Chỉ tiêu xuất khẩu thuỷ sản 3,5 tỷ đôla, một con số quá khiêm nhượng?


2007.02.22

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Ngành thuỷ sản Việt Nam đặt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2007 với kim ngạch khoảng 3 tỷ 500 triệu đô la, báo chí mô tả đây là con số khiêm nhượng. Phải chăng vệ sinh an toàn thực phẩm là rào cản khiến Việt Nam thận trọng trong kế hoạch, đặc biệt 3 thị trường lớn gồm Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ là những bạn hàng khó tính.

ShrimpFarmer150.jpg
AFP PHOTO

Nam Nguyên phỏng vấn ông Nguyễn Tử Cương, Cục Trưởng Cục Quản Lý Chất Lượng An Toàn Vệ Sinh và Thú Y Thuỷ Sản trụ sở ở Hà Nội, mời quí vị theo dõi:

Nam Nguyên: Thưa ông Cục Trưởng, từ đầu năm dương lịch 2007 cho đến hôm nay, tôm Việt Nam còn tiếp tục xuất đi Nhật hay không? Nhật Bản còn duy trì kiểm tra 100% mặt hàng Tôm xuất xứ Việt Nam?

Ông Nguyễn Tử Cương: Chúng tôi vẫn xuất đều và số lượng có tăng. Nhật Bản vẫn đang duy trì lệnh kiểm tra 100% mặt hàng tôm từ Việt Nam. Như tôi đã nói, chính sách của Việt Nam là yêu cầu của thị trường như thế nào thì chúng tôi làm như thế.

Đối với thị trường Nhật trước 2006, cụ thể là vào tháng 11/2005, quốc hội Nhật mới ban hành luật thực phẩm sửa đổi, trong đó có 17 loại kháng sinh bị cấm tương đương như ở Châu Âu và Mỹ. Lúc đó người Nhật mới bắt đầu kiểm soát. Vào thời điểm tháng 5/2006 luật sửa đổi có hiệu lực thì 31 nước có hàng thuỷ sản vào Nhật bị phát hiện có dư lượng kháng sinh cấm, trong đó có Việt Nam.

Theo thông tin chúng tôi cập nhật thì Việt Nam không phải là nước bị nhiễm cùng lúc nhiều mặt hàng. Đến tháng 11, 12/2006 một đoàn của Cục quản lý chất lượng vệ sinh an toàn và thú y thuỷ sản Việt Nam (Nafiquaved) sang làm việc với Cục Y Dược Thực Phẩm của Bộ Y Tế Nhật Bản.

Chúng tôi đã thông báo cho phía bạn biết những biện pháp mà chúng tôi đã thực hiện, trong đó là một hệ thống biện pháp trong quá trình từ sản xuất thức ăn, nuôi trồng, quá trình bảo quản nguyên liệu và đặc biệt là khâu kiểm soát Nhà nước đối với từng lô hàng trước khi xuất khẩu sang Nhật.

Chúng tôi vẫn xuất đều và số lượng có tăng. Nhật Bản vẫn đang duy trì lệnh kiểm tra 100% mặt hàng tôm từ Việt Nam. Như tôi đã nói, chính sách của Việt Nam là yêu cầu của thị trường như thế nào thì chúng tôi làm như thế.

Chúng tôi bắt đầu thực hiện những việc này từ tháng 12/2006, sau một tháng chúng tôi vẫn xuất sang Nhật trên 1 ngàn lô hàng, nhưng cơ quan thẩm quyền Nhật bản chỉ phát hiện 1 lô nhiễm dư lượng Chloramphenicol với giá trị phát hiện rất thấp. Đến thời điểm này chúng tôi xác định với Cục Y Dược Thực Phẩm Nhật Bản là Việt Nam chúng tôi sẽ thực hiện được những yêu cầu của thị trường Nhật. Lời cam kết này chúng tôi tin là chúng tôi sẽ thực hiện được.

Nam Nguyên: Như vậy ông đánh giá là các biện pháp mà ngành thuỷ sản đưa ra là có hiệu quả ?

Ông Nguyễn Tử Cương: Vâng, chúng tôi có thể khẳng định như vậy. Đó là những biện pháp mà chúng tôi đã thực hiện cho hàng thuỷ sản xuất khẩu vào EU, Hàn Quốc, Canada, Na Uy Thuỵ Sĩ, Iceland và từ tháng 12/2005 áp dụng với thị trường Hoa Kỳ.

Trên mạng của FDA ( Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ) thì cả năm 2006, chúng tôi chỉ bị một công hàng ( container) duy nhất bị phát hiện nhiễm Chloramphenicol. Hiện nay FDA đang thảo luận để tiến tới công nhận kết quả kiểm tra của chúng tôi sau 1 năm bạn đã xem xét. Nghĩa là chúng tôi kiểm tra 100% chuyển sang bên đó FDA vẫn kiểm tra lại và nay thấy rằng có thể công nhận kết quả của nhau.

Nam Nguyên: Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thuỷ sản xuất sang Nhật, thì sự hợp tác của người nuôi trồng, nhà chế biến, nhà xuất khẩu được đánh giá như thế nào?

Ông Nguyễn Tử Cương: có thể nói giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Nafiquaved, chức năng tương đương như FDA, với người nuôi trồng nhà chế biến không phải là hai mặt đối lập, không phải là người kiểm tra và người sản xuất bị kiểm tra. Giữa chúng tôi với nhau gắn liền quyền lợi quốc gia uy tín của Việt Nam làm mục tiêu phấn đấu.

Do vậy những điều chúng tôi chỉ dẫn doanh nghiệp và người nuôi trồng thực hiện đều xuất phát từ mục tiêu phát triển nuôi bền vững, chế biến bền vững. Vì thế những điều chúng tôi đưa ra được người nuôi và nhà chế biến hưởng ứng một cách nhiệt thành. Chính việc kiểm tra 100% tất cả lô hàng xuất khẩu đi Nhật không phải là do chính phủ đưa xúông, mà là do doanh nghiệp chế biến yêu cầu.

Nam Nguyên: Có phải cửa ải vệ sinh an toàn thực phẩm đưa đến chỉ tiêu xuất khẩu thuỷ sản 2007 được ấn định là 3 tỷ rưỡi đô la, con số báo chí gọi là khá khiêm tốn so với lợi thế ?

Có thể nói giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Nafiquaved, chức năng tương đương như FDA, với người nuôi trồng nhà chế biến không phải là hai mặt đối lập, không phải là người kiểm tra và người sản xuất bị kiểm tra. Giữa chúng tôi với nhau gắn liền quyền lợi quốc gia uy tín của Việt Nam làm mục tiêu phấn đấu.

Ông Nguyễn Tử Cương: Năm 2006 chúng tôi đã đạt 3 tỷ 310 triệu đô la. Nhìn lại năm 1981 ngành thuỷ sản lúc ấy chỉ đạt 11 triệu 200 ngàn đô la thì thấy rằng đó là tốc độ phát triển mà không một ngành kinh tế nào ở Việt Nam có thể đạt được.

Tuy nhiên đây là một ngành sản xuất dựa trên tái sinh sản sinh học, do vậy không như những ngành sản xuất khác nếu có thiết bị có con người thì mình có thể tăng công suất một cách vô hạn định, mà nó dựa vào khả năng sản xuất sinh học của một quốc gia.

Do vậy bộ trưởng chúng tôi đã nói là có khả năng đạt 3,5 tỷ đô la, đây là không phải do những rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm mà cái chính là xuất phát từ những tính toán khoa học. Từ nguyên liệu đầu vào xem xét đánh bắt bao nhiêu để đảm bảo sang năm vẫn có nguồn lợi như cũ.

Xem xét tính toán nuôi con gì ở đâu, nuôi phải gắn liền với bền vững. Con số 3 tỷ rưỡi đô la là có thể đảm bảo với quốc hội và chính phủ là ngành thuỷ sản sẽ vượt qua. Tôi không nghĩ đây là con số khiêm tốn hoặc do rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm mà là một con số được tính toán trên cơ sở khoa học từ khâu nuôi trồng đánh bắt đến chế biến thành phẩm cuối cùng trong đó có cả yếu tố là sự chấp nhận của thị trường khả năng tiêu thụ sản phẩm mà chúng tôi sản xuất ra.

Nam Nguyên: Xin cảm ơn ông Cục Trưởng Nguyễn Tử Cương.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.