Người Khmer Krom biểu tình phản đối chuyến thăm Kampuchia của phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng


2005.09.28

Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA

Hôm qua tại thủ đô Phnom Penh của Kampuchia, cuộc biểu tình của dân Khmer Krom phản đối chuyến viếng thăm Kampuchia của phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị cảnh sát xứ Chùa Tháp ngăn chận. Nguyễn Bình tường thuật như sau.

Sáng 27 tháng 9, khoảng 200 cảnh sát có vũ trang đến bao vây trụ sở của Ủy ban Điều phối Campuchia Krom tại thủ đô Phnom Penh, và một số nơi khác có sự tập hợp đông người. Mục đích là để ngăn chặn không cho người Khmer Krom ở đây tổ chức biểu tình nhân chuyến viếng thăm Campuchia của phó thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Kim Wanchheng, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Campuchia Krom nói là tổ chức của ông có làm đơn xin biểu tình đòi chính phủ Việt Nam chấm dứt vi phạm nhân quyền với người Khmer Krom ở Đồng bằng Sông Cửu Long, mà bên Việt Nam gọi là Khmer Nam bộ.

Cuộc biểu tình dự kiến sẽ có khoảng 150 người Khmer Krom ở thủ đô Phnom Penh tham gia, và tổ chức vào sáng ngày 27 tháng 9, nhân chuyến viếng thăm Campuchia của phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng đại diện Đô trưởng Phnom Penh đã bác đơn xin phép biểu tình của ông vào hôm 26 tháng 9 vừa qua vì lý do an ninh.

Ông Kim Wanchheng nhấn mạnh rằng sự bác đơn xin biểu tình đó, đồng nghĩa với quyền biểu tình của người dân Khmer được Hiến pháp công nhận, đã bị chính quyền khước từ. Ông nói:

“Ông Đô trưởng Phnom Penh đã không thực hiện ý kiến của thủ tướng Hun Sen, vì cách đây mấy ngày, thủ tướng Hun Sen nói là mọi công dân Campuchia có quyền biểu tình, kể cả cuộc biểu tình chống ông ta.

Thế nhưng, người Khmer Krom của ông biểu tình chống chính phủ Hà Nội thì bị ngăn cấm. Song song đó, có một nhóm giáo viên và học sinh xin biểu tình chống ông Sam Rainsy, một lãnh tụ Đảng đối lập thì được ông Đô trưởng cho phép.”

Hiệp ước biên giới Việt – Miên

Được biết Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng thực hiện chuyến thăm làm việc tại Campuchia, bắt đầu từ ngày 27 tháng 9 năm 2005. Vào ngày 29 tháng 9, sẽ có một cuộc họp ở tỉnh Siem Reap liên quan đến việc soạn thảo Hiệp ước biên giới giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia, và Hiệp ước này dự kiến sẽ được ký kết vào tháng mười tới tại Hà Nội nhân chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen.

Ông Kim Wanchheng nói là tổ chức Khmer Krom của ông ở Phnom Penh tổ chức biểu tình là để đòi Hà Nội thực hiện một số yêu sách như cho phép mở trường học dạy tiếng Khmer cho người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long, và đòi chính phủ Hà Nội thực hiện các công ước quốc tế về nhân quyền mà họ đã tham gia ký kết.

Diễn tiến sự việc là vào rạng sáng 27 tháng 9, những người Khmer Krom gồm khoảng trên 200 người ở 6 địa điểm khác nhau trong thành phố Phnom Penh định tổ chức biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh bất chấp lệnh cấm của ông Đô trưởng.

Trong lúc đang chuẩn bị thì lực lượng cảnh sát ập tới, giành giật lấy biểu ngữ xé bỏ và cấm mọi người không được rời khỏi địa điểm.

Tại trụ sở của Ủy ban Điều phối Kampuchea Krom, có trên 60 người bị kẹt trong đó, là địa điểm có đông người Khmer Krom nhất chuẩn bị biểu tình. Tuy nhiên, cảnh sát cũng cho phép các quán cơm bình dân ở gần đó đem cơm nước vào cho người Khmer Krom.

Trong một thông cáo đưa ra vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày 27 tháng 9, ông Kim Wanchheng với tư cách là đại diện Ủy ban Điều phối, ông nói là ông ta rất lấy làm tiếc trước những hành động của lực lượng cảnh sát Campuchia. Đồng thời ông cho biết quyết định của tổ chức ông là kiềm chế, tránh cuộc đụng độ xảy ra giữa người Khmer Krom và chính phủ Campuchia.

Một quan chức trong chính phủ xin được dấu tên nói là ông ta hoan nghênh quyết định kiềm chế của tổ chức Khmer Krom, đã tránh được xô xát xảy ra giữa người Khmer với nhau. Ông ta quan sát ở một số địa điểm thấy cảnh sát và người biểu tình Khmer Krom vẫn nói chuyện thân tình với nhau, không có gì đáng ngại.

5 sinh viên bị bắt

Cùng ngày 27 tháng 9, phong trào sinh viên dân chủ cũng tổ chức biểu tình bất chấp lệnh cấm của ông Đô trưởng, nhưng nhóm này tỏ ra cương quyết hơn. Lực lượng biểu tình khoảng 20 người, họ vừa ra khỏi trụ sở thì bị cảnh sát khoảng 60 người đến giải tán, có xô xát nhẹ xảy giữa cảnh sát và người biểu tình, tuy nhiên cũng không có thương tích cho cả hai bên.

Sau đó 5 sinh viên dẫn đầu đoàn biểu tình bị bắt giải về trụ sở cảnh sát. Sinh viên Yêng Channa, một trong những người dẫn đầu đoàn biểu tình, hiện đang bị giam giữ tại trụ sở cảnh sát, nói với Ban Việt ngữ Đài RFA qua điện thoại:

“Mục đích của cuộc biểu tình là phản đối hiệp ước biên giới mà thủ tướng Hun Sen sẽ ký kết với Hà Nội, và mục đích thăm Campuchia của Phó Thủ tướng Việt Nam kỳ này là để chuẩn bị cho việc ký kết đó. Hiệp ước này sẽ làm cho Campuchia mất đi một phần lãnh thổ.”

Ngoài ra, từ rạng sáng cho đến khoảng 5 giờ chiều, ngày 27 tháng 9, tại các khu dân cư có đông người Khmer Krom cư trú đều có lực lượng cảnh sát khoảng vài chục người canh gác.

Tại một ngôi chùa ở ngoại ô Phnom Penh, nơi có đông nhà sư Khmer Krom cũng bị cảnh sát trên 10 người đến bao vây từ rạng sáng, và toàn bộ nhà sư bị cấm ra khỏi chùa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.