Nam Nguyên tường trình từ Bangkok
Trong một bài trước chúng tôi đã trình bày tổng quát về tình hình thị trường nguyên liệu cao su thiên nhiên tại Việt Nam, chiều hướng giá xuất khẩu gia tăng đem lại thêm lợi nhuận và cải thiện đời sống cho nông dân và công nhân ngành cao su.

Tuy nhiên Việt Nam đã hụt một bước không phát triển tương xứng công nghiệp sản xuất các mặt hàng cao su thành phẩm với giá trị gia tăng nhiều lần. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.
Từ một thập niên vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được thúc đẩy gia tăng diện tích và sản lượng để xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Sau cà phê robusta đứng hàng nhì thế giới về lượng, là mủ cao su sơ chế được xếp hàng thứ tư trong số các nước xuất khẩu nhiều cao su nhất.
Diện tích trồng gia tăng
Theo chỗ chúng tôi tìm hiểu, từ thập niên 1980 đến nay diện tích trồng cao su ở Việt Nam gia tăng 5 lần đạt 450 ngàn hécta, trong những năm gần đây sản lượng mủ thô xuất khẩu khỏang 400 ngàn tấn mỗi năm.
Năm 2004 Việt Nam thu về 580 triệu đô la do xuất khẩu cao su, nhưng hầu hết là tiền bán mủ cao su nguyên liệu, trong khi xuất khẩu sản phẩm chế tạo từ cao su lại quá khiêm tốn chỉ quanh quẩn mức 50 triệu đô la.
Đó là các sản phẩm vỏ ruột xe, găng tay, cao su y tế, nệm mút chẳng hạn. Ông Lê Hòang Hồ, tổng gíam đốc công ty liên doanh Oasis-Việt Thổ cho rằng Việt Nam đã mất đi rất nhiều lợi nhuận do chỉ chú trọng xuất nguyên liệu thô.
Nguyên liệu cao su sơ chế của Việt Nam có nhiều loại, tùy theo độ đàn hồi và các chỉ số kỹ thuật tiêu chuẩn, mà mủ cao su được sơ chế thành các loại nguyên liệu gọi là cao su bành 33kg, 33 như SVR 3 L, SVR 5L màu sáng, hay hàng màu đậm như SVR 10, hoặc 20.
Hoặc mủ tờ xông khói RSS, hay latex tức mủ cao su đánh đông bằng công nghệ ly tâm. Một kỹ sư ngành hóa học cao su giải thích.
Nguồn cao su bị khan hiếm
Việc phát triển cây cao su và nỗ lực xuất khẩu nguyên liệu thô khiến cho cao su bị khan hiếm trên thị trường tiêu thụ nội địa. Các nhà sản xuất bong bóng, đồ tiêu dùng, hay vỏ ruột xe, nệm mút phản ảnh về tình trạng không mua được nguyên liệu cần thiết.
Thị trường nội địa nhất là khu vực tư nhân, chỉ trông chờ vào sự cung cấp của các chủ điền cao su tư nhân, gọi là cao su tiểu điền.
Phát triển diện tích và sản lượng cao su, mà không chú trọng tới công nghiệp sản xuất chế biến hàng hóa cao su thành phẩm, là một tầm nhìn ngắn hạn.
Các chuyên gia thị trường đã phân tích như vậy, Việt Nam xuất nguyên liệu cao su thô rồi lại nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ cao su, như đế giày, vỏ ruột xe ô tô, máy bay, các loại gioăng, phốt kỹ thuật, các loại dây cu-roa, các sản phẩm cao su y tế. Đây mới chỉ là một số mặt hàng điển hình, trong khi sản phẩm từ cao su rất đa dạng.
Con số 50 triệu đô la thu về qua xuất khẩu hàng hóa chế tạo từ cao su quả là khiêm tốn cũng như mức vốn đầu nước vào lãnh vực này. Theo Bộ Thương Mại, năm 2004 doanh nhân nước ngòai chỉ đầu tư tổng cộng 100 triệu đô la vào lãnh vực chế tạo sản phẩm cao su.
Cần phải cân đối
Chính phủ Việt Nam đặt chỉ tiêu là vào năm 2010 diện tích trồng cây cao su ở Việt Nam sẽ đạt 700 ngàn hécta tăng 45% do với hiện nay. Tuy nhiên các chuyên gia thương mại cho rằng hướng tới tương lai cần phải cân đối giữa nguyên liệu và chế biến hàng hóa.
Giới hạn mức xuất nguyên liệu thô như hiện nay, số nguyên liệu cao su còn lại cần có công nghiệp chế biến để sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu, dự kiến sẽ tăng gấp 10 lần so với 2004. Chính vì vậy vào ngày 8 tháng 7 vừa qua, tại vủng Tàu, ngành cao su đã tổ chức hội nghị tìm hướng giải quyết.
Phiên họp vừa nói có nhiều câu hỏi hơn là lời giải đáp, dù qui tụ đầy đủ đại diện của Tổng Công Ty Cao Su Việt Nam, Tổng Công Ty Hóa Chất, 50 doanh nghiệp trồng và chế biến cao su nguyên liệu, cũng như chính quyền các tỉnh có diện tích trồng cao su.