Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm nay có khá không?

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Số liệu thống kê chính thức cho biết kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2004 đã đạt trên 5 tỷ 160 triệu đôla, tức tăng hơn năm trước hơn 15%. Năm nay tình hình có tiếp tục sáng sủa hơn không ?

0:00 / 0:00
textile2_200.jpg
Công nhân Việt Nam làm việc ở một xưởng sản xuất áo quần thể thao cho hãng Nike ở TP. HCM, hôm 15-2-2005. Photo AFP

Con số 5 tỷ 160 triệu đôla nghe rất phấn khởi đối với Việt Nam, nhưng nó chỉ mới là 0,35% kim ngạch nhập khẩu của toàn nước Mỹ trong năm ngoái. Do đó ta vẫn còn thêm nhiều hy vọng nếu cải tiến được nguồn cung cấp phụ liệu, tăng tính cạnh tranh và khả năng tiếp thị.

Hàng dệt may chiếm hơn phân nửa

Trong số hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, mặt hàng dệt may đã chiếm hơn phân nửa, thủy hải sản và giày được gần 10%, hàng nông lâm và thực phẩm chiếm gần 7%.

Hàng dệt may của Việt Nam được các nhà nhập khẩu của Mỹ chú ý nhờ phẩm chất cao và giao hàng đúng hẹn. Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ ITC từng đưa ra nhận xét rằng chỉ có Việt Nam và Indonesia là đủ sức cạnh tranh với hàng dệt may Trung Quốc mà thôi.

Theo Hiệp hội Các nhà Nhập khẩu hàng Dệt May Hoa Kỳ thì Việt Nam được xem là nguồn cung ứng thứ nhì, sau Trung Quốc, nếu Việt Nam không bị khó khăn về hạn ngạch. Hiệp hội này còn cho là hàng Việt Nam rẻ và có chất lượng tốt hơn hàng Ấn Độ.

Ngành may mặc Việt Nam có thế mạnh là đội ngũ lao động dồi dào, dễ đào tạo. Giá lao động lại tương đối là thấp nhất thế giới.

Đây là thế mạnh mà ông Lê Quốc Ân, chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhìn nhận: "Ngành may mặc Việt Nam có thế mạnh là đội ngũ lao động dồi dào, dễ đào tạo. Giá lao động lại tương đối là thấp nhất thế giới. Quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn, đặc biệt là quản lý về môi trường, về trách nhiệm xã hội...là những thế mạnh của doanh nghiệp may Việt Nam...."

Tuy nhiên sau ngày mùng 1 tháng Giêng năm 2005, sản phẩm dệt may Việt Nam vẫn còn chịu chế độ hạn ngạch, trong khi khoảng 150 nước xuất khẩu khác có thể xuất hàng dệt may sang Hoa Kỳ tự do, không bị hạn ngạch ràng buộc.

Đến hết tháng Hai, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 291 triệu đôla, tức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã có một vài dấu hiệu đáng báo động xuất hiện.

Đó là các mã hàng ăn khách như các loại quần nam nữ chất liệu bông và quần nam nữ chất liệu sợi nhân tạo có chiều hướng khựng lại và còn giảm thêm trong thời gian tới. Ông Lê Quốc Ân cho biết hai mã hàng này sút 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng đây là tác động của việc hàng Trung Quốc được cởi bỏ hạn ngạch tại Hoa Kỳ. Do đó nếu Việt Nam không có biện pháp nào hữu hiệu để đối phó thì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ trong năm nay sẽ không đạt được dự kiến là 2 tỷ 750 triệu đôla. Hiện Hiệp hội Dệt may đang lên danh sách đề nghị liên bộ mở rộng thêm số lượng mã hàng được cấp visa tự động để có thể tận dụng được mọi cơ hội xuất khẩu sang Mỹ trong năm nay.

Hải sản và giày dép

Nhóm hàng xuất khẩu quan trọng thứ nhì của Việt Nam là hải sản và giày. Các loại thủy hải sản xuất sang Hoa Kỳ trong năm 2004 đã sút giảm 20% so với năm trước do tác động của vụ kiện chống phá giá. Trong khi mức tiêu thụ thủy hải sản của toàn nước Mỹ vẫn tăng 13%.

Do đó nếu muốn duy trì thị phần của mình tại Hoa Kỳ thì Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao chất lượng và thiết lập những văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ nhằm xây dựng thương hiệu.

Vấn đề thương hiệu cũng rất quan trọng. Người tiêu thụ Hoa Kỳ ít ai biết những sản phẩm mà họ dùng là do Việt Nam sản xuất, chế tạo.

“...Tôi nghĩ không chỉ lãnh vực giày dép, mà tất cả những lãnh vực khác của Việt Nam hiện nay là giống như vậy. Kể cả dệt may, thực phẩm, đồ gỗ...thì hầu hết hàng của Việt Nam đều mang nhãn hiệu của nước ngoài...

Ông Diệp Thành Kiệt, chủ tịch hội Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "...Tôi nghĩ không chỉ lãnh vực giày dép, mà tất cả những lãnh vực khác của Việt Nam hiện nay là giống như vậy. Kể cả dệt may, thực phẩm, đồ gỗ...thì hầu hết hàng của Việt Nam đều mang nhãn hiệu của nước ngoài..."

Về mặt hàng giày dép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, từ vị trí thứ 8, Việt Nam đã vươn lên hàng thứ 5, qua mặt Thái Lan, Mexico và Tây Ban Nha.

Tuy nhiên tính về thị phần thì giày dép Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Trung Quốc chiếm 68%, Italy chiếm 8% và Braxin giữ 7%, trong lúc giày dép Việt Nam chỉ đạt 2% thị phần Hoa Kỳ mà thôi.

Mặt hàng này, theo các nhà phân tích thì vẫn có nhiều hy vọng khả quan cho Việt Nam, do mỗi năm vẫn tăng đều đặn đến 40%. Trong năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu giày dép sang Hoa Kỳ trị giá trên 430 triệu đôla, tức tăng 43% so với năm trước.