Tự do báo chí tại Việt Nam theo nhận định của RSF
2007.10.17
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF, trụ sở chính tại Pháp, vừa công bố báo cáo thừơng niên về Chỉ số Tự do Báo chí trên thế giới năm 2007. Trên danh sách xếp hạng năm nay, Iceland hiện đang dẫn đầu, cuối bảng là Eritrea. Việt Nam đứng gần chót, với vị trí thứ 162/169 quốc gia được khảo sát về tình trạng tự do báo chí.
Đánh giá của RSF riêng về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong năm qua ra sao? Đó là nội dung của cuộc trao đổi giữa Trà Mi với ông Jef Julliard, ngừơi đứng đầu Phòng nghiên cứu thuộc RSF, một tổ chức nhân quyền quốc tế chuyên cổ võ cho tự do báo chí.
Chỉ số tự do báo chí
Trà Mi: Trước tiên, xin ông cho biết kết quả bảng xếp hạng về Chỉ số Tự do Báo chí thế giới được đúc kết dựa trên những cơ sở như thế nào?
Ông Jef Julliard: Chúng tôi sử dụng bảng câu hỏi khảo sát gồm 50 câu, tìm hiểu nhiều khía cạnh từ quyền tự do hành nghề của phóng viên, quyền tự do tiếp cận thông tin của ngừơi dân, tình trạng của các phương tiện truyền thông qua mạng internet như website hay blog điện tử, sự kiểm duyệt của nhà nước đối với báo chí, sự đàn áp đối với nhà báo, tình hình pháp lý, cũng như áp lực kinh tế và hành chánh của từng quốc gia để đánh giá, xếp hạng tình hình tự do báo chí tại mỗi nước.
Trà Mi: Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng năm nay tăng hay giảm so với năm trước, thưa ông?
Ông Jef Julliard: Việt Nam năm nay bị xuống hạng, mất 7 hạng so với năm ngoái, nghĩa là thực trạng tự do báo chí tại Việt Nam đang ngày càng tệ hại.
Chúng tôi rất quan ngại trước việc nhà nước Việt Nam siết chặt quản lý mạng lưới internet. Có rất nhiều trang web trong và ngoài nước bị chính quyền ngăn chặn, người dân không được quyền tiếp cận. Cũng có nhiều dân mạng hay blogger bị sách nhiễu, đe doạ, bắt bớ, hoặc thậm chí bị tấn công, hành hung.
Thêm nhiều ký giả bị bắt giam
Trà Mi: Một cách cụ thể hơn, Tổ chức phóng viên không biên giới đánh giá thế nào về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam trong năm?
Ông Jef Julliard: Chúng tôi thật sự hết sức quan tâm về tình trạng tự do báo chí của Việt Nam trong năm vì có nhiều nhà báo, những ngòi bút bất đồng chính kiến lần lượt bị đàn áp, bị bắt giam, hoặc bị lãnh án tù rất nặng chỉ vì họ phát hành các tờ báo độc lập với nhà nước, cổ võ cho quyền tự do báo chí, hay đòi hỏi dân chủ.
Đặc biệt, chúng tôi cũng rất quan ngại trước việc nhà nước Việt Nam siết chặt quản lý mạng lưới truyền thông internet. Có rất nhiều trang web trong và ngoài nước bị chính quyền ngăn chặn, người dân không được quyền tiếp cận.
Cũng có nhiều dân mạng hay blogger bị sách nhiễu, đe doạ, bắt bớ, hoặc thậm chí bị tấn công, hành hung. Đó cũng là một số các lý do mà Việt Nam bị tụt hạng trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí 2007.
Có quá nhiều cấm kỵ
Trà Mi: Theo quan điểm phía chính phủ Việt Nam, những người bị bắt bớ hay tù tội như ông vừa đề cập là vì họ vi phạm pháp luật, chứ không phải do thực hành quyền tự do báo chí, thưa ông ?
Ông Jef Julliard: Tôi muốn nói là nhà nước Việt Nam không chấp nhận bất kỳ một sự chỉ trích nào, không cho phép người dân đựơc tự do phê bình chính quyền. Ở Việt Nam có rất nhiều điều cấm kỵ mà ngừơi dân nói chung, và nhà báo nói riêng, không được phép nói đụng tới.
Những nhà báo mà tôi vừa nhắc tới, họ bị sách nhiễu, bắt bớ chỉ vì đã mạnh dạn, thẳng thắn chỉ trích chính quyền. Và chúng tôi mạnh mẽ lên án việc làm đó của nhà cầm quyền Hà Nội.
Trà Mi: Thế nhưng, Hà Nội cho rằng những việc làm của các ngòi bút đó là hành động tuyên truyền chống phá nhà nước, gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Ý ông thế nào?
Ông Jef Julliard: Đó chỉ là luận điệu mà chính quyền Việt Nam thường dùng để trấn áp những tiếng nói đối lập. Dĩ nhiên, những việc làm này không dính dáng gì đến an ninh quốc gia.
Làm sao có thể gọi những hành động kêu gọi cải tổ, cổ suý dân chủ cho Việt Nam, đòi hỏi nhà nước tôn trọng quyền tự do bày tỏ ý kiến và thực thi quyền tự do báo chí là việc làm nguy hại đến an ninh, ổn định của đất nước?
Luận điệu của chính phủ Hà Nội là nguỵ biện, họ dùng nó để hợp pháp hoá việc giam giữ, tù đày những tiếng nói đối lập mà thôi.
Có rất nhiều ngòi bút can đảm, mạnh dạn đấu tranh cho sự tiến bộ của Việt Nam. Những nhà báo chân chính này nên tiếp tục kiên trì với lý tưởng cao đẹp của họ. Và mọi người trong chúng ta nên khuyến khích họ. Riêng tổ chức RSF, chúng tôi luôn luôn hết mình ủng hộ những cây viết này.
Cần phải quan tâm nhiều hơn nữa
Trà Mi: Như vậy, theo ông, cần phải làm gì hơn nữa để cổ võ cho tự do báo chí tại Việt Nam một cách hiệu quả hơn?
Ông Jef Julliard: Vâng, dĩ nhiên, chúng ta phải nhắc nhiều, quan tâm nhiều hơn nữa đến tình trạng tại Việt Nam. Tổ chức Phóng viên không biên giới chúng tôi cố gắng sử dụng những nguồn áp lực hiệu quả hơn đối với chính phủ Hà Nội, chẳng hạn như các quốc gia ngay tại Châu Á.
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn thông tin rộng rãi đến cộng đồng quốc tế, kêu gọi mọi người lưu ý về thực trạng tại Việt Nam.
Có rất nhiều ngòi bút can đảm, mạnh dạn đấu tranh cho sự tiến bộ của Việt Nam. Những nhà báo chân chính này nên tiếp tục kiên trì với lý tửơng cao đẹp của họ, bởi lẽ khi làn sóng đòi hỏi tự do, dân chủ tại Việt Nam càng dâng cao, họ sẽ càng thành công.
Và mọi người trong chúng ta nên khuyến khích họ. Riêng tổ chức RSF, chúng tôi luôn luôn hết mình ủng hộ những cây viết này.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn ông vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.
Thông tin trên mạng:
- Vietnam - Annual report 2007
Các tin, bài liên quan
- Đàn Chim Việt lên mạng để cổ võ cho dân chủ và nhân quyền
- Đề án 112 và hậu quả của nó
- Bài 'Việt Nam Ngày nay' trên nhật báo The Wall Street Journal
- Chính sách kiểm soát báo chí tại Việt Nam và những thay đổi ở tờ Tuổi Trẻ
- Toàn bộ dự án công nghệ thông tin trọng điểm giai đọan từ 2001-2005 đều có lãng phí
- Nhiều tờ báo, phóng viên bị kiểm điểm vì tin 'ăn bưởi có nguy cơ ung thư vú'
- Việt Nam buộc mạng Intellasia.com phải đóng cửa
- Câu chuyện về người thiết lập trang web tanhlinh.com
- Trung Quốc cũng là nạn nhân của hacker