Việt Nam, một năm sau khi gia nhập WTO
2007.10.30
Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA
Đầu tháng 11 2006, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chuẩn bị cho Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới kể từ tháng Giêng năm 2007. Thấm thoát vậy mà một năm đã trôi qua. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ làm một tổng kết sơ khởi về những gì Việt Nam đã và chưa đạt được trên con đường hội nhập đó, qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện sau đây.

Một năm hội nhập kinh tế toàn cầu
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thấm thoát vậy mà Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO được gần một năm. Do đó, ban Việt ngữ chúng tôi xin đề nghị là trong chương trình tuần này, ta sẽ cùng kiểm điểm kết quả của một năm hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Nhận xét sơ khởi của ông ra sao về việc đó?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, trước khi nói về kết quả của tình hình kinh tế Việt Nam trong năm đầu tiên hội nhập vào kinh tế thế giới, xin đề nghị là ta cùng nhớ lại về khởi điểm của một năm trước, tức là triển vọng và vấn đề cách đây một năm khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO.
Cách đây một năm, cả thế giới chứ không riêng Việt Nam đều chú ý tới việc Việt Nam sẽ gia nhập tổ chức WTO đồng thời cũng đạt quy chế thương mại bình thường và một cách vĩnh viễn với Hoa Kỳ, gọi là quy chế PNTR. Khi ấy, mọi người đều nói đến triển vọng to lớn của một xứ sở có 84 triệu người dân cần cù tháo vát, lại ở vào một vị trí địa dư thuận lợi trong vùng Đông Nam Á, đang cố thoát khỏi những sai lầm của chế độ kinh tế tập trung kế hoạch để cải thiện cuộc sống.
Một số nhà nghiên cứu chiến lược còn chú ý tới một yếu tố thuận lợi khác, là giới đầu tư quốc tế bắt đầu thấy ra nhiều rủi ro bất ổn trên thị trường Trung Quốc và sẵn sàng chuyển dịch đầu tư qua Việt Nam để san xẻ rủi ro. Nhờ vậy, Việt Nam sẽ có điều kiện cất cánh để trở thành một rồng cọp kinh tế Đông Á.
Việt Long: Nhưng thưa ông, cũng vào thời điểm một năm trước, nhiều người lại nói tới các vấn đề mà Việt Nam sẽ gặp khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Trên diễn đàn này, ông cũng đã nhiều lần cảnh báo về các vấn đề ấy. Khi nói tới khởi điểm để tổng kết những thành quả trong một năm đầu, chúng ta có nên nhắc tới loại vấn đề ấy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rất đúng và rất đáng nhắc lại.
Trước hết, về mặt quản lý kinh tế vĩ mô, nghĩa là về trách nhiệm quản trị kinh tế của chính quyền, thời ấy, người ta đã nói tới ba loại vấn đề đáng ngại. Thứ nhất là vật giá sẽ gia tăng từ khởi điểm quá cao là 5-7% nên sẽ đánh sụt lợi tức của dân nghèo và những ai có đồng lương cố định.
Thứ hai là ngân sách quốc gia đang và sẽ còn bị bội chi rất cao - vào khoảng 4% của tổng sản lượng nội địa GDP - nên sẽ thổi mạnh gánh nặng công chi và đánh sụt khả năng đầu tư của khu vực công vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở. Thứ ba là chế độ ngoại hối vẫn còn cứng ngắc và đồng bạc định giá quá thấp sẽ gây trở ngại cho tiến trình hội nhập.
Và thứ tư là Việt Nam thật sự bị nạn nhập siêu - tức là nhập nhiều hơn xuất khẩu - và khi mở cửa bước ra ngoài thì có khi còn bị nặng hơn nữa, trước khi thấy tình hình được cải thiện nhờ triển vọng xuất khẩu sau khi gia nhập WTO.

Những vấn đề nảy sinh
Việt Long: Đó là loại vấn đề thuộc lãnh vực quản lý vĩ mô. Ngoài ra, còn loại vấn đề gì khác nữa không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Loại thứ hai là các vấn đề về cơ chế cai trị. Thứ nhất là hạ tầng luật lệ của Việt Nam còn thô thiển và phải cải tiến thật mau thì mới thu hút đầu tư nước ngoài cho có lợi. Cụ thể trong lãnh vực đó là loại luật lệ cần thiết để chiêu dụ và bảo vệ giới đầu tư. Thứ hai, đi cùng hệ thống luật lệ thô thiển là vai trò tư pháp còn quá yếu và sức ép tham nhũng lại quá mạnh.
Hậu quả, và đây là vấn đề thứ ba, môi trường đầu tư của Việt Nam thật ra vẫn thiếu lành mạnh nên sẽ làm giới đầu tư thất vọng sau những hồ hởi lạc quan ban đầu. Thứ tư, doanh trường Việt Nam vẫn thiếu minh bạch, thông tin thị trường thì đơn giản và thiếu tính khả tín, không đáng tin, như khá nhiều thống kê của Việt Nam cho thấy. Vì lẽ đó mà thị trường không bắt được những tín hiệu trung thực về giá cả hay cơ chế, với hậu quả là dễ làm nảy sinh phản ứng đầu cơ nhất thời và thổi lên nhiều trái bóng rủi ro.
Và còn loại vấn đề thứ ba nữa, thuộc lãnh vực xã hội, còn nghiêm trọng hơn gấp bội....
Việt Long: Nếu vậy, xin ông nhắc lại luôn ở đây cho thính giả có cơ sở đối chiếu với thành quả sau một năm.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì hạ tầng luật lệ còn lỏng lẻo, cơ hội tham nhũng rất cao, khi mở cửa hội nhập với thế giới bên ngoài thì đặc quyền và đặc lợi của thiểu số có chức có quyền và có tiền sẽ đào sâu khoảng cách giàu nghèo và gây bất mãn xã hội. Đó là vấn đề thứ nhất, với biểu hiện dễ thấy và dễ gặp nhất là nạn đảng viên cán bộ địa phương đầu cơ về đất đai để kịp thời trục lợi trong việc liên doanh với nước ngoài.
Thứ hai là vì những cam kết trong khuôn khổ WTO, doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hoá mạnh hơn, nhiều hơn, với hậu quả hai mặt là nhiều người sẽ mất việc mà nhiều đảng viên cán bộ sẽ có lời lớn nhờ đầu cơ quyền hành, quan hệ và thông tin trên thị trường chứng khoán. Thứ ba là khả năng ứng phó rất kém của guồng máy hành chính công quyền với các vấn đề bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai lũ lụt hay cả tai nạn nghề nghiệp trên các công trường xây cất.
Nếu có nói gọn lại thì cách đây một năm, Việt Nam có rất nhiều triển vọng tốt đẹp khi gia nhập tổ chức WTO nhưng cơ chế quản trị và cai trị bên trong vẫn còn nhiều nhược điểm. Cho nên cùng với đà tăng trưởng kinh tế, người ta sẽ thấy nảy sinh nhiều vấn đề từ kinh tế đến xã hội và các vấn đề này sẽ gây bất ổn và làm nhiều người thất vọng về hội nhập.
Một năm gia nhập WTO
Việt Long: Thưa ông, đó là những triển vọng và rủi ro mà nhiều người đã nêu ra từ năm ngoái. Bây giờ, một năm sau, người ta thấy được những gì?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta có thể thấy là trong năm nay, Việt Nam sẽ đạt một tốc độ tăng trưởng sản xuất rất cao, có lẽ còn cao hơn những dự kiến của giới lãnh đạo. Một phần và chỉ một phần của hiện tượng ấy là tâm lý lạc quan ở trong nước khi bắt đầu hội nhập kinh tế với bên ngoài, chứ không hẳn là kết quả của đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam vào WTO.
Việt Long: Tuy nhiên, lượng đầu tư nước ngoài quả thật là có tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua, ông nghĩ sao về yếu tố này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa tôi xin gọi đó là "ảo giác của thị trường". Trong 10 tháng đầu năm, đầu tư của nước ngoài có tăng hơn một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái, vượt quá 11 tỷ Mỹ kim. Nhưng, và đây là sự thật bên dưới ảo giác, đến 90% lượng đầu tư này là vào các dự án mới, nghĩa là chưa đi vào sản xuất trong thời gian vừa qua.
Thứ hai, đa số lại đầu tư vào hai lãnh vực chính, có lợi ích kinh tế và xã hội tương đối giới hạn, là công nghiệp nặng và địa ốc. Tức là dễ thổi lên nạn đầu cơ bất động sản. Trong khi ấy, số đầu tư thực tế được thực hiện vẫn chưa quá bốn tỷ, chưa bằng số tiền mà người Việt ở hải ngoại gửi về giúp đỡ thân nhân.
Đáng chú ý hơn nữa là dường như nhà nước lại chưa được chuẩn bị để đón nhận làn sóng đầu tư ồ ạt đó, sau 11 năm thương thuyết để gia nhập tổ chức WTO và sau nhiều tiên đoán lạc quan về triển vọng đầu tư của quốc tế. Cũng như người hồ hởi rước dâu và khám phá là cô dâu đẹp hơn mình dự tính, rồi lại không biết làm điều gì hữu ích với nàng dâu.
Việt Long: Ngoài ra, về những cam kết với WTO thì Việt Nam đã thực hiện được những gì sau một năm làm hội viên tổ chức này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rất chậm và ít so với yêu cầu nên ta chưa thấy hiện tượng thẩm thấu xuống dưới. Cụ thể là tác dụng của WTO chưa ra khỏi thành phố và giải phóng sức sản xuất tại nông thôn, trong các ngành nghề tiểu thương. Một biểu hiện rõ rệt của tình trạng đó là việc gia nhập WTO chưa tạo ra sức bật cho xuất khẩu và năm nay, Việt Nam còn bị nhập siêu nặng hơn, đến hơn bảy tỷ Mỹ kim, và sẽ mắc nợ nhiều hơn.
Một khía cạnh thứ hai có được cảnh báo như ta vừa nhắc tới ở trên là nạn lạm phát đã gia tăng mạnh. Một phần là do hệ thống quản lý và phân phối kém trong thị trường nội địa với các loại nhu yếu phẩm rất quan trọng trong cái giỏ tiêu thụ - hay ngân sách gia đình tiêu biểu - cho dân nghèo. Dịch bệnh và thiên tai không thể giải thích hết được.
Yếu tố lạm phát quan trọng hơn là hiện tượng nhập khẩu lạm phát, tức là "lạm phát từ đầu vào", nghĩa là khi ta phải nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đang tăng giá trên toàn thế giới. Với viễn ảnh dầu thô đã vượt 93 Mỹ kim một thùng và có khi lên tới 100 đô la thì lạm phát tại Việt Nam sẽ vượt hai số và là vấn đề nguy kịch, nhất là cho người nghèo.
Việt Long: Nhưng xin ngắt lời để hỏi ông một chuyện về giá dầu. Việt Nam cũng là một nước xuất khẩu dầu thô cho nên nếu giá dầu tăng mạnh thì Việt Nam cũng có lợi chứ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Dạ thưa có, nhưng tiền thu vào nhờ xuất khẩu dầu thô cũng chỉ bằng hoá đơn nhập khẩu xăng dầu là loại nhiên liệu chế biến từ dầu khí. Khi số thu gia tăng nhờ dầu lên giá thì chính quyền Việt Nam có thêm ngoại tệ trong dự trữ, nhưng khi xăng dầu lên giá thì giới tiêu thụ và người dân Việt Nam bị thiệt vì ảnh hưởng của lạm phát nhập khẩu vì xăng dầu sẽ đẩy vật giá lên còn cao hơn nữa. Cái được của nhà nước và cái mất của người dân là một vấn đề.
Nếu nhìn trên toàn cảnh thì Việt Nam mới chỉ tiến tới chế độ vắt sức lao động và nhập khẩu vào để làm gia công cho thiên hạ mà thôi. Và hội nhập kiểu đó sẽ đào sâu thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, là điều cũng đã được cảnh báo.
Đồng thời, cũng phải thấy rõ là trong năm đầu mở cửa, tình trạng dân oan đi khiếu kiện đã lan rộng và tăng vọt. Nếu có thể lập một đồ biểu về nạn đầu cơ bất động sản để so sánh với đồ biểu về nhịp độ và cường độ biểu tình khiếu kiện, thì người ta thấy ngay ra nguyên nhân là ở đâu.
Việt Long: Ông có vẻ hơi bi quan về kết quả gia nhập tổ chức WTO, nên không thấy điều gì tích cực hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa có chứ. Điều tích cực là trong năm qua, Việt Nam có thêm rất nhiều triệu phú bằng Mỹ kim. Họ là thành phần hết lời ngợi ca việc hội nhập, nhưng vẫn chỉ là một thiểu số, tập trung ở thành thị, có quan hệ tốt với chế độ hay thế giới bên ngoài. Chứ đại đa số dân chúng vẫn ở ngoài lề của việc hội nhập.
Tôi thiển nghĩ là những người lãnh đạo tại Việt Nam không phải là không biết điều ấy. Nhưng họ thiếu khả năng dự báo nên vẫn bị bất ngờ, thiếu khả năng ứng phó nên không kịp thay đổi chính sách khi thấp thoáng thấy ra những chệch hướng trong kinh tế sau khi mở cửa hội nhập. Quan trọng nhất là thiếu khả năng quản lý và điều hành, như được thấy rõ nhất ở việc gây ra lạm phát vì bơm tiền ra thu chín tỷ đô la về, và không cải tổ được hệ thống ngân hàng để xử lý một khối lượng Mỹ kim rất lớn trong nền kinh tế.
Nghịch lý ở đây là Việt Nam thiếu vốn đầu tư mà lại thừa đô la ngoài chợ. Lãnh đạo Việt Nam hãnh diện vì nay Việt Nam có lượng dự trữ ngoại tệ tương đương với 20 tuần nhập khẩu so với 12 tuần vào năm ngoái, mà lại không nói ra là Việt Nam lại mắc nợ nhiều hơn năm ngoái.
Để kết luận có lẽ cũng cần nói thêm là Việt Nam đã mất hơn 10 năm thương thuyết để được hội nhập với kinh tế thế giới, nhưng mới chỉ có một năm tập sự hội nhập mà thôi. Vì vậy, nếu có những chuyện bất toàn và tiêu cực thì cũng chẳng nên ngạc nhiên. Vấn đề là lãnh đạo phải nhìn vào sự thật hai mặt thay vì ém nhẹm thông tin và cho nhau uống nước đường. Quốc hội Việt Nam có thể thật sự hội nhập vào thế giới văn minh khi nêu ra mặt trái của sự hội nhập ấy.
Các tin, bài liên quan
- Nguyên nhân lạm phát tại Việt Nam
- Đại hội đảng Trung Quốc: Vài phân Dân chủ
- Giải Nobel Kinh tế học 2007
- Nhận định về những thành tựu đạt được sau gần 1 năm Việt Nam gia nhập WTO
- Đại hội đảng tại Trung Quốc
- Lầm than Miến Điện
- Nguy cơ suy trầm toàn cầu?
- Standard & Poor's: nền kinh tế Việt Nam đang ổn định
- Sức nặng APEC