Bắc Hàn Noi Gương Việt Nam?


2007.11.06

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Trong chuyến thăm viếng Bắc Hàn vừa qua của Tổng bí thư đảng CSVN Nông Đức Mạnh, dường như lãnh tụ Cộng sản Bắc Hàn có nêu ý kiến là Bắc Hàn có thể thử nghiệm mô thức kinh tế của Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về câu chuyện ly kỳ này trong cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

KimJongIl200.jpg
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Il. AFP PHOTO.

Việt Long: Bắc Hàn đã thoả thuận với quốc tế và để cho Hoa Kỳ tự tay tháo gỡ lò phản ứng Yongbyon là nơi chế tạo plutonium của Bắc Hàn. Các giới chức lãnh đạo Bắc Hàn thì đang đi một vòng châu Á để chuẩn bị cho giai đoạn mà người ta tin là đổi mới, giống như các nước Cộng Sản đã làm, trong đó có Việt Nam.

Cách đây hơn một tháng, ban Hàn ngữ của đài Á châu Tự do cũng đã phỏng vấn ông về việc đó để phát thanh về Bắc Hàn. Cụ thể là họ yêu cầu ông nêu lên kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam mà chính quyền và dân chúng Bắc Hàn có thể học hỏi. Vì vậy, chúng tôi xin đề nghị là trong chương trình kỳ này, ta có thể trao đổi về tấm gương Việt Nam cho Bắc Hàn. Câu hỏi đầu tiên ở đây là đã đến lúc Bắc Hàn mở cửa hay chưa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa trước tiên, chúng ta hãy nói về bối cảnh và về hy vọng của các nước Đông Á đối với nỗ lực cởi mở của chế độ Cộng sản Bắc Hàn.

Đầu tiên, Thứ Sáu mùng hai vừa qua, Thủ tướng Bắc Hàn, ông Kim Yong-il, mà ta có thể phiên âm thành Kim Anh Nhật để khói lầm với lãnh tụ Kim Jong-il là Kim Chính Nhật, đã đi du thuyết ba nước Đông Nam Á, bắt đầu là Việt Nam, rồi Malaysia, Cambốt và Lào, về các cơ hội đầu tư và mậu dịch với Bắc Hàn. Với Việt Nam, phái đoàn Bắc Hàn đã ký một số hiệp ước về hợp tác nông nghiệp, thể thao và văn hoá. Chuyến thăm viếng đó là một biến cố mới, nối tiếp thượng đỉnh giữa hai lãnh tụ Nam và Bắc Hàn cách đây đúng một tháng, vào mùng bốn tháng 10.

Hôm 28 tháng 10, tuần báo Yazhou Zhoukan, tức là "Á châu tuần san" hay "Asia Week", có tiết lộ là trong dịp Tổng bí thư Nông Đức Mạnh thăm viếng thủ đô Bình Nhưỡng vào trung tuần tháng 10, lãnh tụ Kim Jong-il có nói là Bắc Hàn có thể áp dụng mô thức của Việt Nam để hồi phục nền kinh tế của mình.

Trước những biến cố ấy, dư luận Đông Á có thể kết luận là đã đến lúc Bắc Hàn mở cửa.

Bối cảnh Bắc Hàn

Việt Long: Nếu như họ phải mở cửa thì liệu Bắc Hàn có áp dụng mô thức Việt Nam không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trả lời cho câu hỏi đó, tôi thiển nghĩ là mỗi quốc gia lại có hoàn cảnh riêng, với lãnh đạo nhắm vào mục tiêu riêng, cho nên không thể áp dụng trọn vẹn mô thức của khác được.

NuclearNKorea200.jpg
Bị quốc tế cô lập vì theo đuổi chương trình vũ khí hạch nhân, nền kinh tế Bắc Hàn càng lúc càng lâm vào khó khăn. AFP PHOTO.

Về mục tiêu của lãnh đạo, thì lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn đều cùng nhắm vào một mục tiêu then chốt, là làm sao mãi mãi cầm quyền. Vì mục tiêu ấy và cũng vì muốn thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, cả ba quốc gia vẫn bị chi phối bởi chủ nghĩa cộng sản đều muốn cải tổ kinh tế trong một chừng mực nhất định cho dân khỏi chết đói, bằng cách hợp tác với bên ngoài để thu hút tư bản và kỹ thuật của thế giới. Nhưng đồng thời vẫn duy trì được hệ thống chính trị độc đảng của mình.

Trong chiều hướng ấy, Bắc Hàn có thể tìm hiểu hai mô thức cải cách của Trung Quốc và Việt Nam để lượm lặt bí quyết chiêu dụ quốc tế. Khách quan mà nói thì họ có thể thấy mô thức Việt Nam thích hợp hơn, chẳng phải vì Hà Nội sáng suốt hơn mà vì Trung Quốc là một xứ cực lớn, với rất nhiều bài toán đa diện, nên có hoàn cảnh khác với Bắc Hàn.

Tuy nhiên, và đây cũng là điều mà dư luận cần chú ý, thật ra Bắc Hàn đã muốn xoay từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới bắt đầu nghĩ đến việc mở cửa.

Việt Long: Điều ông vừa nêu nghe có vẻ lạ! Vì sao ông cho rằng Bình Nhưỡng đã muốn đổi hướng từ lâu rồi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thời Chiến tranh lạnh, các chứng tật của chủ nghĩa Mác-Lênin và lề lối quản lý kinh tế tập trung bị dìm sâu dưới yêu cầu về an ninh cho chế độ. Nhưng kinh tế chính trị học Mác-Lenin của các nước như Bắc Hàn hay Việt Nam chỉ có thể tồn tại như vậy khi có một hậu phương yểm trợ là Liên Xô và Trung Quốc. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã, Bắc Hàn phải dựa vào Trung Quốc.

Thời ấy, Trung Quốc đã tiến hành chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình để thoát cơn khủng hoảng, và bình thường hoá quan hệ với Nam Hàn để du nhập tư bản, kỹ thuật và cả kiến thức về công nghiệp hoá của Nam Hàn. Vì vậy, lãnh đạo Bình Nhưỡng thấy chột dạ. Năm 1992, lãnh tụ Kim Nhật Thành mới đành tiến hành cải cách, một cách rất dè dặt, y như Hà Nội thời đó. Khốn nỗi, ông ta tạ thế năm 1994 và con trai là Kim Chính Nhật mất mấy năm để củng cố quyền lực của mình, trong khi xứ sở lụn bại, kinh tế khủng hoảng, hai triệu người chết đói vì Bắc Hàn tự cô lập dưới khẩu hiệu gọi là "tự chủ". Và càng lệ thuộc nhiều hơn vào nguồn trợ cấp rất đáng ngại của Trung Quốc.

Qua thế kỷ 21, từ năm 2001, Bắc Hàn muốn xoay ra và dùng võ khí hạch tâm như một lối bắt bí thiên hạ để tống tiền, thực chất là để Hoa Kỳ phải quan tâm, đối thoại và dắt mình ra khỏi cơn khủng hoảng. Là chuyện đang xảy ra ngày nay. Nếu nhớ lại như vậy, người ta có thể hiểu vì sao Bắc Hàn sẽ không áp dụng mô thức Trung Quốc.

Việt Long: Sau khi nói về mục tiêu của lãnh đạo, bây giờ, ta hãy nói về hoàn cảnh của xứ sở. Bắc Hàn cần những gì về kinh tế và căn cứ trên thực tế đó, họ có thể áp dụng mô thức nào trong việc cải cách của họ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Bắc Hàn cần mở ra để tiếp nhận tư bản và kỹ thuật hầu công nghiệp hoá một xứ sở bị khoá trên vùng Đông-Bắc Á giữa hai đồng chí cũ là Liên bang Nga, Trung Quốc và một kẻ thù nhưng đồng bào là Nam Hàn. Ở vòng ngoài là Nhật Bản. Tuy nhiên, vì yêu cầu của chế độ độc tài, họ chỉ muốn mở ra trong chừng mực nhất định, ở những khu vực nhất định, hầu việc cải cách hay kinh tế thị trường không gây quá nhiều biến đổi trong xã hội dẫn tới những biến đổi về chính trị mà chế độ không chấp nhận được.

Họ có thể đang lần mò vào vết xe của Việt Nam hơn chục năm trước, khi lập ra khu chế xuất hay vùng kinh tế trọng điểm. Nôm na là đặc khu kinh tế, chẳng khác gì các tô giới thời thực dân vào thế kỷ 19. Cái khác là xưa kia, các nước Á châu bị ép như vậy, bây giờ là lãnh đạo độc tài Á châu tái lập vùng thuộc địa ngay trong nước. Bên trong, một thiểu số có quyền thì được tiếp xúc với - và trục lợi nhờ - giới đầu tư và thị trường bên ngoài, cả xã hội còn lại vẫn tiếp tục sống dưới cái gọi là sự ổn định lạc hậu của xã hội chủ nghĩa.

Mô thức Việt Nam cho Bắc Hàn?

Việt Long: Dường như là ông đang mô tả một hình thái phát triển đặc thù của Bắc Hàn chứ Việt Nam ngày nay đã ra khỏi lối suy nghĩ chật hẹp đó rồi và doanh nghiệp nước ngoài nay đã có thể thành lập ở mọi nơi tại Việt Nam.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy, nhưng Việt Nam đã mất 10 năm mới tiến ra chỗ đó. Mười năm về trước, diễn đàn chuyên đề này của chúng ta có nói là nên dẹp bỏ loại hình khu chế xuất đã lỗi thời để cả lãnh thổ đều có thể mở ra với thế giới bên ngoài thì mới tiến hoà đồng đều.

Trở lại chuyện Bắc Hàn, lãnh đạo xứ này bị ám ảnh bởi nhu cầu kiểm soát và bị cột trong tư duy xã hội chủ nghĩa, lấy công nghiệp nặng làm cơ sở và mở ra bên ngoài theo nhãn quan Nga - Tầu. Họ khởi đi từ hai đặc khu kỹ nghệ đã có từ xưa. Một ở phiá Đông-Bắc, sát biên giới với Nga và tỉnh Cát Lâm của Tầu là Najin, gọi theo Nam Hàn, hay Rasin-Songbong, tức là La Tân Tiền Phong Quận. Khu thứ hai là Sinuiju - hay Tân Thọ Châu - đối diện với thành phố Đan Đông của tỉnh Liêu Ninh bên sông Áp Lục. Năm 2003, họ lập ra đặc khu kinh tế thứ ba, là Kaesong - hay Khai Thành - sát biên giới Nam-Bắc Hàn.

Được khai thông bằng đường xá và thiết lộ, các đặc khu ấy thu hút được một số đầu tư Nga, Trung Quốc hay Nam Hàn, nghĩa là không nhiều và ít thành công. Chưa kể là năm ngoái, Trung Quốc còn đóng cửa không cho phép doanh gia đi qua làm ăn tại đặc khu Tân Thọ Châu vì sợ cạnh tranh với luồng xuất khẩu của họ từ Đan Đông!

Do kinh nghiệm ấy, Bắc Hàn có thể dùng các đặc khu này làm thỏi nam châm thu hút đầu tư quốc tế và mở thêm các hải cảng Nampo và Haeju làm thương cảng giao lưu với Hoàng hải và Nhật Bản và thế giới bên ngoài. Ưu thế họ nghĩ là mình có là khối lượng nhân công rẻ tiền và bị kiểm soát rất chặt chẽ để phục vụ các đặc khu được khoanh vùng trong thành lũy hầu ngăn ngừa được mọi sự ô nhiễm xã hội hay chính trị.

Việt Long: Nếu như vậy, có lẽ mô thức mở cửa của họ không giống với Việt Nam. Nhưng liệu họ có thành công theo chiến lược mở cửa hạn chế và khoanh vùng như vậy hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng thành công hay không là căn cứ trên những mục tiêu của lãnh đạo. Chế độ Cộng sản Bình Nhưỡng chỉ cần huy động tư bản, thiết bị và công nghệ cho nền kinh tế lạc hậu của mình mà vẫn hạn chế ảnh hưởng của Tây phương hay tư tưởng tự do dân chủ. Cho nên mục tiêu không khác, nhưng khắt khe hơn Việt Nam. Trong các khu vực ấy, nhân viên được tuyển chọn và kiểm soát rất kỹ để cùng lắm thì học nghề của tư bản chứ không thể reo rắc những tư tưởng mà lãnh đạo gọi là phản động. Nếu chỉ nhắm vào mục tiêu đó thì sự thành bại tùy thuộc vào thiện chí đầu tư của quốc tế.

Việt Long: Thế liệu giới đầu tư bên ngoài có bước vào những đặc khu kỳ lạ ấy hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là có vì ta không nên đánh giá thấp tham vọng hay lòng tham của thiên hạ.

Nam Hàn có thể tiếp tay Bắc Hàn trong chiều hướng ấy vì lý do chính trị, khi chính quyền khuyến khích doanh nghiệp đi vào hợp tác, là điều ta đã thấy. Một số liên doanh quốc tế cũng có thể nhảy vào và sở dĩ liên doanh là để phân tán rủi ro chính trị với nhau. Nhiều tập đoàn về năng lượng cũng muốn thăm dò một thị trường còn khép kín và có nhiều tài nguyên khoáng sản. Chủ yếu thì vẫn là giới đầu tư Trung Quốc, Nam Hàn và Âu châu, như Đức, Anh, Ý, Thụy Sĩ. Họ lập nhà máy, mở trường đào tạo, lập quỹ đầu tư, v.v... và nếu Bắc Hàn hết bị phong tỏa thì đến lượt doanh nghiệp Mỹ rồi Nhật cũng sẽ không lỡ cơ hội, vì rủi ro chính trị của một chế độ bị sụp đổ coi như sẽ được đẩy lui.

Việt Long: Nói như vậy thì chiến lược phát triển khoanh vùng và có hạn chế như vậy vẫn có thể thành công được chứ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa nếu ta so sánh với tình hình khủng hoảng và hoàn cảnh chết đói năm năm về trước thì việc mở cửa như vậy quả là một tiến bộ và Bắc Hàn có thể sẽ thành công. Nhưng chỉ thành công chừng ấy thôi.

Lý do là đầu tư nước ngoài sẽ tập trung vào khoáng sản và nguyên liệu theo mô thức khai thác thời thuộc địa, với rất ít lợi ích toả rộng hay nhỏ giọt xuống dưới cho người dân. Thứ hai, mô thức đặc khu kinh tế hay khu chế xuất như vậy không thể có chuyển giao công nghệ sâu và rộng cho người dân. Nghĩa là người dân Bắc Hàn tiếp tục làm nô lệ và không học hỏi được gì để cải thiện cuộc sống của mình. Trong hoàn cảnh ấy, ta sẽ khó thấy một làn sóng đầu tư quốc tế tràn vào Bắc Hàn để tiếp cận và trao đổi với xã hội rồi sẽ thay đổi được mức sống của người dân xứ này.

Tuần này, khi thấy Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ dẫn đầu một phái đoàn doanh gia Mỹ thăm viếng Việt Nam để mở rộng quan hệ ngoại thương và đầu tư, có lẽ lãnh đạo Bình Nhưỡng sẽ tìm hiểu rất kỹ để cân nhắc rủi ro và lợi ích. Việt Nam đã mất hai chục năm từ khi hé cửa cho đến nay thì có lẽ dư luận cũng chẳng nên nóng ruột hay hồ hởi tin vào một phép lạ kinh tế Bắc Hàn. Tư duy khiếp nhược của lãnh đạo và sự sợ hãi của người dân bị cộng sản cai trị quá lâu là điều gì đó rất khó gột bỏ được ngay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.