Việt Nam cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh trong hoạt động xuất khẩu thủy sản

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tức VASEP, cho biết tiêu chuẩn vệ sinh và chất lượng sản phẩm sẽ là những yếu tố thiết yếu trong hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2006 này. Thanh Quang tìm hiểu vì sao, trong năm nay, Việt Nam mới chú trọng tới hai yếu tố đó. Trước hết, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư Ký VASEP, giải thích.

CatFish150.jpg
Việt Nam cải thiện tiêu chuẩn vệ sinh trong hoạt động xuất khẩu thủy sản. AFP PHOTO

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Vấn đề là do yêu cầu của thị trường mà Việt Nam xuất khẩu sang. Thí dụ như thị trường Châu Âu, và thị trường Mỹ cũng vậy, là họ yêu cầu mấy thứ: Một là nhà máy chế biến ra sản phẩm đó phải ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng. Khâu thứ hai là điều kiện vệ sinh từ cơ sở, máy móc thiết bị tới con người.

Một mặt quan trọng nữa là sản phẩm nguyên liệu, tức là nuôi trồng thủy sản, như việc nuôi cá tra và basa chẳng hạn, phải áp dụng hệ thống tiêu chuẩn của Mỹ, trong đó, yêu cầu các khâu từ sản sinh ra con cá tới chế biến sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra thì các nhà máy còn phải có hệ thống quản lý chất lượng, môi trường. Cái tiếp cận của Việt Nam là quản lý chất lượng, hay quản lý an toàn thực phẩm đó theo hệ thống từ khâu đầu đến khâu cuối của quá trình sản xuất, cho đến khi đến tay người tiêu dùng.

Thanh Quang: Những tiêu chuẩn, những khâu mà ông vừa trình bày, thì Việt Nam đạt đến đâu rồi?

Ông Nguyễn Hữu Dũng: Việt Nam hiện nay có 439 nhà máy chế biến thủy sản, thì hơn 82 phần trăm trong số này đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn Châu Âu, mặc dù Châu Âu mới công nhận có 171 nhà máy của Việt Nam thôi.

Thưa quý vị, chúng tôi tìm hiểu thêm về vấn đề này, và được một viên chức thuộc công ty xuất nhập khẩu thủy sản TPHCM cho biết:

Viên chức thủy sản: Các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn của Mỹ, do cơ quan quản lý chất lượng thú y, thủy sản đề ra. Cơ quan này hướng dẫn cho các doanh nghiệp, nhà máy Việt Nam để họ áp dụng theo các tiêu chuẩn vệ sinh.

Thanh Quang: Như vậy chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh của thủy sản Việt Nam hiện ra sao?

Viên chức thủy sản: Về cơ bản thì tốt.

Thanh Quang: Nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần ra sức cải thiện các tiêu chuẩn vừa nói như thế nào để có thể gặp thuận lợi hơn ở thị trường nước ngoài?

Viên chức thủy sản: Thì lúc nào các doanh nghiệp cũng phải ra sức cải thiện, từ cơ sở hạ tầng cho tới những điều kiện sản xuất, chế biến sản phẩm.

Thanh Quang: Hiện dư lượng kháng sinh có còn là trở ngại của thủy sản Việt Nam tại thị trường ngọai quốc không?

Viên chức thủy sản: Vấn đề này đã kiểm soát được rồi.

Thanh Quang: Bộ Ngư nghiệp hay những cơ quan chức năng liên hệ có giúp các doanh nghiệp thủy sản cải thiện tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu của họ không?

Viên chức thủy sản: Họ khuyến cáo nhiều hơn là giúp đỡ. Bản thân các doanh nghiệp phải tự thân vận động nhiều hơn, nhất là trong nền kinh tế thị trường nhiều cạnh tranh hiện nay.

Thanh Quang: Nguồn thủy sản Việt Nam hiện thu hút những thị trường nào nhiều nhất.

Viên chức thủy sản: Thị trường Mỹ vẫn nhiều nhất, kế đó là Liên hiệp Châu Âu, và ở Châu Á thì thị trường Nhật tiêu thụ sản phẩm Việt Nam nhiều nhất.

Thanh Quang: Cảm ơn anh.