Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Lúa từ Cămpuchia, gạo thơm từ Thái Lan đang đổ về vùng đồng Bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Việt Nam. Tại sao lại có tình trạng nghịch lý này. Nam Nguyên tìm hiểu và tường trình cùng qúy thính giả.

Từ nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì trên thế giới chỉ sau Thái Lan. Năm 2005 xuất khẩu gạo của VN đạt mức kỷ lục 5 triệu 200 ngàn tấn với kim ngạch 1 tỷ 300 triệu đô la.
Tuy nhiên năm nay chính phủ đột ngột chỉ đạo ngừng xuất khẩu vào ngày 12/11, và cho phép nhập khẩu lúa gạo miễn thuế từ Cămpuchia.
Lượng lúa Cămpuchia vượt biên giới tây nam vào VN có thể lên tới hàng trăm nghìn tấn, giúp giảm cơn sốt lúa gạo ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Một nông dân trồng lúa ở An Giang cho chúng tôi biết chi tiết về việc này: "Đưa về lúa có gạo có, gạo 'Kha đắp mê đi', lúa mùa Sóc Miên họ cấy, chất lượng rất tốt. Người dân Miên họ thường dùng phân chuồng không bón phân hoá học, nên năng suất thấp nhưng ngược lại chất lượng cao. Người ta bán rẻ thì tốt thôi."
Trở thành thị trường nhập khẩu
Do được phép chính thức và miễn thuế, lúa gạo Cămpuchia đường hoàng đi qua biên giới VN cả bằng đường bộ lẫn đường thuỷ, từ Tà Keo về cửa khẩu Tịnh Biên Châu Đốc, từ các ngả khác đi qua Tân Hồng Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp, hoặc chở qua Vĩnh Hưng Tân Hưng tỉnh Long An.
Khi lúa gạo Xứ Chùa Tháp rộn rịp chạy về đồng bằng sông Cửu Long, thì giá thu mua lúa nội địa cũng thay đổi. Ông Hai An Giang cập nhật giá ngày 6/12 như sau:
“Lúa Miên đưa xúông giá thấp thì giá lúa trong nứơc cũng phải xúông thôi. Hôm trứơc 3.200 đ/kg bây giờ còn 2.600 tới 2.800 tuỳ chất lượng hay lúa cũ mới.”
Nguyên nhân nào?
Nếu một khu vực trọng điểm sản xuất lúa gạo như vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà phải nhập lúa Cămpuchia, gạo Thái Lan và cả các loại gạo xấu từ miền Bắc, để điều hoà thị trường tiêu thụ thì hẳn phải có nguyên do.
Gạo các tỉnh miền tây đã được xuất khẩu quá nhiều, trong khi dịch bệnh rầy nâu, lùn vàng lùn xoắn lá gây thiệt hại vụ Hè Thu vụ Ba, giảm sản lượng 1 triệu tấn lúa.
Dịch bệnh vẫn đang đe doạ vụ Đông Xuân, vụ lúa quan trọng nhất trong năm dành cho xuất khẩu. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Phó Viện Trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long nhìn nhận nguy cơ thiếu đói, thiếu gạo xuất khẩu năm 2007: "Có nguy cơ nhưng chúng tôi đang cố gắng làm thế nào để hạn chế nguy cơ đó. Đang có bệnh 'lùn vàng lùn xoắn lá' gây ra thiệt hại trên diện tích tương đối khá rộng, đặc biệt vụ Đông Xuân này chúng tôi đang cố gắng làm sao giảm thiệt hại, tất nhiên sẽ phải thiệt hại nhưng sẽ giảm."
Đe doạ an ninh lương thực
Người nông dân vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long cần cù nhẫn nại thì vẫn nghĩ không bao giờ bị thiếu đói vì trời sinh voi sinh cỏ. Ông Hai lão nông ở An Giang nói với chúng tôi: "Giá nó cao thôi thiếu đói thì không có, chỉ có vấn đề gạo chất lượng để xuất khẩu thôi, nếu xuất thì thiếu gạo. Thiếu gạo thì có thể độn các loại khác vào, miền Nam này từng bị thiếu đói vào năm 75, 76, 77 từng ăn độn mà, chuyện đơn giản.
Ngừơi dân miền Nam luôn luôn thấy giá cao là bán hết lúa không trữ lại. Thiếu gạo thì mua gạo giá thấp ăn. Hơn nữa dàn lúa gạo năng suất cao của miền Bắc xuất khẩu không được thì đem về cho dân miền Nam ăn gạo xấu. Gạo miền Nam xuất khẩu giá cao, thì đâu cũng vào đó.”
Để giải quyết an ninh lương thực thì phải giảm xuất khẩu, muốn giải quyết dịch bệnh hại lúa, sản xuất lúa gạo theo hứơng phát triển bền vững thì phải cắt vụ, đất đai phải được nghỉ dưỡng bồi đắp để tái sản xuất nông dân không thể làm 3 vụ một năm, thậm chí có nơi làm 7 vụ 2 năm.
Giải pháp cho người nông dân?
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh phó viện trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long nhận định về vấn đề này:
“Chúng tôi đã khuyến cáo phải cắt vụ, bỏ bớt vụ ba đi. Ở đây người dân làm liên hòan liên tục do đó gây cái mầm bệnh. Như vậy nên cắt vụ luân canh thí dụ làm hai lúa một màu, hay là lúa cá lúa tôm đại lọai vậy thì nó giảm bớt đi.
Cái này cũng có chỗ khó, tại vì hiện nay người dân người ta trồng hoa màu hay bất cứ cái gì, nếu trồng lúa thì bán rất dễ, bán không được thì để lại ăn không mất.
Vì khâu xử lý nông sản sau thu họach của VN hơi yếu, do đó nếu trồng rau màu, rau quả cây trái như dưa chẳng hạn thì khi nhiều người trồng sản lượng nhiều lên thì giá sẽ hạ xúông. Do đó người dân cho là cách nào thì có được lúa vụ ba cũng lợi hơn là trồng rau màu”
Liệu chính phủ sẽ có giải pháp thích hợp cho nông dân hay không, nếu chọn hứơng sản xuất lúa gạo an toàn , không chạy theo chỉ tiêu xuất khẩu?
Trên thực tế giá gạo thế giới có chiều hướng đi lên một cách hấp dẫn, trong vòng ba năm gần đây giá gạo xuất khẩu của VN đã gia tăng khoảng 45%.
Nói chung cơn khủng hoảng lúa gạo vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam trước các câu hỏi khó chịu.