WHO báo động về tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam


2006.10.08
HivAid200.jpg
Việt Nam cần phải cải tiến công tác điều trị cho các bệnh nhân AIDS. AFP PHOTO.

Việt Nam đang đối diện với hai thách đố lớn, một là số nhóm dân dễ lây nhiễm đang tăng thêm, và nhu cầu chữa trị cho những người mang virút HIV.

Hôm qua, Tổ chức Y tế Thế giới WHO thông báo chỉ có 10% trong số 36 ngàn bệnh nhân AIDS của Việt Nam được chữa trị, vì sự hoạt động kém hiệu quả của ngành y tế, tuy trong thời gian gần đây Việt Nam có tiến bộ về việc phòng chống và kiểm soát bệnh.

WHO cho hay một quan chức cao cấp của tổ chức này sẽ gặp gỡ các quan chức chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ và các cơ quan hợp tác để tìm hiểu chính sách về HIV và AIDS của ngành y tế trong nước, đồng thời nhận diện các thử thách, trở ngại trong việc phòng chống, kiểm soát và điều trị.

Cần cải tiến công tác điều trị

Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến công tác điều trị cho các bệnh nhân AIDS. Đó là nhận xét do đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, ông Hans Troedsson, đưa ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội hồi tuần rồi.

Ông Hans Troedsson nhấn mạnh rằng chính quyền Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới cần nhận thức rõ về tình trạng lây nhiễm HIV ở các người nam đồng tính, vốn vẫn bị xã hội Việt Nam né tránh không đề cập trực tiếp đến xã hội đồng tính.

Vào tuần tới, giám đốc Vụ HIV/AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới, ông Kevin de Cock, sẽ hướng dẫn một phái đoàn cấp cao sang làm việc với quan chức Việt Nam, các nước và tổ chức cấp viện, cùng những tổ chức từ thiện để tìm cách giúp kiểm soát, kiềm chế và chữa trị HIV/AIDS.

Theo phúc trình của Tổ chức Y tế Thế giới năm ngoái có khoảng 260 ngàn người nhiễm HIV tại Việt Nam, tức đã gia tăng gấp 12 lần so với hồi năm 1995. Trong số đó 13 ngàn bệnh nhân đã chết vì bệnh AIDS.

Nghiên cứu của WHO cho biết đa phần mắc bệnh do sử dụng kim chích ma túy hoặc do nạn mại dâm. Tổ chức này cũng nói vấn đề đồng tính luyến ái ở Việt Nam cần được xem xét vì có khả năng gia tăng số người lây nhiễm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.