Dự thảo luật chống tham nhũng của Việt Nam theo nhận xét của một thanh niên Hà Nội


2005.09.25

Việt Long, phóng viên đài RFA

Dự thảo luật phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang được đưa ra lấy ý kiến người dân trong nước. Việt Long hỏi chuyện một thính giả quen thuộc của đài Á châu Tự do hiện đang ở Hà Nội là bạn Lê Phương về hai dự luật này trong một cuộc trao đổi mới đây. Đầu tiên, Lê Phương phát biểu:

building150b.jpg
Một tòa nhà mới xây ở Hà Nội. AFP PHOTO

Lê Phương: Công luận thì cho là ngay từ cái tên của luật đã không ổn. Lúc chưa mắc thì mới phòng chứ bây giờ tham nhũng đã trầm trọng tới mức trở thành quốc nạn, phải dùng những biện pháp mạnh, thẳng tay. Phải chống, phải diệt tận gốc.

Việt Long: Thì vừa chống cho hiện tại vừa phòng cho tương lai cũng đúng đấy chứ. Nhưng riêng bạn thì bạn nghĩ sao? Nếu cần đổi tên thì theo bạn nên gọi là gì?

Lê Phương: Theo thiển ý của Lê Phương thì nên đổi tên thành luật Chống tham nhũng, Tuân thủ tiết kiệm. Ngắn gọn, khí thế và nhấn mạnh hơn tính bắt buộc các quan chức, đảng viên phải làm theo. Bởi vì tiết kiệm là chống lãng phí rồi, cần gì dài giòng. Và quan trọng là nghe nó chính xác.

Việt Long: Thế còn đi vào nội dung của dự luật đó thì Lê Phương thấy sao?

Lê Phương: Cái dự luật này có 8 chương, tổng cộng đến 104 điều. Dài lắm, hơn ba chục trang giấy và rất khó nắm bắt nội dung vì nó quá ôm đồm, nhiều vấn đề lại không rõ ràng. Em thấy có 2 điểm mấu chốt để chống tham nhũng thì dự thảo này tuy có nói đến nhưng lại vẫn không làm rõ được.

Việt Long: Cụ thể là gì?

Lê Phương: Một là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhà nước, đảng đoàn khi có sai phạm xẩy ra là đến đâu. Hình thức xử lý như thế nào. Ai đứng ra xử lý. Thiệt hại thế nào thì phải bị cách chức, bị đi tù, và ngồi tù mấy năm.

Ở đây em nói là tù ngồi chứ không phải tù treo, vì tù treo với mấy vị quan tham thì rốt cuộc cũng chỉ là hạ cánh an toàn, đi an dưỡng dài ngày bằng tiền hút nặn được của dân thôi. Không hề có tác dụng trừng phạt, răn đe hay giáo dục gì cả.

Việt Long: Còn điểm thứ hai?

Lê Phương: Điều 68 quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ. Cái điều 68 này tưởng hay nhưng chính nó lại đã vô tình hạn chế quyền được chống tham nhũng của người dân.

Dĩ nhiên ai lợi dụng chống tham nhũng để vu cáo, bôi nhọ người khác thì phải bị xử lý nghiêm minh, thậm chí phạt tù thật nặng cũng được. Nhưng với hiện tình VN hiện nay kẻ tham nhũng luôn có chức quyền, thế lực ghê gớm. Người tố cáo mà nêu tên họ cụ thể thì có mà gặp hoạ. Rất nhiều vụ việc diễn ra đã minh chứng rồi.

Việt Long: Nhưng bên cạnh chuyện nhắc đến khen thưởng để khuyến khích người dân tham gia tố cáo tham nhũng thì điều số 6 cũng có nói đến, nguyên văn là “nghiêm cấm chuyện trù dập, bức hãm người tố cáo”. Ngoài ra cũng sẽ “bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng khi người đó bị đe dọa một cách kịp thời và hiệu quả” ?

Lê Phương: Nói như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Quan chức bao cho tham nhũng hoặc trù dập người tố cáo sẽ bị xử lý cụ thể ra sao? Có phải đi tù không, khung phạt tù là mấy năm thì dự luật cũng không hề nói, chỉ sơ sơ vậy thôi. Chưa kể việc thi hành luật để bảo vệ người tố cáo. Lơ là cố ý hay vô tình sẽ khiến người ta bị hại.

Nói riêng về văn bản pháp luật thôi, muốn bảo vệ người tố cáo thì cần phải lịêt kê những biện pháp chính yếu. Ví dụ như ở mức độ hay trước dấu hiệu nguy hiểm nào thì người tố cáo tham nhũng được công an cử người bảo vệ. Bảo vệ trong thời hạn bao lâu. Trong những trường hợp nghiêm trọng có được nhà nước hỗ trợ, thậm chí tạo dựng cho nơi ở mới, thay đổi tên họ để tránh sự trả thù từ phía kẻ tham nhũng và vây cánh không?

Trong lụât không hề nhắc tới những điều này. Ở VN chưa có một điều lụât, hay một bộ luật nào đủ để làm cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ nhân chứng. Cái này thì không chỉ riêng tham nhũng mà cả tội phạm hình sự cũng vậy. Như thế thì làm sao người ta có thể yên tâm mà tố giác tội phạm đựơc.

Việt Long: Như là trong vụ xử băng nhóm Năm Cam phải không?

Lê Phương: Vâng. Rất nhiều nhân chứng không dám đến toà vì sợ bị trả thù. Như anh thấy đấy, hầu hết các quan chức câu kết với Năm Cam thì đều đã được tha tù trước thời hạn rồi.

Nói về dự luật chống tham nhũng, thì em thấy còn một thiếu sót quan trọng nữa. Đấy là quyền tham dự của người dân trong việc giám sát, tuy là cũng được nhắc đến nhưng rất sơ sài và mờ nhạt.

Việt Long: Nhưng trong dự luật thì nhắc rất nhiều đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trực thuộc. Người dân có thể thông qua đó chăng?

Lê Phương: Đúng là có thể thông qua Mặt trận tổ quốc. Đúng nhưng chưa đủ. Vì trên thực tế đôi khi chính trong mặt trận tổ quốc và các tổ chức trực thuộc, ở đây Lê Phương nói là ở cấp cơ sở, quan chức cấp dưới đấy, lại xảy ra tham nhũng. Vì vậy em nghĩ rằng cần phải mở rộng hơn nữa các hình thức để nhân dân có thể tham gia giám sát và giúp chính quyền chống tham nhũng.

Việt Long: Tôi nhớ là khi nói về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng đã có một ý nhỏ đề cập đến chuyện thành lập ban thanh tra nhân dân rồi?

Lê Phương: Vâng, quyền của ban thanh tra nhân dân này là phản ánh, kiến nghị. Nhưng anh đừng quên là ngay sau đó kèm theo cái câu: được thành lập theo quy định của pháp luật. Tất nhiên là công dân thì phải theo pháp luật, nhưng quy định đó là gì thì tại sao lại không ghi cụ thể luôn đi. Như vậy rất khó.

Như các vụ tham nhũng đất đai ở Phú Quốc, Đồng Nai, hay là gần đây nhất đang xôn xao dư lụân là ở Tây Ninh chẳng hạn, thì toàn là do các quan chức đầu huyện, đầu tỉnh xơi của của nước, của dân cả. Với những đội ngũ quan tham toàn ở cấp lãnh đạo huỵên, tỉnh đó thì ban thanh tra nhân dân có được lập ra cũng khó mà làm đựơc gì, có khi cũng lại chỉ để làm vì thôi.

Nói chung là cái dự thảo lụât phòng chống tham nhũng này nó có nhiều điểm hạn chế lắm. Dự kiến là 01/07/2006 sẽ bắt đầu thực hiện, nhưng với thực tế này thì chắc còn phải sửa chữa, bổ sung nhiều lắm. Nếu không thì dẫu có ban hành cũng chẳng mấy tác dụng.

Việt Long: Có phải hầu hết các chuyên gia và nhà khoa học đầu ngành ở ngay chính viện Nhà nước và Pháp lụât, thuộc viện Khoa học xã hội Việt Nam đấy, đều cho rằng cái dự thảo luật phòng chống tham nhũng này nó vừa sơ sài, vừa không rõ ý tưởng và có nhiều quy định chỉ mang tính khẩu hiệu, hô hào chung chung? Có phải vì họ cho là chưa tạo được các cơ sở pháp lý cho các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chỉ nặng về tuyên ngôn chính trị, nên không khả thi?

Lê Phương: Đúng. Nhưng khách quan thì cũng phải thấy rằng nó cũng có một vài ý hay. Đấy là việc đặt ra vấn đề phải công khai, minh bạch trong mua sắm, đấu thấu. Rồi có báo cáo hàng năm về việc chống tham nhũng. Dĩ nhiên mọi sự vẫn phải đợi thực tế phía trước trả lời.

Việt Long: Thế còn ngay ở thời điểm này, là một người dân thì theo Lê Phương, Đảng và nhà nước Việt Nam có thể làm gì để chống chọi với quốc nạn tham nhũng?

Lê Phương: Có một biện pháp cũng dễ thực hiện ngay thôi nếu thực tâm muốn chống tham nhũng, đấy là việc các quan chức đảng viên phải công khai tài sản. Các nước họ đã làm được từ lâu thì cớ gì mà Việt Nam không làm đựơc.

Việt Long: Nhưng khi bàn tới vấn đề này trong dự lụât phòng chống tham nhũng thì nhiều đảng viên, quan chức lãnh đạo lại cho rằng nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh về diện các đối tượng phải công khai tài sản thì sẽ là vi phạm quyền tự do sở hữu tài sản của công dân. Lê Phương thấy sao?

Lê Phương: Cách đặt vấn đề như vậy của họ cũng có lý, nhưng không đủ sức thuyết phục. Mỗi công việc đều có đặc thù riêng và với mức lương, những đãi ngộ mà nhân dân vẫn phải è cổ đóng thuế để hàng tháng trả cho anh thì anh phải tuân thủ những nguyên tắc mà nhân dân, nhà nước đặt ra. Rất sòng phẳng. Nếu cảm thấy bị phiền toái và không thích thì anh có thể đi làm công việc khác. Ngay lập tức sẽ có người, thậm chí giỏi hơn anh, có tâm hơn anh, làm thay. Đơn giản vậy thôi.

Dĩ nhiên bắt công khai tài sản cũng không thể ngăn chặn hết chuyện các quan tham tẩu tán tải sản, vì thủ đoạn tham nhũng thì ngày càng tinh vi, nhưng nó cũng dựng thêm một hàng rào để hạn chế phần nào chuyện giấu qué tham nhũng.

Việt-Long: Bạn vui lòng giải thích “giấu qué” là thế nào?

Lê Phương: Là tẩu tán tài sản bằng cách để thân nhân đứng tên, rồi rửa tiền….

Việt-Long: À.. Hay nhỉ.. Vâng, cảm ơn và chào bạn Lê Phương.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.