Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Giá gạo thế giới được dự báo duy trì ở mức cao trong năm 2006, liệu các nhà xuất khẩu Việt Nam có tận dụng được lợi thế do nguồn cung trên thế giới giảm sút. Lần đầu tiên sau 17 năm tham gia xuất khẩu gạo, năm 2005 Việt Nam bán được cho các nước lượng gạo kỷ lục 5 triệu 200 ngàn tấn trị giá 1 tỷ 400 triệu đô la, giá xuất khẩu bình quân là 267 đô la một tấn.

Thời gian đó Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam tỏ ra có cái nhìn chính xác, khi đề nghị chính phủ cho xuất hết lượng lúa hàng hoá, như lời ông chủ tịch Trương Thanh Phong: " Tôi chủ trương còn lúa hàng hoá thì cho xuất hết. Chúng tôi cố gắng nâng cao chất lượng gạo lên để giữ được giá cao."
Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng thứ trưởng thương mại Phan thế Ruệ nhìn nhận yếu kém của chính phủ trong điều hành xuất khẩu gạo năm 2005. Trên báo Tuổi Trẻ, thứ trưởng Ruệ nhắc lại chuyện không xác định chính xác sản lượng gạo xuất khẩu, khiến lúc đóng lúc mở, hạn chế việc xuất khẩu từ 3 triệu 800 ngàn tấn rồi điều chỉnh 4 triệu 100 ngàn tấn để cuối cùng tăng vọt lên 5 triệu 200 ngàn tấn.
Cần nâng cao phẩm chất hạt gạo
Bộ nông nghiệp phát triển nông thôn và các bộ ngành khác, nay được chính phủ yêu cầu sớm tính toán lại cơ cấu tiêu dùng lương thực và sản lượng thực tế. Theo tin này, sự tính toán sai lầm vừa qua, được đổ lỗi là do công thức tính cơ cấu lương thực có từ năm 1985, không cập nhật những yếu tố liên quan tới tiến bộ khoa học trong nông nghiệp, giảm được tỷ lệ lúa giống và hao hụt sau thu hoạch, cũng như mức tiêu thụ gạo của người dân giảm do đời sống cao hơn, mâm cơm có nhiều thức ăn hơn.
Trở lại dự báo xuất khẩu gạo của Việt nam, Thứ trưởng Phan Thế Ruệ nói trên báo Tuổi Trẻ rằng năm nay 2006, sẽ có thể xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn gạo, tương đương như 2005. Ông Ruệ cũng nhận xét rằng 60% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo 25% tấm tức loại gạo xấu, nếu các bạn hàng châu Phi Châu Á có khả năng chuyển sang mua loại gạo tốt hơn như 15% tấm, thì Việt Nam sẽ lâm vào thế bị động. Ông Ruệ cho rằng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tránh chạy theo số lượng mà phải tìm cách nâng cao phẩm chất hạt gạo.
Liên quan tới cùng vấn đề, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn viện trưởng viện chính sách và chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn của Việt Nam nhận định với chúng tôi rằng:
“Rõ ràng là nông nghiệp Việt Nam từ phát triển theo chiều rộng, mở rộng diện tích, đầu tư thêm vật tự, thêm lao động để lấy sản lượng cao…thì bây giờ đã chuyển sang giai đoạn khác rồi, bây giờ chúng tôi tăng cao giá trị nông sản, tăng thêm giá trị gia tăng, giảm giá thành và tăng độ vững bền tự nhiên. Tất nhiên để thực hiện sẽ có nhiều việc phải làm”
Nguồn cung cấp dồi dào
Theo tin mạng lúa gạo quốc tế, trong tuần lễ kết thúc hôm 17/1, các doanh nghiệp Việt Nam khởi sự tung gạo dự trữ ra thị trường, do có dự báo được mùa. Nguồn cung cấp gạo xuất khẩu của Việt Nam dự kiến khá dồi dào trên thị trường, điều này sẽ làm giảm giá xuất khẩu.
Trong tuần lễ kết thúc ngày 17/1 giá gạo 5% tấm của Việt Nam được bán với giá khoảng 265 tới 267 đô la một tấn so với mức giá 273 đô la một tuần trước đó. Giá gạo 25% tấm của Việt Nam còn 247 đô la giảm khoảng 10 đô la một tấn. Dù vậy các chuyên gia thị trường lúa gạo tiên liệu rằng, hoạt động xuất khẩu gạo từ Việt Nam sẽ bớt nhộn nhịp trong thời gian hai tuần lễ trước và sau Tết Bính Tuất.
Dự báo của các chuyên gia quốc tế cũng trùng hợp với chỉ đạo của chính phủ, theo lời thứ trưởng thương mại Phan Thế Ruệ, thời điểm mùa Tết Nguyên Đán và mùa giáp hạt, các doanh nghiệp phải giãn tiến độ ký hợp đồng xuất khẩu để tránh gây đột biến giá. Theo tin Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, tính đến ngày 17/1 các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên toàn quốc đã ký được các hợp đồng xuất 800 ngàn tấn gạo cho năm 2006.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành nông nghiệp lúa gạo của Việt Nam tuy có những thành quả về sản lượng nhưng cần phải hướng tới tương lai phát triển bền vững. Thưa quí thính giả, khi nào thực hiện được canh tác tập trung với các vùng lúa chất lượng cao, sử dụng nguồn tài chánh đúng mức để trang bị máy móc nông nghiệp cần thiết, trang bị hệ thống kho bãi hiện đại. Lúc ấy kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam còn có thể tăng cao hơn mức 1 tỷ 400 triệu đô la như hiện nay, và người nông dân cũng cải thiện được đời sống của mình.