Việt Nam siết chặt kiểm soát báo chí

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Vào ngày đầu tháng 11, lại có tin liên quan đến ngành báo Việt Nam. Đó là phụ bản Thế Giới của báo Quốc Tế bị đình bản. Như vậy chỉ trong vòng hai tuần lễ, đã có một số báo bị cấm xuất bản và một số khác bị kỷ luật. Những sự kiện đó ra sao? Gia Minh trình bày trong phần sau.

newspaper200.jpg
Việt Nam siết chặt kiểm soát báo chí. AFP PHOTO

Xử phạt hành chính 8 tờ báo

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin, Đỗ Quý Dõan vào ngày 30 tháng 10 đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với 8 tờ báo, gồm: Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Nhà Báo & Công Luận, Thời Báo Kinh tế Việt Nam, Sài Gòn Tiếp Thị, An Ninh Thủ Đô, Thể Thao & Văn Hóa.

Lý do đưa ra biện pháp vừa nêu là vì các báo này đã vi phạm hai điều 6 và 10 của Luật Báo chí Việt Nam, không chấp hành chỉ đạo của chính phủ về việc thông tin liên quan tiền polymer.

Ông Hòang Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết cơ sở để xử phạt các tờ báo vừa nêu: "Họ loan tin không chính xác về tiền polymer."

Ngoài ra, Bộ Văn Hóa Thông tin cũng có quyết định đình chỉ xuất bản phụ san Thế giới của Báo Quốc tế, thuộc Bộ Ngọai giao.

Lý do bị đình bản?

Bạn nghĩ gì về việc Việt Nam tăng cường siết chặt báo chí trong dịp này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Lý do là ấn phẩm này không theo đúng tôn chỉ mục đích họat động, cũng như các qui định về số trang đuợc ghi trong giấy phép do bộ Văn hóa Thông tin cấp.

Phụ san Thế giới lại cho in nhiều thư độc giả than phiền về những tệ nạn như quan chức tham nhũng, hạch sách dân.

Tuy nhiên theo hãng thông tấn AFP thì nguồn tin báo giới Việt Nam cho quyết định đình bản phụ san Thế giới phát xuất từ sự cạnh tranh của một phụ trương báo khác, cũng khai thác đề tài tương tự và đang rất ăn khách.

Ông Hòang Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí thuộc Bộ Văn Hóa- Thông tin thì phủ nhận ý nói phụ sạn Thế giới bị đình chỉ vì in thư độc giả: "Không có chuyện đó, hãy xem quyết định…"

Và ông chỉ xác nhận: "Không đúng tôn chỉ mục đích, mà in bài về chuyện tình dục…"

Siết chặt thông tin báo chí

Quyết định vừa qua là biện pháp mới đối với báo chí Việt Nam sau khi hồi đầu tháng qua hai tờ Công Lý thuộc Tòa Án Nhân dân Tối cao và tờ Thời Đại thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bị đình bản có thời hạn một tháng cũng với lý do vi phạm về việc thông tin về tiền polymer trong nước.

Một tờ khác là Kinh doanh & Sản phẩm cũng mới bị thu hối giấy phép và đình bản sau khi cho đăng một lọat bài về cách thức ái ân cho nam giới.

Một độc giả trẻ đưa ra nhận xét khi hay tin có thêm 8 tờ báo bị xử phạt hành chính và một tờ bị đình chỉ xuất bản: "Do là không theo chỉ thị nhà nước."

Người này cũng đưa ra nhận định về tình hình báo chí trong nước: "Báo chí Việt Nam vẫn chịu sự kiểm sóat của nhà nước, nói chung là của Đảng Cộng sản."

Một nhà báo trong nước cho biết ý kiến khi hay tin kỷ luật mà bộ văn hóa thông tin vừa đưa ra: "Mấy ngày nay có nghe rồi, báo chí loan tin đúng mà vẫn bị kỷ luật, đó là thiệt thòi của báo chí Việt Nam."

Công luận nghĩ gì?

Theo ông Bob Dietz, Viên chức Điều phối Chương Trình Châu Á của Ủy ban Bảo Vệ Nhà báo, thì nền báo chí Việt Nam do nhà cầm quyền kiểm sóat chặt chẽ, dù rằng vừa qua dường như có cởi mở đối với vụ tham nhũng PMU18.

Theo qui định mới về báo chí có hiệu lực từ hồi tháng 7 vừa qua thì nhà cầm quyền Hà Nội lại gia tăng khung hình phạt đối với nhiều vi phạm được qui định một cách mù mờ.

Một trong qui định nêu ra để có thể xử phạt là nhà báo viết bài bóp méo lịch sử, không công nhận những thành quả cách mạng, bôi nhọ đất nước, các anh hùng dân tộc…

Cũng theo nhận định của ông Bob Dietz thì qua tiếp xúc với giới làm báo tại Việt Nam ông nhận thấy họ có khả năng; tuy nhiên chính sự kiểm sóat quá chặt chẽ của nhà cầm quyền đã hạn chế rất nhiều đối với giới này.

Người làm báo trong nước khi được hỏi ý kiến có nói về họat động làm báo của bản thân và đồng nghiệp hiện nay: "Viết theo tôn chỉ mục đích thì không giúp được cho người dân, còn viết khác đi thì có thể phải rời khỏi tòa sọan, chủ bút cho in thì hãy coi chừng".

Sau khi Việt Nam có lệnh đình bản hai tờ Công Lý và Thời Đại thì Ủy ban Bảo vệ các nhà báo đã có lên tiếng. Trong trừơng hợp mới xảy ra, ông Bob Dietz cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục phối hợp với những tổ chức nhân quyền khác nhằm thúc đẩy nhà cầm quyền Hà Nội phải thực thi quyền tự do ngôn luận, nhất là khi Việt Nam sắp trở nên thành viên của Tổ chức Mậu Dịch Thế giới.

Thống kê cho thấy ở Việt Nam có hơn 600 đầu báo in và nay xuất hiện nhiều trang báo điện tử. Tuy nhiên hầu hết đều loan những tin mà nhà nước đã cho phép. Đối với những thông tin nhạy cảm về chính trị, tôn giáo hiếm khi thấy xuất hiện trên mặt báo.