Triển vọng quan hệ Việt-Trung sau chuyến viếng thăm của ông Trần Đức Lương?

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đức Lương, diễn ra vào khi 2 nước kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, được đánh giá là gặt hái được nhiều thành công và có tầm quan trọng trong việc phát triển bang giao song phương nhiều mặt, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.

0:00 / 0:00
LuongBao200.jpg
Chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương và Thủ tướng Trung Quốc Lương Gia Bảo tại Bắc Kinh hôm 19-7-2005. AFP PHOTO/POOL/ADRIAN BRADSHAW

Sau chuyến thăm này, triển vọng mối quan hệ kinh tế Việt-Trung sắp tới ra sao? Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đối tác nào có ảnh hửơng tích cực hơn đối với nền kinh tế Việt Nam? Trà Mi trao đổi với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế tại miền Nam California, xung quanh đề tài này:

Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

Trà Mi: Ông đánh giá như thế nào về quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc trong những năm gần đây?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ khi 2 bên bình thừơng hoá quan hệ ngoại giao từ 1991 đến nay thì mối quan hệ đó phát triển rất mạnh, nhưng thật sự nó vẫn còn thấp hơn tiềm năng có thể có giữa 2 nứơc, đặc biệt là 1 số quan hệ gọi là mậu dịch biên giới, tức biên mậu, nó bung ra rất mạnh nhưng vẫn chưa được quản lý chặt chẽ.

Một số thống kê ở những vùng đó chưa phản ảnh lên được rõ ràng tình hình. Trên thực tế, triển vọng 2 bên có thể mở rộng buôn bán, đầu tư với nhau còn rất cao, và cho tới giờ này vẫn chưa đạt được mức tối đa. Thành ra chuyến đi vừa rồi của chủ tịch nứơc Trần Đức Lương có thể khai thông một số vấn đề đó.

Trà Mi: Nói cụ thể hơn, theo ông triển vọng kinh tế Việt – Trung sắp tới sẽ như thế nào sau chuyến thăm này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là có 2 lĩnh vực: đầu tư và mậu dịch (thương mại). Về đầu tư thì 2 bên, đặc biệt phía Trung Quốc, có thể đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam.

Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Còn phía Việt Nam thì có thể sẽ cố gắng vươn lên để thoát ra khỏi cảnh buôn bán hiện nay, vốn vẫn là kiểu quan hệ buôn bán của 1 nứơc nghèo đối với 1 nứơc phát triển cao hơn. Tức là Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc những nguyên vật liệu, và nhập khẩu lại những hàng hoá, hàng chế biến của họ.

Việt Nam và Trung Quốc nhìn từ phía Hoa Kỳ thì đều có cùng trình độ phát triển và là 2 nứơc cạnh tranh với nhau để cùng tranh thủ thị trường của Mỹ, nhưng Trung Quốc có thế mạnh hơn Việt Nam.

Đấy là mối quan hệ của những nứơc nghèo, nhựơc tiểu, với những nứơc đã phát triển cao hơn trong khi thực tế Trung Quốc cũng ở trong trình độ phát triển gần như tương tự Việt Nam. Thành ra Việt Nam có thể cố gắng cải thiện hơn, tức nâng cấp, nâng cao trị giá sản phẩm bán qua Trung Quốc thay vì chỉ bán nguyên nhiên vật liệu không thôi.

Trà Mi: Chuyến công du Trung Quốc của Chủ tịch Trần Đức Lương diễn ra ngay sau chuyến Mỹ du của Thủ tứơng Phan Văn Khải. Xét về góc độ kinh tế thì những sự kiện này có mục đích, ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ có thể động lực chính của những chuyến đi này là muốn cân bằng lại mối quan hệ giữa 2 bên để tránh một tác động , một sự hút quá mạnh về mặt chính trị. Chứ còn về mặt kinh tế thì Việt Nam hiện nay cần cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.

Đặc biệt trong mối quan hệ 3 nứơc với nhau đó, Việt Nam đã đạt được suất siêu với Hoa Kỳ tới 4 tỷ 6, và có thể sẽ còn nhiều hơn; trong khi đó thì lại bị nhập siêu với Trung Quốc. Tức là mối quan hệ buôn bán với nứơc Mỹ thì Việt Nam có lợi hơn buôn bán với Trung Quốc.

Đặc biệt hơn là trong lĩnh vực đầu tư hoặc trình độ công nghệ thì Việt Nam có thể tiếp nhận nhiều hơn từ phía Hoa Kỳ thay vì từ phía Trung Quốc hẳn hoi.

Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc nhìn từ phía Hoa Kỳ thì đều có cùng trình độ phát triển và là 2 nứơc cạnh tranh với nhau để cùng tranh thủ thị trường của Mỹ, tại vì cùng là nền kinh tế phát triển chậm hơn và chủ yếu đi làm gia công hoặc bán những hàng chế biến phẩm cấp thấp vào thị trường Mỹ.

Bạn nghĩ gì về những nhận định này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Cho nên, thật ra Việt Nam và Trung Quốc là đều cùng cạnh tranh với nhau bán hàng cho Mỹ, nhưng Trung Quốc có thế mạnh hơn Việt Nam.

Ngựơc lại, trong quan hệ Việt Nam đối với Trung Quốc thì Việt Nam vẫn ở vị trí thấp hơn, và có thể tiếp nhận những kỹ thuật công nghệ cao từ phía Trung Quốc ít hơn.

Trà Mi: Thưa ông có nói rằng Việt Nam cần cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, nhưng nếu đem lên bàn cân để so sánh thì giữa đối tác Hoa Kỳ và Trung Quốc, bên nào có ảnh hửơng quan trọng hơn đối với Việt Nam xét về góc độ kinh tế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu thuần túy về góc độ kinh tế thì tôi vẫn nghĩ là Hoa Kỳ có ảnh hửơng quan trọng hơn. Trong mối quan hệ với Mỹ, Việt Nam có thể học được nhiều hơn, đạt được nhiều lợi ích cao hơn.

Đường hướng phát triển Việt Nam

Đó là thuần túy về kinh tế, dù Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc và hiện nay bị hàng hoá của Trung Quốc lấn lứot rất nhiều qua vùng biên giới mà không kiểm soát được, nghĩa là bị cạnh tranh gần như là phá giá . Nhưng nhìn trên bề dài thì thị trường Hoa Kỳ và tiềm năng phát triển từ những gì tiếp nhận được từ Mỹ đối với Việt Nam quan trọng hơn.

Trung Quốc cũng có nhìn thấy điều đó vì vậy mặc dù quan hệ Trung – Mỹ có những mâu thuẫn về chính trị hay an ninh, nhưng Trung Quốc vẫn nhìn thấy rằng về mặt kinh tế phải tiếp cận thị trường Hoa Kỳ và phải đón nhận được nhiều đầu tư của Mỹ thì lúc đó mới có thể phát triển được. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng phải nhìn vào Mỹ với con mắt tương tự như vậy.

Nếu thuần túy về góc độ kinh tế thì tôi vẫn nghĩ là Hoa Kỳ có ảnh hửơng quan trọng hơn. Trong mối quan hệ với Mỹ, Việt Nam có thể học được nhiều hơn, đạt được nhiều lợi ích cao hơn.

Trà Mi: Theo ông, đường hướng phát triển kinh tế của Việt Nam sắp tới đây hứơng về Hoa Kỳ và hướng về Trung Quốc phải như thế nào mới tốt cho sự phát triển của Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đầu tiên Việt Nam cần nhìn vào phía mình nhiều hơn là về phía Trung Quốc hay Mỹ. Thị trường Việt Nam với hơn 80 triệu dân, đến năm 2010 kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

5 năm sắp tới, Việt Nam sẽ có dân số 100 triệu dân thì thị trường nội địa của Việt Nam đủ lớn để Việt Nam có thể chuyển dần mục tiêu, đường hứơng phát triển là không chỉ chú trọng vào việc xuất khẩu ra ngoài, vì xuất khẩu là phaỉ cạnh tranh với Trung Quốc, mà phải nghĩ cách nâng cao sức mua của người dân trong nước, nâng cao khả năng tiêu thụ thị trường nội địa và làm sao để tiếp nhận được những nguồn vốn tư bản hoặc kỹ thuật công nghệ từ nứơc ngoài nhất là từ Hoa Kỳ để nâng cao trình độ phát triển bên trong của Việt Nam.

Suy từ đó, trong mối quan hệ với Trung Quốc và với Hoa Kỳ thì Việt Nam phải tiếp cách bứơc lên bậc thang về xuất nhập khẩu làm thế nào để sản xuất ra những mặt hàng có giá trị đóng góp, tức lợi nhuận, hoặc chủ quyền về quyết định của Việt Nam cao hơn.

Trong chiều hướng đó, tôi nghĩ, Hoa Kỳ có lẽ vẫn là đối tác quan trọng hơn vì có sức hút và sức đẩy rất mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian ông dành cho cuộc trao đổi hôm nay.