Quan hệ Việt – Mỹ theo nhận định của cựu Đại sứ Pete Peterson
2005.05.02
Nguyễn Khanh, phóng viên RFA
Trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiến triển như thế nào? Liệu cuộc chiến Việt Nam 30 năm trước có ảnh hưởng đến mối giao hảo Washington-Hà Nội hay không? Ðó là những điểm chính được chúng ta đặt ra với ông Pete Peterson, đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ ở Hà Nội sau ngày cuộc chiến tranh kết thúc. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.
Nguyễn Khanh : Tháng 7 năm nay đánh dấu 10 năm ngày Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Với tư cách vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Hà Nội sau ngày chiến tranh kết thúc, ông đánh giá thành quả 10 năm qua giữa hai nước như thế nào?
Cả hai phía đã đạt được điều mà tôi luôn luôn nói là biến thù thành bạn. Tôi hãnh diện về điều này.
Pete Peterson : Tôi cho rằng trong một thập kỷ qua, chúng ta đã đạt được những tiến bộ quá lớn trong mối giao hảo giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Hai bên đã tiến đến chỗ hợp tác xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Ðôi khi tôi nghĩ là trong một vài vấn đề thì phía Hoa Kỳ tiến nhanh hơn cả dự tính của phía Việt Nam và phía Việt Nam cũng đã đạt được những tiến bộ thật đáng kể. Tôi hãnh diện về điều này. Cả hai phía đã đạt được điều mà tôi luôn luôn nói là biến thù thành bạn.
Nguyễn Khanh : Nhưng ông đại sứ đừng quên là vẫn còn những trở ngại mà cả hai nước phải vượt qua, chẳng hạn như phía Hoa Kỳ đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện nhân quyền, phía Việt Nam thì vẫn còn có người có tư duy là phải thận trọng khi làm bạn với người Mỹ, những người Việt ở Mỹ chẳng hạn thì nghĩ không tin được giới lãnh đạo Hà Nội…
Pete Peterson : Tôi nghĩ là cả 2 phía đều có những lý do chính đáng. Chẳng có một thành quả nào là thật hoàn hảo cả và chúng ta phải tôn trọng ý kiến, quan điểm của người khác. Về vấn đề nhân quyền, tôi xin mời mọi người cùng nhìn lại tình trạng nhân quyền ở Việt Nam cách đây 10 năm và thực trạng hiện giờ, so sánh thật kỹ để nhìn thấy mức tiến bộ đáng kể như thế nào. Ðối với một số người đang sinh sống ở Việt Nam cũng như một số người Việt đang cư ngụ ở hải ngoại, tôi nghĩ mọi người nên đặt câu hỏi là có thể làm gì để phát huy những tiến bộ đã đạt được, vì đó là quốc gia của các bạn, là đồng bào của các bạn. Tôi cũng nghĩ đến điều cả 2 phía, tôi nhấn mạnh cả 2 phía, phía viên chức Việt Nam và phía những người Việt đang sống ở nước ngoài đều phải làm là hòa giải, nhìn lại vấn đề, tìm cách giải quyết những bất đồng và tìm cách tha thứ cho nhau. Không thể tiếp tục cứ sống với quá khứ mãi được. Nếu cứ bám lấy quá khứ thì chẳng bao giờ thấy được tương lai. Ðó là phương châm của tôi, và cũng là điều tôi áp dụng để xây dựng quan hệ giữa hai nước.
Không thể tiếp tục cứ sống với quá khứ mãi được. Nếu cứ bám lấy quá khứ thì chẳng bao giờ thấy được tương lai. Ðó là phương châm của tôi, và cũng là điều tôi áp dụng để xây dựng quan hệ giữa hai nước.
Nguyễn Khanh : Là đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Hà Nội và sau khi mãn nhiệm ông thường xuyên trở lại Việt Nam. Ông thấy nước Việt Nam bây giờ như thế nào?
Pete Peterson : Việt Nam là một nước tràn đầy sức sống, điển hình là kinh tế; Quốc Hội Việt Nam cũng đóng vai trò đại biểu cho người dân một cách rõ rệt hơn, giữ vai trò góp phần quyết định chính sách cho quốc gia, dù chưa đầy đủ nhưng tôi thấy đang trên đường tiến đến mục tiêu đó. Tôi nhìn thấy những người dân Việt đóng góp vai trò của mình với quốc gia mỗi ngày một nhiều, tôi cũng thấy Việt Nam ngày một hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia trên thế giới, đó là điều thật đáng mừng vì trong lịch sử Việt Nam chưa hề làm điều đó bao giờ cả. Tôi cũng thấy một nước Việt Nam đang dần dần trở thành một thành viên quan trọng của thế giới và muốn đóng vai trò đó với thế giới, xây dựng quan hệ, hiểu biết, cảm thông với những nước khác và muốn giải quyết mọi vấn đề theo đường lối hòa bình. Ðó là nước Việt Nam ngày nay mà tôi nhìn thấy.
Nguyễn Khanh : Ý chí, quyết tâm làm sao để đến càng gần với Mỹ càng tốt của nhân dân Việt Nam thì quá rõ, nhưng liệu giới lãnh đạo Việt Nam có ý chí chính trị để làm điều mà người dân của họ mong muốn không?
Chính Phủ Việt Nam muốn biết cách nào để có thể xây dựng quan hệ tốt đẹp với Chính Phủ và nhân dân Mỹ và chúng tôi cùng làm việc với nhau để đi đến mục đích đó.
Pete Peterson : Tôi nghĩ Chính Phủ Việt Nam đã bày tỏ thái độ cho thấy muốn liên kết với Hoa Kỳ, trong thời gian tôi làm đại sứ điều đó được thể hiện rất rõ rệt, Chính Phủ Việt Nam muốn biết cách nào để có thể xây dựng quan hệ tốt đẹp với Chính Phủ và nhân dân Mỹ và chúng tôi cùng làm việc với nhau để đi đến mục đích đó. Tôi tin tưởng chắc chắn là Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo hướng đó. Nhưng đương nhiên là tôi cũng phải hiểu Việt Nam là một quốc gia ở Châu Á, sống chung với những nước trong khu vực, như ASEAN, có những nước láng giềng, như Trung Quốc chẳng hạn. Nhưng chắc chắn Việt Nam muốn thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ nhiều hơn nữa. Ðiều đó được thể hiện rõ qua quan hệ thương mại giữa hai bên, mức giao dịch mỗi ngày một nhiều hơn, nhất là sau ngày Bản Hiệp Ðịnh Thương Mại Mỹ-Việt được thi hành, và chúng ta sẽ thấy sẽ tiếp tục thấy những quan hệ tốt đẹp như vậy trong mối quan hệ giữa hai nước.
Nguyễn Khanh : Ông đã từng có mặt ở Việt Nam với tư cách 1 phi công Mỹ, máy bay ông cầm lái bị bắn rơi, ông bị bắt làm tù binh. Có khi nào cuộc chiến Việt Nam khơi dậy trong tâm trí của ông không?
Người dân Việt Nam là một tập thể thông minh, yêu hòa bình và muốn thịnh vượng. Vì thế, tôi không bao giờ để quá khứ thời chiến tranh quyết định hay ảnh hưởng đến tương lai.
Pete Peterson : Có chứ. Tôi nghĩ người nào cũng vậy cả. Những chuyện cũ đó chẳng bao giờ mất đi, con ma quá khứ vẫn cứ hiện về. Nhưng tôi không để cho chuyện đó ảnh hưởng đến những việc tôi làm, không để ảnh hưởng đến những nỗ lực nhằm giúp tăng cường quan hệ giữa hai nước. Ðiều cần nói là Việt Nam bây giờ khác hẳn với Việt Nam thời chiến tranh, Việt Nam bây giờ là một nước đông dân hơn, so với năm 1975 thì dân số đã tăng gấp đôi, người dân Việt Nam là một tập thể thông minh, yêu hòa bình và muốn thịnh vượng. Vì thế, tôi không bao giờ để quá khứ thời chiến tranh quyết định hay ảnh hưởng đến tương lai cả, vì tương lai chính là nơi chúng ta sẽ sống, là nơi mà chúng ta nhắm đến.
Nguyễn Khanh : Thủ Tướng Phan Văn Khải của Việt Nam sẽ sang thăm Washington vào mùa hè năm nay. Ông đánh giá chuyến đi này như thế nào?
Pete Peterson : Tôi nghĩ rằng đáng ra chuyến đi phải được từ lâu, chính tôi đã nhiều lần đề nghị ông Khải sang thăm nước Mỹ nhưng có lẽ bây giờ mới chính là thời điểm đúng nhất để ông Thủ Tướng Việt Nam thực hiện chuyến đi vì quan hệ song phương đã trưởng thành, vững vàng hơn trước rất nhiều, đồng thời Việt Nam cũng đang ở ngưỡng cửa hội nhập vào WTO, vị trí của Việt Nam với thế giới cũng rõ ràng hơn, nên nếu Thủ Tướng Việt Nam không sang thăm Hoa Kỳ thì rõ đó là một điều thiếu sót. Chuyến đi này không chỉ quan trọng mà tôi còn tin là rất thành công.
Nguyễn Khanh : Trở lại thời gian 4 năm ông làm Ðại Sứ đầu tiên của Hoa Kỳ ở Hà Nội và mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước thành hình trong 10 năm qua, có khi nào ông Ðại Sứ nghĩ rằng ông là người đã tạo lịch sử không?
Tôi chỉ đơn thuần là một sứ giả và tôi mừng vì có cơ hội để làm công tác đó. Về thành quả, tôi tin rằng công trạng đó phải được dành cho nhân dân Việt Nam.
Pete Peterson : Không, tôi tôi hề nghĩ như vậy. Tôi chỉ là người ở trong một trường hợp đặc biệt thôi, và chẳng bao giờ tôi nghĩ rằng trong thời gian phục vụ ở Hà Nội mình đã thay đổi bộ mặt của thế giới, thay đổi hay không là ở phía Việt Nam. Tôi chỉ đơn thuần là một sứ giả và tôi mừng vì có cơ hội để làm công tác đó. Về thành quả, tôi tin rằng công trạng đó phải được dành cho nhân dân Việt Nam.
Nguyễn Khanh : Kỷ niệm nào mà ông cho là đẹp nhất trong 4 năm làm Ðại Sứ ở Việt Nam?
Pete Peterson : Thật là dại dột nếu tôi không nói ngày đẹp nhất là ngày tôi và nhà tôi làm lễ cưới ở Nhà thờ Chính tòa Hà Nội. Nhưng về mặt ngoại giao, kỷ niệm khó phai nhất là vào giữa khuya, tôi được thông báo Việt Nam đồng ý ký tắt bản hiệp định thương mại mà hai bên đã bỏ ra bao nhiêu năm trời để thảo luận với nhau. Hai kỷ niệm đó không thể so sánh với nhau được, nhưng đó là những kỷ niệm không thể phai.
Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Nguyễn Khanh : Xin cám ơn ông Ðại Sứ !
Các tin, bài liên quan
- Những thay đổi ở Việt Nam sau 30 năm qua cái nhìn của một luật sư
- Những thành công của cộng đồng người Việt tại Úc sau 30 năm hình thành
- Nhà văn Phan Nhật Nam: “Chúng tôi đều là nạn nhân của một tai họa vô lường”
- Hồi ức tuần lễ cuối cùng ở Saigon, 30/4/1975 kết thúc chiến tranh Việt Nam
- Nhà văn Bảo Ninh: “Cố quên để đi tới, những vẫn còn những tồn đọng...”
- Về thăm lại những chiến địa Dakto, Tân Cảnh, Kontum năm xưa
- Cuộc chiến Việt Nam dưới cái nhìn của ông Lê Mã Lương, Giám đốc Viện Bảo Tàng Lịch Sử Quân Đội