Việt Nam sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm tới
2005.11.06
Lê Dân, phóng viên đài RFA
Hồi cuối tháng Mười tại Hà Nội, thứ trưởng Thương mại Việt Nam, ông Lương văn Tự, tuyên bố tại một hội nghị quốc tế rằng Việt Nam sẽ kết thúc các phiên đàm phán song phương chậm nhất là vào đầu năm 2006. Như vậy triển vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới xem ra không còn xa vời nữa.
Trong tư cách là trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, thứ trưởng Lương văn Tự đã khẳng định như vừa kể tại cuộc hội thảo thương mại nông nghiệp quốc tế và phát triển bền vững do Tổ chức Lương Nông và Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế phối hợp tổ chức tại Hà Nội hôm 31 tháng Mười vừa qua.
Theo ông thì từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ xúc tiến đàm phán song phương về vấn đề gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với 3 đối tác quan trọng gồm Hoa Kỳ, Australia và New Zealand..
Không phải do phía Việt Nam
Một tuần trước đó, đại sứ Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, ông Ngô Quang Xuân, đã khẳng định là Việt Nam chưa thể gia nhập tổ chức này tại Hội nghị cấp Bộ trưởng tại Hồng Kông vào tháng 12 tới như trông đợi.
Theo người đại diện chính thức của Việt Nam tại định chế thương mại tòan cầu này thì lý do của sự trì chậm đó hoàn toàn không do phía Việt Nam, mà chỉ vì các nước "đang muốn làm khó Việt Nam" mà thôi. Nói một cách đơn giản là Việt Nam đã tỏ thiện chí và nỗ lực hết mức, không có lỗi gì cả.
Tiếp theo, đại sứ Ngô Quang Xuân nêu điển hình là trường hợp đàm phán với Hoa Kỳ. Ông nói Mỹ tiếp tục đưa ra các đòi hỏi quá cao, mặt khác ngày càng đặt ra nhiều vấn đề mới trong đàm phán song phương với Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng phía Mỹ hiểu rõ khả năng của Việt Nam và cũng hiểu rằng Việt Nam không thể đáp ứng các yêu cầu mà Mỹ đưa ra.
Các yêu cầu đó ra sao? Trong buổi tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại miền Nam bang California, đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, ông Michael Marine, nói về triển vọng tốt đẹp một khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và những vướng mắc khiến Việt Nam chưa hoàn tất các cuộc đàm phán song phương.
Ông nói: “Vào khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, hy vọng là đầu năm 2006, triển vọng tăng trưởng thương mại và đầu tư rất sáng sủa. Tuy nhiên Việt Nam cũng cần đẩy nhanh tiến độ cải tổ kinh tế, đừng để mất thêm cơ hội nào nữa.
Việt Nam cần cải tiến hệ thống tài chánh để luồng đầu tư được nhanh chóng đến với những ai quản lý nó hiệu quả hơn. Việt Nam còn phải xây dựng một hệ thống pháp lý minh bạch và không bị tham nhũng hoành hành.”
Nói chung thì gồm hai điểm, theo lời đại sứ Marine. Đó là cải tiến để việc đầu tư được tự do và hiệu quả, thứ nhì là pháp lý phải minh bạch và không tham nhũng.
Các nhà đầu tư nước ngoài bị gây khó khăn
Thế nhưng theo các phòng thương mại Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Australia ở Hà Nội thì Quốc hội Việt Nam chuẩn bị thông qua dự luật đầu tư mới, còn gây thêm nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Như vậy thì từ lúc đại sứ Ngô Quang Xuân phát biểu, cho đến nay thì khó khăn mới có phải là do các nước gây ra hay không. Ngoài ra, trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan văn Khải, Hà Nội đã mong đợi hai bên sẽ kết thúc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới nên đã cử một đoàn thương thuyết hùng hậu tháp tùng ông Khải.
Nhưng rồi những gì Hà Nội mong đợi đã không diễn ra trong lúc đó, rồi thêm một vòng đàm phán kế tiếp cũng không xong. Theo các chuyên gia trong cuộc thì hai vấn đề gay cấn nhất là việc trợ cấp công nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Nói là hai, nhưng thực ra chỉ một vấn đề, đó là sự ưu tiên của hệ thống xí nghiệp quốc doanh, di sản của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thực tế "bức xúc" đó không những làm cho nước ngoài ngần ngại không muốn đầu tư và làm ăn tại Việt Nam vì không thể nào có bình đẳng, mà doanh gia trong nước cũng bất bình. Số liệu thống kê trong 10 tháng đầu năm do Sở Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh công bố cho thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn này chiếm tỷ trọng 75% nhưng lại tăng trưởng chưa đầy 5%, kéo theo thành tích của cả thành phố xuống.
Như vậy thì liệu lời khẳng định của thứ trưởng Lương văn Tự mới đưa ra tại Hà Nội rằng Việt Nam sẽ hòan tất các cuộc đàm phán WTO chậm nhất là vào đầu năm tới liệu có thành hiện thực hay không. Ngoài Hoa Kỳ thì Việt Nam còn 49 quốc gia đối tác khác.
Những bài liên quan
- Việt Nam trong Trật tự Trung Quốc
- Giới đầu tư quan ngại trước dự luật đầu tư mới của Việt Nam
- Việt Nam chưa thể gia nhập WTO tại hội nghị các nước thành viên ở Hồng Kông
- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (IV)
- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (III)
- Vấn đề cải tổ ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam (I)
- Chống tham nhũng để thu hút giới đầu tư nước ngoài
- Các công ty trong và ngoài nước trở lại đầu tư vào Dung Quất
- Những khó khăn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập WTO
- Liệu Việt Nam đã sẵn sàng gia nhập WTO?
- Việt Nam mở cửa cho công chúng thu nhận thông tin từ mạng lưới Trợ giúp Phát triển
- Thêm 80 dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2005
- Việt Nam tìm cách thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ và kỹ thuật
- Việt Nam tụt 4 bậc trong bảng xếp hạng về tính cạnh tranh của nền kinh tế
- GDP của Việt Nam tăng 8,1% trong 9 tháng đầu năm 2005
- Lần đầu tiên liên doanh 6 công ty cổ phần xây dựng Nhà Máy Nước Thủ Đức
- Việt Nam khó có thể đáp ứng đòi hỏi của các đối tác trong đàm gia nhập WTO
- Hiệp hội đầu tư quốc tế HongKong ký biên bản ghi nhớ đầu tư vào Bình Định
- Sài Gòn tổ chức hội nghị quốc tế về luật thương mại
- Vẫn còn nhiều dị biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong đàm phán gia nhập WTO