còn chính sách “cây gậy và củ cà rốt” tức là người nào ngoan ngoãn nghe lời thì đựơc để yên hoặc ban cho bổng lộc. Còn người nào hiểu biết mà lên tiếng nói thì lập tức bị trù dập bằng mọi hình thức.

Bản thân tôi từng tiếp xúc với rất nhiều người dân. Họ hiểu hết nhưng vấn đề ở đây là họ sợ không dám nói ra. Ba chính sách đang đựơc đảng áp dụng hiện nay là “tốt khoe, xấu che”, “dân ngu dễ trị”, và “cây gậy và củ càrốt”.

Đương nhiên cái xấu phải che đi nhưng tiếc là ở hoàn cảnh Việt Nam, cái tốt quá ít mà cái xấu lại quá nhiều. Còn chính sách “cây gậy và củ cà rốt” tức là người nào ngoan ngoãn nghe lời thì đựơc để yên hoặc ban cho bổng lộc. Còn người nào hiểu biết mà lên tiếng nói thì lập tức bị trù dập bằng mọi hình thức. ”

Đánh giá về lĩnh vực thực thi các quyền tự do căn bản của công dân, báo cáo của Freedom House cũng đề cập đến vấn đề dân oan khiếu kiện đòi đền bù tại Việt Nam, chủ yếu than phiền về các vấn nạn quan chức tham nhũng, bộ máy nhà nước cồng kềnh kém hiệu quả, thủ tục rườm rà, và việc nhà nước tịch thu đất đai bất hợp lý trong khi bộ máy tư pháp thì bị lệ thuộc hoàn toàn vào đảng cộng sản.

Đây cũng là một trong những lý do khiến Việt Nam bị xếp rất thấp trong bảng chỉ số nhận thức tham nhũng do Tổ chức minh bạch quốc tế thực hiện, với vị trí thứ 107 trên 159 quốc gia được khảo sát.

Quyền tự do thông tin

Về các quyền tự do dân sự khác, Freedom House nhận định báo chí truyền thông tại Việt Nam đựơc đặt dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ của nhà nước. Các ngòi bút vượt quá phạm vi đảng cho phép thì bị tù tội hoặc ít nhất là bị chính quyền sách nhiễu.

Trong hơn 83 triệu dân số của Việt Nam có khoảng 2 triệu người có điều kiện truy cập internet, thế nhưng chính mạng lưới thông tin toàn cầu này cũng bị chính phủ kiểm soát gắt gao, đặt tường lửa ngăn chặn thông tin, và quy định người dân phải trình duyệt giấy tờ trước khi vào các quán internet.

Quyền tự do hội họp của người dân cũng bị giới hạn. Những cơ quan hoạt động nhân quyền quốc tế hoặc các tổ chức cá nhân nào muốn vào Việt Nam với lịch trình làm việc xoáy vào lĩnh vực nhân quyền đều bị cấm cản.

Vẫn theo phân tích của Freedom House, người dân Việt Nam miễn là không liên quan đến các vấn đề dân chủ, nhân quyền, hay chính trị nhạy cảm thì sẽ không bị nhà nước can thiệp vào sinh hoạt đời sống, công ăn việc làm, hay nơi cư trú.

Cơ hội kinh tế đối với nữ giới có gia tăng nhưng so với nam giới, phụ nữ vẫn còn bị phân biệt về lương bổng và mức độ thăng tiến công việc. Nhiều phụ nữ vẫn còn là nạn nhân của bạo hành gia đình và mỗi năm Việt Nam có hàng ngàn phụ nữ bị buôn bán vào các đường dây mại dâm trong và ngoài nước.

Kể từ năm 1972, tổ chức Freedom House bắt đầu công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do toàn cầu, dựa trên kết quả đánh giá-khảo sát tình trạng tự do chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên thế giới.

Để tìm hiểu thêm về đánh giá của Freedom House đối với trường hợp Việt Nam, BTV Trà Mi có cuộc trao đổi với bà Anny Wong, chuyên viên phân tích chính trị làm việc cho tổ chức này, cũng chính là người phụ trách phần báo cáo về Việt Nam.

Theo dòng câu chuyện:

- Freedom House: Nền tảng hệ thống chính trị là nguyên nhân khiến Việt Nam bị điểm thấp

Thông tin trên mạng:

- Freedom in the World 2007

- Trang web của Freedom House