Thể thao Việt Nam cần phải làm gì trong thời gian tới?


2006.12.16

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Tối hôm nay, đoàn thể thao Việt Nam sẽ lên đường về nước. Trước khi rời DOHA, nhà báo Minh Hải của VnExpress đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn ngắn, nói về nhận xét của cá nhân anh với thành quả của đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 15. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

DohaGameHoangAnhTuan150.jpg
Lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn được huy chương bạc ở môn thi dành cho các lực sĩ hạng 56kg. AFP PHOTO

Nguyễn Khanh: Nhận xét của anh về kết quả chúng ta đạt được ở ASIAD 15 tại DOHA như thế nào?

Minh Hải: Ở ASIAD 15 này chúng ta không hoàn thành chỉ tiêu, nhưng đó là thành tích hợp lý và có sự cố gắng của rất nhiều vận động viên. Chúng ta phải đối mặt với thực thế là các đối thủ rất mạnh, họ chuẩn bị rất kỹ càng cho ASIAD 15, trong khi chúng ta có vẻ như mọi thứ diễn ra không xuông sẻ lắm, kể cả về mặt chủ quan lẫn vấn đề khách quan.

Nguyễn Khanh: Anh nói về mặt chủ quan và khách quan là ý anh muốn nói như thế nào?

Minh Hải: Về mặt khách quan là sang Qatar này, mọi thứ đều khác so với cái điều kiện mà họ đã tập luyện. Thí dụ như kết quả không được như mong muốn của đội wushu, chúng ta đã tập huấn ở Trung Quốc, nhưng khi sang bên này thì hầu hết các vận động viên của chúng ta không hòa nhập được với cái khí hậu, thời tiết bên này, cũng như đồ ăn thức uống, dẫn đến kết quả là rất nhiều người thể lực bị xuống. Đó là về vấn đề khách quan.

Còn về vấn đề chủ quan là quả thật chúng ta không có nhiều thông tin lắm về các đối thủ, đơn cử như vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn, là một vận động viên cử tạ trẻ, rất tiềm năng, đã từng đoạt vô địch thế giới, nhưng vì không có những thông tin cần thiết về các đối thủ nói chung, nên chúng ta đã đưa ra chiến thuật không được hợp lý lắm, dẫn đến kết quả chúng ta chỉ thua người ta có 2 kg, đành phải nhận huy chương bạc.

Đó cũng là cái mất mát lớn đối với đoàn thể thao Việt Nam, vì anh Hoàng Anh Tuấn là kỳ vọng sẽ đem chiếc huy chương vàng đầu tiên của môn cử tạ ở ASIAD 15 về cho quốc gia.

Nguyễn Khanh: Ở BUSAN 2002, Việt Nam chiếm được 4 huy chương vàng. Lần này tại DOHA 2006, tụt xuống chỉ còn có 3. Theo anh, làm thế nào để năm 2010 tại Quảng Châu, chúng ta có thể vượt qua được con số 4 đã tạo được tại BUSAN?

Minh Hải: Ðó là một vấn đề mà ngành thể thao và ngay chính phủ Việt Nam cũng đang đặt ra một kế hoạch chiến lược, một kế hoạch dài hơi để làm sao chúng ta có thể cải thiện được thành tích của mình trên trường Châu Lục, nói chung, và ở Quảng Châu 2010.

Những công tác đào tạo trẻ, những công tác phát hiện tài năng, tập huấn và thi đấu sẽ được cọ sát, sẽ được làm tốt hơn, sẽ được làm hiệu quả hơn, để phục vụ cho cái tham vọng của chúng ta tại Quảng Châu 2010.

Nguyễn Khanh: Là một nhà báo đã đi sát với đoàn thể thao Việt Nam trong nhiều năm trời, từ SEAGAMES cho đến ASIAD, thì thành quả đạt được tại DOHA chắc khiến anh phải thất vọng, không hài lòng?

Minh Hải: Nói không hài lòng thì cũng không hoàn toàn đúng. Thất vọng cũng không hoàn toàn đúng. Nhưng không được như kỳ vọng. Sở dĩ chúng ta nói như thế vì có rất nhiêu môn ở thế mạnh, nhiều môn được kỳ vọng sẽ đem vàng về, nhưng cuối cùng chúng ta đã không thành công.

Nói là thất vọng thì không đúng bởi vì các vận động viên của chúng ta đã cố gắng hết sức, nỗ lực hết mình, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có sức bật cần thiết ở thời điểm quyết định để làm sao chúng ta dành được vàng.

Trong số hơn một chục huy chương bạc, nếu như chúng ta chỉ cần cố thêm một tí nữa thôi, chúng ta có lực, chỉ cần cô thêm ở phần quyết định thôi thì có thể số huy chương vàng chúng ta đoạt được đã không dừng lại ở con số 3. Và tôi rất tin tưởng rằng đến năm 2010, con số đó sẽ cao hơn 5.

Nguyễn Khanh: Thông thường các chính phủ, chẳng riêng gì chính phủ Việt Nam, ưa đọc báo mà không khi lắng nghe tiếng nói đóng góp của các nhà báo. Giả sử các chính phủ và các viên chức đặc trách ngành thể thao Việt Nam gọi các nhà báo đến và bảo rằng đã đến lúc các bạn phải đóng góp ý kiến với chúng tôi, thì riêng anh, anh đóng góp những gì?

Minh Hải: Thực sự ra, không riêng ngành thể thao mà tất cả những ngành khác đều đã nói rất nhiều và nói với tất cả mọi người, để chúng ta huy động một sức mạnh tập thể, cái trí tuệ của toàn dân và thật ra thì chúng tôi đã làm điều này rất lâu rồi.

Từ khi tôi chưa đi làm, mới là một cậu học sinh rất nhỏ thì bố mẹ tôi đã làm việc đó, đã đóng góp ý kiến ở mức độ có thể thấp hơn, từ cấp phường, cấp quận lên đến thành phố và tất cả đều được lắng nghe. Ở Việt Nam không chỉ vấn đề thể thao, mà tất cả mọi vấn đề chúng tôi đều được đóng góp rất thoải mái, và được các cơ quan chức năng thu nhận, có thể là những gợi ý cho họ để thực hiện tốt.

Nguyễn Khanh: Và anh sẽ đóng góp ý kiến như thế nào với các giới chức đặc trách thể thao Việt Nam?

Minh Hải: Thật ra nói điều này thì rất là khó, vì ngành thể thao của Việt Nam rất rộng, mỗi môn có đặc thù khác nhau. Ví dụ như ở môn bóng đá, ở môn bóng chuyền hay là ở môn cầu mây.

Nói đơn cử như ở môn cầu mây, chúng ta đã làm một cuộc cách mạng, chúng ta học hỏi kỹ thuật của Thái Lan, chúng ta sang Thái Lan tập huấn, chúng ta mời những đội bên Thái Lan sang thi đấu với chúng ta. Để rồi một ngày nào đó, và chính là ở ASIAS 15 nay, chúng ta đã soán ngôi, chúng ta đã thể hiện tất cả những gì mình đã học hỏi được từ chính Thái Lan để hạ bệ chính đối thủ đó.

Kết quả này cũng sẽ đóng góp một phần rất lớn trong việc cổ vũ và động viên tinh thần tất cả các vận động viên ở những môn thể thao khác có thể tiến lên và giành được những vị trí cao hơn trong những năm tới.

Nguyễn Khanh: Cám ơn anh Minh Hải.

Thông tin trên mạng:

- The official website of the 15th Asian Games Doha 2006

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.