Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Hội nghị triển khai vụ đông xuân 2006-2007 các tỉnh phía Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức ở TPHCM, đã cảnh báo là nếu dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá kéo dài, thì Việt Nam có nguy cơ phải nhập khẩu gạo trong những năm tới.

Các nhà nông học Việt Nam có nhận xét về lời cảnh báo này như thế nào? Qua cuộc phỏng vấn do Thanh Quang thực hiện, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trường Trường Đại Học An Giang, cho biết:
Vấn đề lớn của ngành nông nghiệp
GS Võ Tòng Xuân: Điều này có thể xảy ra lắm. Bộ Nông nghiệp hiện nay đang cố gắng giải quyết, nhưng vấn đề lớn quá. Nông dân làm ăn cá thể nên cũng khó.
Thanh Quang: Thưa Giáo sư, theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNN Cao Đức Phát thì để tránh nguy cơ phải nhập khẩu gạo, VN phải sớm có biện pháp thay đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, mùa vụ, thậm chí xóa bỏ tập quán sản xuất 3 vụ lúa liên tục trong một năm. Vấn đề này như thế nào?
GS Võ Tòng Xuân: Bộ Nông nghiệp có chương trình đó thì đúng thôi. Nhưng trong thực tế nông dân không được tổ chức cho tốt để thực hiện chương trình như vậy.
Vì hiện giờ các nước tiên tiến người ta trồng lúa một vụ thôi, để cho đất nghỉ. Còn mình thì làm ba, thậm chí bốn vụ. Mà làm như vậy thì không bao giờ cắt được cây cầu nối của sâu bệnh cả. Sâu bệnh có thức ăn liên tục nên nó cứ phát triển từ mùa này sang mùa kia, từ vùng này sang vùng khác.
Thanh Quang: Như vậy theo kinh nghiệm chuyên môn của GS thì hiện bà con nông dân trước mắt cần phải làm gì để có thể hạn chế được dịch bệnh của cây lúa?
GS Võ Tòng Xuân: Bây giờ bà con nông dân cần nghe theo hướng dẫn của Bộ Nông Nghiệp, cụ thể là tại các tỉnh. Họ không nên tự động làm quá tự do như hiện nay. Bây giờ nếu nông dân không nghe theo chương trình chung của Bộ Nông Nghiệp thì cuối cùng thiệt hại chính là về phía nông dân.
Kêu gọi nông dân bỏ bớt vụ thứ 3
Thanh Quang: Bà con nông dân rất bình dị, xin GS cho biết cụ thể là bà con nông dân giờ cần làm những gì để có thể giới hạn tầm tác hại đó?
GS Võ Tòng Xuân: Nông dân phải nghe theo Bộ Nông Nghiệp để trồng các giống lúa kháng rầy. Họ phải chăm sóc cây lúa đúng theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp tỉnh, và ngay cả trên báo, trên đài cũng nói rất thường xuyên về chuyện này rồi. Nông dân cũng phải bỏ bớt vụ thứ ba đi.
Vì hiện giờ các nước tiên tiến người ta trồng lúa một vụ thôi, để cho đất nghỉ. Còn mình thì làm ba, thậm chí bốn vụ. Mà làm như vậy thì không bao giờ cắt được cây cầu nối của sâu bệnh cả. Sâu bệnh có thức ăn liên tục nên nó cứ phát triển từ mùa này sang mùa kia, từ vùng này sang vùng khác.
Tại vì người nông dân mình không nghe kỹ thuật, không nghe theo nhà khoa học, không nghe chỉ đạo nông nghiệp. Nếu có nghe thì họ chỉ nghe theo chừng 30-40 phần trăm. Chính vì nghe chỉ một phần như vậy nên họ không có làm đúng. Và mấy năm nay tình trạng này cứ y chang như vậy hoài.

Cần theo các phương pháp khoa học
Thanh Quang: Thưa GS, tình hình sâu như hiện nay sẽ diễn tiến như thế nào, có thể nguy hiểm hơn nữa trong thời gian tới không?
GS Võ Tòng Xuân: Vấn đề có thể ngăn chận được nếu bà con nông dân mình chịu nghe theo kỹ thuật; tức là phải triệt để trồng giống lúa kháng rầy, triệt để theo đúng quy cách bón phân và thăm đồng ruộng thường xuyên để sớm phát hiện những mầm móng của con rầy nâu, để sau đó thẩm định được sự hiện diện bao nhiêu ổ trứng rầy và bao quanh đó, chờ và đóan ra ngày rầy nở rộ. Con rầy nó 5 tuổi, từ tuổi 1 tới tuổi 5. Khỏang tuổi 3 thì nó nở rộ rồi. Lúc đó tất cả làng phải ra quân xịt thuốc trừ rầy trên tòan cánh đồng.
Hiện mình thì tự ai nấy làm, và không biết tiên đóan lúc nào rầy nở rộ. Mặt khác số cán bộ kỹ thuật của mình hiện giờ cũng rất hiếm. Quan trọng nhất là anh cán bộ phát triển nông thôn vốn có kiến thức rất rộng về trồng trọt, chăn nuôi để giúp nông dân, thì bây giờ người cán bộ đó chưa có.
Chỉ có chăng là cán bộ nông nghiệp xã với kiến thức còn dở hơn người dân nữa. Còn các nhà khoa học thì đâu có nhiều, không thể đi hết các đồng ruộng để giúp nông dân. Thành ra tình trạng nay tiến tới chuyện để nông dân làm theo ý họ.
Việt Nam sắp gia nhập WTO nhưng nông dân cứ tiếp tục làm ăn cá thể, không họp nhau lại nghe theo kỹ thuật. Đồng thời lực lượng cán bộ kỹ thuật của nhà nước vẫn không tăng cường thêm, không xuống tới tận các đồng ruộng để giúp bà con nông dân. Nếu tiếp tục như vậy thì nông nghiệp mình sẽ thua to.
Để trả lời câu hỏi là có thể chận đứng được dịch bệnh cây lúa không thì tôi trả lời là được. Bằng chứng là hồi năm 1977, dịch rầy nâu còn dữ hơn bây giờ mà Đại học Cần Thơ lúc đó đưa 2-ngàn sinh viên ra khắp các đồng, giúp nông dân vừa nhân lên giống lúa kháng rầy, vừa giúp sớm phát hiện ra những ổ trứng rầy, đóan ra ngày rầy nở rộ, rồi vận động bà con cùng xịt thuốc một lần.
Trong 1976-77 chúng ta rất thành công trong công tác này. Trong các hội nghị quốc tế người ta nghe báo cáo như vậy họ rất thích. Bây giờ tôi nghĩ mình cũng làm được như vậy.
Việt Nam gia nhập WTO thì cũng tới rồi. Nhưng nông dân mình cứ tiếp tục làm ăn cá thể thế này, không họp nhau lại nghe theo kỹ thuật. Đồng thời lực lượng cán bộ kỹ thuật của nhà nước vẫn không tăng cường thêm, không xuống tới tận các đồng ruộng để giúp bà con nông dân. Nếu tiếp tục như vậy thì nông nghiệp mình sẽ thua to.
Thanh Quang: Xin cảm ơn GS Võ Tòng Xuân.