Nhiều dự án treo gây khó khăn cho đời sống dân chúng

Trường Văn, phóng viên đài RFA

Đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành quyết định kiểm tra tình hình sử dụng đất trên cả nước đối với các dự án đã được chấp thuận thực hiện để đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng có quá nhiều dự án treo, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân thuộc vùng đã được qui họach.

LandCorruption200.jpg
AFP PHOTO.

Việc kiểm tra và đưa ra biện pháp xử lý phải được hòan tất trước ngày 30 tháng 6 năm 2007. Xin mời qúy thính giả theo dõi bài tường trình sau đây của Trường Văn.

Các loại “dự án treo”

Trả lời câu hỏi của báo chí về các lọai dự án “treo”, qui họach “treo” đã làm khổ người dân, Bộ Trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực cho biết là tựu chung có 3 loại treo chính:

Loại thứ nhất là địa phương công bố một khu đất nào đó nằm trong phạm vi qui họach để xây dựng công trình hay dự án. Tuy nhiên sau đó những công trình, dự án này chỉ có trên giấy tờ hoặc nằm trong hộc tủ của các cơ quan chức năng và không có một động thái nào để thực hiện các dự án đó cả.

Người dân trong khu vực qui họach gặp khó khăn trong việc xây dựng, sửa chữa hay chuyển nhượng nhà cửa của mình.

Loại thứ hai là đã có quyết định giải tỏa, thu hồi đất để xây dựng công trình, nhà xưởng… nhưng vì bồi thường không thỏa đáng nên vẫn còn vài hộ dân cố thủ trong khu qui họach kéo dài từ tháng này qua năm khác. Tình trạng này làm các nhà đầu tư nản lòng vì không nhận được đất để có thể tiến hành các bước kế tiếp.

Loại “treo” thứ 3 nữa là đất đã được giao nhưng chủ đầu tư không thực hiện các cam kết của mình vì thiếu vốn hoặc đổi ý vì một lý do nào đó. Nhiều chủ đầu tư không làm gì cả hoặc chỉ đổ một ít tiền vào công trình rồi sau đó bỏ luôn.

Sài Gòn dẫn đầu cả nước

Tổng kết về tình hình các dự án treo, Bộ Trưởng Mai Ái Trực đánh giá là thành phố Hồ Chí Minh là nơi có nhiều qui họach treo, “dự án treo” nhiều nhất nước xét theo đơn, thơ phản ánh, khiếu nại của người dân.

Theo các con số của Sở Kế Họach và Đầu Tư thành phố Hồ Chí Minh thì có nhiều dự án phát triển hạ tầng cơ sở của thành phố chưa thực hiện được vì thiếu vốn đầu tư.

Ví dụ như dự án di dời các cảng đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như cảng Sàigòn, cảng Bến Nghé, cảng Tân Thuận, Tân cảng… dự trù thực hiện trong giai đọan từ 2005 đến 2010 cũng chưa được tiến hành.

Hoặc như việc xây dựng Khu Công nghệ cao, khu đô thị Thủ Thiêm cũng chỉ được tiến hành một cách chậm chạp.

Tình trạng “treo” ở những nơi khác

Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, các khu công nghiệp tại các tỉnh An Giang, Sóc Trăng cũng làm đảo ngược cuộc sống của hàng ngàn hộ cư dân.

Việc qui họach xây dựng Khu công nghiệp Bình Long tại huyện Châu Phú tỉnh An Giang đã biến vùng đất này trước đây là một khu dân cư trù phú với nhà cửa đông đức và ruộng vườn phì nhiêu nay trở thành một bãi cát hoang.

Với số vốn đầu tư gần 150 tỉ đồng cho một diện tích hơn 40 hecta thì mới có 17 hecta được lấp bằng và đường xá chỉ mới bắt đầu được xây dựng. Trong khi đó cảng Bình Long với chi phí xây dựng gần 14 tỉ đồng, hòan tất hơn một năm trước đây đang phơi mình bất động chờ khu công nghiệp Bình Long.

Tại Trà Vinh việc xây dựng khu du lịch bên cạnh ao Bà Om cũng có vấn đề về bồi thường đất đai, xảy ra kiện tụng lung tung.

Tại Sóc Trăng, các khu công nghiệp An Nghiệp, Cái Côn, Tân Phú cũng ở trong tình trạng hoặc chưa xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc nếu xây dựng xong thì cũng chỉ đón nhận những xí nghiệp nhỏ chiếm một diện tích không đáng kể trong khu công nghiệp.

Bạn nghĩ gì về tình trạng này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Hậu quả của các “dự án treo”

Giải thích về tình trạng tràn lan các dự án treo, Bộ Trưởng Mai Ái Trực cho biết đó là vì địa phương nào cũng muốn có nhiều công trình, dự án để phát triển kinh tế nhưng việc lập qui họach chưa thực sự khoa học, chưa tính tóan đầy đủ các điều kiện để thực hiện qui họach.

Chẳng hạn như có nhiều địa phương không tính tóan đến khả năng thu hút đầu tư. Đáng lý ra chỉ xây dựng một hai khu công nghiệp là đủ nhưng lại mở rộng quá nhiều khiến cho nhiều khu công nghiệp cỏ mọc như vườn hoang.

Hậu quả của việc này là lãng phí ngân sách nhà nước và đời sống của hàng ngàn hộ dân bị lao đao, chưa kể thiệt hại kinh tế do nhiều loại hình bị ngưng trệ do dự án còn treo.