Bộ Y tế Việt Nam xác định bệnh nhân bị suy hô hấp nặng ở Kiên Giang không nhiễm virút cúm gà H5N1. Hôm qua tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, phó cục trưởng y tế dự phòng nói với báo chí ở Hà Nội rằng, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm do Viện Pasteur Sài Gòn công bố cho thấy là âm tính với virút H5N1.

Được biết, nam bệnh nhân này 35 tuổi, ngụ tại huyện Giồng Riềng Kiên Giang được nhập viện ngày 30-7 và ở trong tình trạng nguy kịch. Người bệnh có các triệu chứng ban đầu giống như nhiễm cúm H5N1.
Trước khi phát bệnh vài ngày, bệnh nhân được cho một con vịt chết không rõ nguyên do, và đã tự tay làm lông và chế biến cho cả nhà cùng ăn.
Mấy ngày qua tin vừa nói được đặc biệt chú ý, vì vào ngày 2-8 vừa qua các giới chức cao cấp của Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo là Việt Nam khó tránh khỏi một đợt tái bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1, do sự kiện các nước Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Trung Quốc đều báo cáo có ổ dịch bùng phát.
Việt Nam từng khống chế được dịch cúm gia cầm trong hơn 9 tháng qua, sau khi cả nứơc có 42 người bị thiệt mạng vì nhiễm virút H5N1.
Tiêu huỷ đàn cò khu du lịch Suối Tiên
Cũng liên quan tới nguy cơ cúm gia cầm, báo điện tử Vn Express hôm nay đưa tin thú y TP.HCM vừa tiêu huỷ 53 con cò ở khu du lịch Suối Tiên. Các mẫu xét nghiệm huyết thanh cho thấy đàn cò nuôi ở đây dương tính với virút H5N1.
Theo tin này, giới chức chi cục thú y TP.HCM bác sĩ Nguyễn Kim Châu xác nhận, đây là lần đầu tiên vật nuôi ở các khu du lịch trên địa bàn có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với vi rút H5N1.
Mặt khác, tỉnh Uthai Thani ở bắc Thái Lan hôm nay loan báo thêm một ổ dịch H5N1 làm chết khoảng 200 con gà tại một trại ở địa phương.
Tại cùng tỉnh này, cách đây 3 ngày một bệnh nhân đã thiệt mạng vì nhiễm H5N1, như vậy trong thời gian gần đây đã có hai người ở Thái Lan bị thiệt mạng vì cúm gia cầm H5N1.
Kể từ 2004 tới nay Thái Lan ghi nhận 24 ca lây nhiễm H5N1 ở người với 16 trường hợp tử vong.