Trường Văn, phóng viên đài RFA
Hôm thứ Tư 8 tháng 3 vừa qua, Trung Tâm nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế Hoa Kỳ, gọi tắt là CSIS, có trụ sở tại Washington công bố một tường trình sơ khởi về những điều phái đòan của Trung tâm thu lượm được khi sang Việt Nam vào tháng giêng vừa qua để nghiên cứu về tình hình HIV/AIDS tại Việt Nam.

Xin mời quý thính giả theo dõi tóm lược bảng tường trình này của CSIS do Trường văn biên soạn
Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và quốc tế Hoa Kỳ
Được thành lập từ năm 1962, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và quốc tế Hoa Kỳ là một tổ chức bất vụ lợi có mục đích làm tăng tiến phúc lợi quốc gia và an ninh trên thế giới bằng cách đưa ra những cái nhìn về chiến lược và những giải pháp chính trị thực tế cho các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Trung Tâm hoạt động như là một đối tác trong việc hoạch định những kế hoạch chiến lược cho chính phủ bằng cách thực hiện các cuộc điều tra, nghiên cứu, phân tách và đề xướng các chính sách và dự báo những thay đổi trong tương lai.
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, mục đích chính của Trung Tâm là tìm kiếm các phương cách để bảo đảm sự sống còn của nước Mỹ cũng như mang lại sự phồn vinh cho dân chúng Hoa Kỳ.
Trong hơn 4 thập niên qua, Trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và quốc tế Hoa Kỳ dần dần trở thành một một định chế nổi tiếng về các vấn đề của nước Mỹ cũng như về an ninh thế giới.
Việt Nam có tiềm năng ngăn chặn dịch bệnh phát triển trên một tầm mức rộng lớn. Đây là điều tốt.
Hoạt động tích cực
Bảng tường trình của Trung Tâm sau chuyến đi khảo sát Việt Nam vào tháng giêng vừa qua đã mô tả khía cạnh tích cực của các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và cho rằng Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc kiểm sóat dịch bệnh HIV/AIDS mà tại các nước khác trên thế giới khó thực hiện được.
Tiến Sĩ Peter Piot, Giám Đốc Điều Hành của tổ chức phụ trách các vấn đề HIV/AIDS của Liên Hiệp Quốc, mặc dù không phải là một thành viên trong phái đòan đi khảo sát tại Việt Nam đã cho rằng tại Việt Nam có nhiều yếu tố giúp Việt Nam có thể ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của HIV/AIDS:
“Việt Nam có tiềm năng ngăn chặn dịch bệnh phát triển trên một tầm mức rộng lớn. Đây là điều tốt. Sức mạnh của xã hội Việt Nam cũng như của chính phủ Việt Nam biểu hiện thật rõ khi nhìn lại cách thức Việt Nam đối phó với bệnh hô hấp cấp tính SARS cũng như đối với bệnh cúm gia cầm gần đây.”
Tuy nhiên Tiến sĩ Peter Piot cho rằng trường hợp Việt Nam cũng minh hoạ nên những khó khăn các xã hội Châu Á gặp phải khi đối phó với HIV/AIDS. Tại Việt Nam khi nói đến bệnhAIDS là người ta nghĩ ngay đến việc tiêm chích ma tuý và mãi dâm.
Tuy nhiên theo ông Peter Piot thì 2/3 số người bị nhiễm HIV/AIDS không phải là những người nghiện ma túy hoặc hành nghề mãi dâm. Điều này có nghĩa là HIV/AIDS hiện đang lây lan theo con đường khác.
Tình trạng phân biệt đối xử
Tiến sĩ Peter Piot chỉ rõ thêm là trong bản tường trình của Trung Tâm, vấn đề ô nhục, kỳ thị và phân biệt đối xử đối với các người nhiễm HIV/AIDS làm cho việc chữa trị và phòng ngừa căn bệnh hiểm nghèo này gặp nhiều khó khăn.
Điều này phản ánh giá trị văn hóa và đạo đức của người Việt Nam coi những người sử dụng ma túy và hành nghề mãi dâm như những tội đồ, những thành phần được coi là những tệ nạn trong xã hội:
“Tôi nhớ là lần đầu tiên cách đây nhiền năm, khi tôi sang Việt Nam thì cục phòng chống tệ nạn xã hội chịu trách nhiệm về vấn đề HIV/AIDS. Điều này làm cho việc đối phó với bệnh AIDS trở nên khó khăn hơn và làm tăng thêm mặc cảm ô nhục và bị phân biệt đối xử của những người bị nhiễm HIV.”
Cựu Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ, Tommy Thompson, một thành viên trong phái đòan sang Việt Nam nhấn mạnh là dù miền Nam và miền Bắc Việt Nam có sự khác biệt về cung cách quản lý đất nước nhưng đối với vấn đề HIV/AIDS, các nhà lãnh đạo địa phương của 2 miền đều có cùng chung quan điểm:
“Lãnh đạo đã nhập cuộc. Họ muốn làm cái gì đó. Họ không biết phải làm điều gì, cũng không biết phải làm sao. Họ vẫn còn e dè về vấn đề này. Vẫn còn có việc coi như là ô nhục nếu bị mắc phải HIV/AIDS.
Do đó vẫn còn có những vi phạm về nhân quyền của những người mắc bệnh. Nhưng tôi có ấn tượng tốt là Việt Nam có nhiều bác sĩ giỏi và một hệ thống y tế tốt. Mỗi năm họ tiêu vào khỏang 200 triệu đô la cho y tế.”
Cựu Bộ Trưởng Thompson và Tiến sĩ Peter Piot đều đồng ý là Việt Nam là một quốc gia mà việc lây lan của HIV/AIDS giảm thiểu và kiểm sóat được.