Việt Nam có thể mở cửa một số lãnh vực dịch vụ quan trọng sớm hơn các cam kết với WTO


2006.11.28

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Việt Nam có thể mở cửa một số lãnh vực dịch vụ quan trọng sớm hơn các cam kết với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Chính phủ đã giải trình bằng văn bản trước khi quốc hội họp ngày 28/11 để thảo luận và thông qua Nghị Định Thư gia nhập WTO.

PhoneInternet200.jpg
Bản quảng cáo dịch vụ của mạng quân đội Viettel tại một cửa hàng ở Hà Nội. AFP PHOTO

Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày rõ quan điểm của ông là thực hiện nghiêm chỉnh những gì đã ký kết, không những thế chính phủ sẽ không bảo lưu một số hạn chế về mở cửa thị trường các ngành dịch vụ cơ bản như bán lẻ, ngân hàng và viễn thông. Sự kiện này có nghĩa là Việt Nam sẽ mở cửa các ngành vừa nói sớm hơn cam kết với WTO.

Theo các thông tin chúng tôi ghi nhận được, thì quan điểm của chính phủ được bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển giải trình rõ trước Uỷ Ban Đối Ngoại Quốc Hội. Chính phủ cho rằng việc mở cửa thị trường dịch vụ đem lại lợi ích lớn, đặc biệt là các lãnh vực có ảnh hưởng rộng lớn đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và giao thông vận tải.

Người tiêu dùng được hưởng lợi

Một thương gia trẻ ở TP.HCM so sánh lợi ích mà người tiêu dùng được hưởng trong lãnh vực viễn thông trong thời gian qua:

“Tôi dùng điện thoại di động từ hồi Việt Nam chỉ có 2 công ty của tổng công ty Việt NamPT cung cấp là Vinaphone và Mobiphone. Lúc đó giá thật mắc, phí hoà mạng 1 triệu rưởi, sau đó chưa gọi gì hết mỗi tháng cũng phải đóng 250 ngàn tiền thuê bao để duy trì số điện thoại, rồi gọi bao nhiêu tính thêm bấy nhiêu rất mắc.

Từ khi có thêm S Phone và mạng quân đội Viettel thì trên thị trường có cạnh tranh giá giảm rất nhiều, phí hoà mạng trên lý thuyết chỉ còn 150 ngàn nhưng luôn khuyến mãi miễn phí. Thuê bao cũng chỉ còn 60 ngàn. Bỏ giá phân vùng, thống nhất 1 giá. Mở cửa thị trường càng cạnh tranh người tiêu dùng càng lợi”

Người tiêu dùng trong nước sẽ được nhiều cơ hội lựa chọn hơn, thứ nhất họ lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, thứ hai họ chọn lựa doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm. Nhiều cơ hội chọn lựa mang lại nhiều lợi ích.

Sự kiện mở cửa thị trường dịch vụ tạo cạnh tranh làm một số tổng công ty Nhà nước mất miếng bánh độc quyền béo bổ bấy lâu nay. Trong một thời gian dài người tiêu dùng Việt Nam đã phải chấp nhận giá cả dịch vụ đắt đỏ rất nhiều so với các nước khác trong khu vực, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Khi công bố cam kết WTO, một số ngành quan trọng đều có lộ trình mở cửa, thí dụ cho phép thành lập liên doanh với đa số vốn nước ngoài để cung cấp dịch vụ viễn thông không gắn kết với hạ tầng mạng nghĩa là phải thuê mạng do doanh nghiệp Việt Nam nắm quyền kiểm soát. Đầu tư vào hạ tầng mạng, doanh nhân nước ngoài chỉ được góp vốn tới 49%.

Về lãnh vực bảo hiểm việc mở cửa thị trường đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng theo nhận định của ông Phùng Đắc Lộc Tổng Thư Ký Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam:

“Người tiêu dùng trong nước sẽ được nhiều cơ hội lựa chọn hơn, thứ nhất họ lựa chọn sản phẩm bảo hiểm, thứ hai họ chọn lựa doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm. Nhiều cơ hội chọn lựa mang lại nhiều lợi ích.”

Những dịch vụ khác

Về dịch vụ phân phối, thời điểm cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 1/1/2009. Nhiều sản phẩm như sắt thép xi măng phân bón, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường sau ba năm vào WTO. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mở điểm bán lẻ thứ hai trở đi phải được chính phủ Việt Nam cho phép theo từng trường hợp cụ thể.

Về dịch vụ ngân hàng, Việt Nam đồng ý cho thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài không muộn hơn ngày 1/4/2007. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị hạn chế trong vòng 5 năm về dịch vụ huy động tiền gởi bằng đồng Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế chỉ được mua cổ phần tối đa là 30% trong ngân hàng Việt Nam.

Đó là những thí dụ về mức cam kết mở cửa thị trường dịch vụ với WTO. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước tỏ ra yên tâm về lộ trình mở cửa nay có thể giật mình về quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo đó chính phủ chủ trương không lạm dụng những hạn chế mở cửa được WTO đồng ý. Mục đích là để tránh tình trạng ỷ lại chậm đổi mới. Cùng về vấn đề này, ông Nguyễn Thiền Đức phó viện trưởng viện kinh tế TP.HCM nhận định:

“Mặc dù người ta vẫn còn ỷ y về lộ trình 12 năm để thực hiện nền kinh tế thị trường nghĩ rằng trong thời gian này Nhà nước còn cho ăn dặm ăn độn. Nhưng tôi cho rằng đó là một sự ỷ lại thiếu suy nghĩ.”

Nói chung về lãnh vực dịch vụ, trước đây trong Hiệp Định Thương Mại song phương với Hoa Kỳ Việt Nam cam kết mở cửa 8 ngành dịch vụ bao gồm 65 phân ngành. Nay gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa đủ 11 ngành dịch vụ với tổng cộng 110 phân ngành.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.