Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Hòang Sa


2007.11.24

SpratlyTruongSa200.jpg
Quần đảo Trường Sa, ảnh chụp từ trên máy bay. AFP PHOTO

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận trên khu vực quần đảo Hòang Sa từ ngày 16 đến ngày 23 vừa qua.

Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng nói rằng hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để xác minh chủ quyền của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài biển Đông.

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, sự kiện Trung Quốc tập trận trên quần đảo tranh chấp Hoàng Sa chẳng những không mang lợi ích cho mối quan hệ song phương, không phù hợp với nhận định chung của lãnh đạo hai quốc gia mà còn phản lại tinh thần cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua giữa thủ tứơng hai nứơc.

Vẫn theo lời ngừơi phát ngôn này thì Việt Nam mong duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, giải quyết ôn hoà mọi tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như Bản Tuyên Bố Về Cung Cách Ứng Xử Trên Biển Đông liên quan đến sự tranh chấp chủ quyền giữa các nứơc trong khu vực đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài vùng quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam và Trung Quốc còn tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa. Và mới đây việc Bắc Kinh loan báo mở các tour du lịch ra 2 quần đảo này cũng đã khiến cho tình hình căng thẳng hơn.

Váo lúc đó, Hà Nội cũng đã nhanh chóng đưa ra những lời chống đối Trung Quốc cho rằng việc nước này ngang nhiên tổ chức tour du lịch trên quần đảo vừa nói là sự việc hết sức nghiêm trọng xâm lấn chủ quyền của Việt Nam và hành động này khiến việc đối thoại giải quyết tranh chấp càng khó khăn thêm.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những hành động công khai lấn áp Việt Nam. Trung Quốc đã từng áp lực hãng dầu khí BP phải bỏ cuộc khoan tìm dầu ngoài khơi quần đảo Trường Sa vào tháng Tư vừa qua.

Trong vụ này, ông Lê Dũng Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao đã phát biểu rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và ông nhấn mạnh rằng dự án hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Công ty Dầu khí BP của Anh được thực hiện từ năm 2000 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam.

Mặc cho những chống đối từ Việt Nam, Trung Quốc đã áp lực khiến BP phải bỏ cuộc và vụ việc đã rơi vào im lặng. Sự việc không ngừng lại ở đó khi Trung Quốc sã súng vào ngư dân Việt Nam đang đánh cá ngoài khơi biển đông và như thường lệ, vụ việc cũng không hề được giải quyết.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.