Việt Nam có kịp gia nhập WTO cuối năm nay?


2005.05.26

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Cuối tuần rồi, tân trưởng ban công tác về vấn đề gia nhập WTO của Việt Nam là đại sứ Na Uy Eirik Glenne bày tỏ mối lo ngại rằng Việt Nam khó có thể gia nhập tổ chức vào cuối năm nay như mong muốn, vì không còn đủ thì giờ hoàn tất những việc phải làm.

Ông Robert Zoellick (trái) và Trương Đình Tuyển tại hội nghị APEC ở Chile hôm 5-6-2004. AFP PHOTO.

Tuy nhiên chỉ hai ngày sau, một thành viên của phái đoàn Việt Nam đàm phán vấn đề gia nhập WTO là ông Hoàng Phước Hiệp, vụ trưởng vụ pháp luật quốc tế bộ Tư Pháp lại tuyên bố với Việt NamEXPRESS rằng khả năng Việt Nam gia nhập WTO cuối năm nay là cực lớn.

Hai góc độ khác nhau

Để tìm hiểu thêm vấn đề này, Nguyễn An có cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Trước hết, ông Nghĩa nhận xét:

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đây chỉ là một sự thật, nhưng được nhìn dưới hai góc độ khác nhau thôi.

Giới chức Việt Nam nhận thấy ông trưởng đoàn là thứ trưởng thương mại ngay lúc đầu đã đưa ra tám điểm cam kết của Việt Nam, rồi lại thấy cũng trong phiên họp ấy có một số nước ASEAN, đặc biệt là Singapore, phát biểu rằng Việt Nam là một nước đang phát triển và cần phải được thông cảm.

Ngoài ra còn phải kể là trong tháng ba vừa rồi, chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã gặp ông chủ tịch WTO, và trong cuộc gặp gỡ ấy, có thể đã trình bày vấn đề để yêu cầu thông cảm. Đó là điều mà phía Việt Nam gọi là vận động ngoại giao của lãnh đạo.

Ba yếu tố đó đã đưa đến cái nhìn lạc quan của Việt Nam về việc gia nhập tổ chức vào cuối năm nay. Thực tế ra thì tôi thấy nó chưa được đến như vậy.

Chưa đáng để lạc quan

Nguyễn An: Ông vừa nói đến ba điểm có thể coi là cơ sở khiến Việt Nam lạc quan, nhưng theo ông thì tình hình chưa đáng để lạc quan như vậy. Ông vui lòng phân tích thêm điểm này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết phải nói rằng phiên họp vừa diễn ra đáng lẽ là phiên họp thứ 10, nhưng có lẽ theo yêu cầu của phía Việt Nam nên mới coi đó là phiên họp bán chính thức, hay phiên họp trù bị theo cách nói ở trong nước, để sẽ có thêm một phiên họp khác vào cuối tháng chín.

Tại phiên họp vừa rồi, Việt Nam đã đưa ra một số cam kết, trong khi ở trong nước, thì quốc hội đang họp, và dự trù kéo dài thêm phiên họp hai tuần nữa, để chứng tỏ Việt Nam đang tăng tốc độ làm thêm luật cho phù hợp với yêu cầu của quốc tế cũng như của tổ chức WTO.

Những diễn tiến ấy cho thấy là Việt Nam có thiện chí, và thiện chí ấy lại được một số quốc gia ASEAN công nhận. Nhưng từ sự công nhận ấy đến việc gia nhập tổ chức vẫn còn một khoảng cách mà Việt Nam phải lấp đầy.

Mối thân tình?

Bạn nghĩ gì về nhận định này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Nguyễn An: Trước khi nói đến khoảng cách và những gì Việt Nam phải làm để trám vào khoảng cách ấy, thì có điều này muốn trao đổi với ông:

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo điện tử Việt NamEXPRESS, quan chức vừa trở về nước từ Geneva có nói là Việt Nam với ông đương kim chủ tịch Supachai là rất thân tình, với ông Pascal Lamy sẽ thay thế ông Supachai cũng rất thân tình, và với người cầm đầu ban công tác về việc Việt Nam gia nhập tổ chức cũng rất thân tình luôn.

Vậy những mối thân tình ấy đóng vai trò gì trong nỗ lực muốn gia nhập tổ chức WTO của Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng đây là một lầm lẫn lớn của Việt Nam nếu thẩm định tình hình căn cứ trên những mối thân tình ấy.

Họ không hiểu rằng WTO không phải là ngân hàng thế giới, không phải là một định chế do các viên chức quốc tế lãnh đạo mà ta có thể vận động, mua chuộc, thuyết phục và mọi chuyện coi như giải quyết xong.

WTO là một câu lạc bộ gồm một trăm mấy chục nước trong đó, và muốn trở thành hội viên thì phải được tất cả các hội viên khác đồng ý, còn nếu có một nước nào đặt vấn đề thì phải thảo luận song phương với họ và giải quyết.

Cho nên, quan niệm rằng mình có thể giải quyết từ trên xuống là không đúng với thực tế và có thể đem lại những thất vọng bẽ bàng. Nó còn làm cho các nước khác thấy sự vận động như thế vừa không thích hợp, vừa thiếu chuyên nghiệp.

Khoảng cách giữa đạt được và tiêu chuẩn

Nguyễn An: Trở lại với khoảng cách gữa những gì Việt Nam đã đạt được và tiêu chuẩn để trở thành hội viên WTO, thì theo ông cho đến nay, Việt Nam đã đi được bao nhiêu phần trăm đoạn đường đó rồi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã đi được một đoạn khá xa, và trong mấy tháng vừa rồi đã ý thức được rằng vấn đề khó hơn, rắc rối hơn mình nghĩ. Từ đó, cả chính phủ lẫn quốc hội đều đã nỗ lực làm việc để đạt được tiêu chuẩn được WTO ấn định.

Đó là điều đáng kể và đã được các nước khác công nhận. Nhưng thực tế là, trong khi mình cố gắng chạy theo thiên hạ, có khi mình hụt hơi mình chết, rồi mình có theo kịp được ngừơi ta hay không lại là vấn đề khác.

Ông trưởng ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO là đại sứ Đan Mạch từng nhấn mạnh rằng Việt Nam phải hoàn tất và hoàn tất rất nhanh các phiên họp song phương với các nước khác thì mới có hy vọng kịp gia nhập WTO vào cuối năm nay. Phải nhấn mạnh rằng con người không sản xuất ra được thời gian, và từ nay cho đến tháng chín hay tháng 12 chăng nữa thì cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian.

Quốc hội Việt Nam tăng tốc độ làm luật, nhưng từ lúc biểu quyết đến khi ban hành cũng phải có thời gian. Một điểm nữa là chưa chắc tất cả mọi đại biểu quốc hội đều đánh giá đúng vấn đề.

Có thể gia nhập?

Nguyễn An: Câu hỏi sau cùng, là theo ông thì Việt Nam có thể gia nhập WTO vào cuối năm nay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thực sự là chúng ta không thể có được một câu trả lời trắng đen rõ rệt. Tôi chỉ xin đưa ra một cái nhìn dè dặt, là tôi sợ rằng không kịp. Lý do là vì có rất nhiều thủ tục nhiêu khê ở cả hai phía WTO lẫn Việt Nam.

Phải làm thế nào thuyết phục được tất cả những người có khả năng quyết định ở Việt Nam thấy được không những cái lợi, mà cả cái giá phải trả thì mới hy vọng thúc đẩy được toàn thể bộ máy chạy cho kịp với thời gian.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.