Phản ứng của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội về yêu cầu ngưng cầu nguyện tập thể?
2008.01.17
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội vừa gửi công văn cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Toà Tổng Giám Mục Hà Nội yêu cầu giải tán các buổi cầu nguyện tập thể đòi chính quyền trả lại đất đai của Giáo Hội bị tịch thu từ thập niên 1950. Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội hôm Thứ Ba đã có thư phản bác lại những cáo buộc mà chính quyền nêu lên trong công văn này.
Để tìm hiểu thêm quan điểm của Toà Tổng Giám Mục Hà Nội nói riêng, và ý kiến của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nói chung, Trà Mi có cuộc trao đổi với Linh mục Trần Công Nghị, Giám Đốc Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, người thừơng xuyên có những cuộc trao đổi bán chính thức và trực tiếp với Toà Tổng Giám Mục Hà Nội.
Công văn của UBND thành phố Hà Nội
Trà Mi: Thưa Linh Mục, chúng tôi được biết là giới chức Hà Nội chính thức có công văn gửi chức sắc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng như Toà Tổng Giám Mục Hà Nội nêu rõ là việc tập trung đông đảo giáo dân cầu nguyện là sai trái và gây mất trật tự công cộng, đồng thời họ cũng yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động này, nếu không thì sẽ xử lý theo pháp luật. Qua những cuộc trao đổi giữa Linh Mục với Toà Tổng Giám Mục thì Linh Mục có thể chia sẻ thêm quan điểm và dự định của phía Toà Tổng Giám Mục hiện bây giờ sẽ như thế nào?
Linh mục Trần Công Nghị: Vâng. Cái thư của bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ Tịch Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội, rất là sai trái bởi vì trong cái thư đó bà ta có vẻ trách Hội Đồng Giám Mục và đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục cũng như giáo dân Hà Nội là khi mà đến cầu nguyện ở trước Toà Khâm Sứ là trái luật, thì không có một cái luật nào trong chính quyền nói rằng không được phép cầu nguyện cả.
Và thứ nhất là những người cầu nguyện này thì họ rất là trong cái vòng kỷ luật, không có làm mất trật tự đường sá, cũng không có biểu tình phản đối chính phủ, chỉ cầu nguyện không, bởi vì chính quyền đã rất là bất công khi mà chiếm hữu cái tài sản của Giáo Hội như vậy, rồi không dùng vào những việc công ích mà lại để vào những việc thương mại. Chính vì thế mà Toà Giám Mục đã đòi lại.
Họ không trả lại mà họ còn trách Toà Giám Mục thì cái văn thư của Chánh Văn Phòng Toà Tổng Giám Mục Hà Nội đã trả lời rất rõ là chính chính quyền đã làm ngơ trước sự bất công và đã cho những ngưòi phạm luật là những người dùng cơ sở đó để buôn bán, chẳng hạn mở quán phở, hoặc là nhà nhảy, hoặc là làm câu lạc bộ thể thao. Tất cả những chuyện đó không phạt những người đó, đang khi đó lại trách Toà Giám Mục thì đó là một việc sai trái.
Toà Thánh đã lên tiếng rồi. Đài phát thanh RadioVatican đa lên tiếng rồi. Một số các hội đồng giám mục ở thế giới cũng đã lên tiếng rồi, các báo chí Công Giáo ở các nước đã lên tiếng rồi. Việt Nam đã là một thành phần đi vào trong cái bang giao thế giới thì phải nhận một trách nhiệm cao hơn là những gì họ vẫn xử với người Việt Nam,
Trà Mi: Thưa, ở Việt Nam có quy định là bất cứ một cuộc tụ tập nào đông người cũng phải xin phép, nếu không thì sẽ bị coi là một hoạt động trái pháp luật, như vậy thì những buổi cầu nguyện của bà con giáo dân mấy ngày nay cũng là những buổi tụ tập đông người, và nhà nước viện dẫn lý do là các hoạt động này gây mất trật tự công cộng ở địa phương. Trên cơ sở đó thì chính quyền yêu cầu Toà Tổng Giám Mục giải tán những người cầu nguyện, thì ý kiến của Toà Tổng Giám Mục về việc này ra sao?
Linh mục Trần Công Nghị: Tôi nghĩ rằng khi nói tụ tập 5 người thì phải xin phép đó thì tôi thấy điều đó là vô lý. Họ đặt quy định đó là để đề phòng những việc biểu tình chống chính phủ mà thôi, chứ còn tụ tập 5 người chẳng hạn gia đình một người nào đó có 5 người đến ăn ở một quán cơm, tức là tụ tập 5 người thì có phạm luật không? Thành thử ra khi mà giải thích cái kiểu đó một chiều như vậy rất là sai. Nhưng mà những người Công Giáo đến cầu nguyện một cách tự phát và họ rất là hoà bình, không làm mất trật tự thì đâu có gì mà chính phủ phải sợ mà phải xin phép đâu.
Giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện
Trà Mi: Và theo chỗ Linh Mục được biết thì hiện bây giờ bà con giáo dân còn tổ chức các buổi cầu nguyện tập thể hay không?
Linh mục Trần Công Nghị: Thưa, vẫn còn. Ban sáng những người đi lễ Nhà Thờ Chính Toà lớn ở Hà Nội thì sau lễ họ vẫn ra, có khi hai ba chục người, có khi một trăm người. Ban chiều lúc 6 giờ - 7 giờ, các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và một số giáo dân cũng ra đấy cầu nguyện. Về ban chiều là các thầy ở chủng viện ngay cạnh đó cũng ra cầu nguyện nữa.
Trà Mi: Thưa, trong trường hợp mà phía chính quyền vẫn giữ nguyên lập trường như đã nêu trong công văn thì liệu Toà Tổng Giám Mục có những phương cách ứng phó nào khác?
Linh mục Trần Công Nghị: Ngay bây giờ đó Toà Giám Mục cũng chỉ nói lên tiếng nói đòi công lý thôi, đòi phải giải quyết tận gốc rễ như cái thư của Toà Tổng Giám Mục đã viết cho Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội cương quyết nói rằng cái vấn đề phải giải quyết tự gốc rễ, quyền tự do của con người phải đựoc bảo đảm, công lý phải được nêu cao. Và tôi nghĩ rằng thời điểm này Việt Nam đã được vào WTO, đã quan hệ với các quốc gia thì cũng phải làm gương về sự tôn trọng pháp luật, bởi vì chính chính quyền ở đây không tôn trọng pháp luật của chính mình đã đưa ra.
Ngày hôm nay đây chúng ta có tất cả những sự giao tế, bang giao thế giới về vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao, và đồng thời người Công Giáo Việt Nam hải ngoại thì cũng sẽ có những tiến trình khác về ngoại giao, chẳng hạn sẽ viết thư cho Bộ Ngoại Giao, viết thư cho Tổng Thống Hoa Kỳ, viết thư cho các Hội Đồng Giám Mục ở các nơi trên thế giới, và cũng viết thư cho các nghị sĩ và dân biểu Hoa Kỳ.
Trà Mi: Thưa Linh Mục, nếu như các buổi cầu nguyện vẫn được tiếp diễn như vậy và trong trường hợp xấu nhứt có thể Uỷ Ban Nhân Dân Hà Nội sẽ thực hiện lời mà họ đã cảnh báo, tức là sẽ xử lý theo pháp luật, liệu có khả năng là Toà Thánh sẽ can thiệp?
Linh mục Trần Công Nghị: Toà Thánh đã lên tiếng rồi. Đài phát thanh RadioVatican đa lên tiếng rồi. Một số các hội đồng giám mục ở thế giới cũng đã lên tiếng rồi, và chúng tôi biết rằng các báo chí Công Giáo ở các nước đã lên tiếng rồi. Và trong thời gian gần đây thì chúng tôi đang liên lạc với các hội đồng giám mục ở các quốc gia trên thế giới để lên tiếng là nước Việt Nam đã là một thành phần đi vào trong cái bang giao thế giới thì phải nhận một trách nhiệm cao hơn là những gì họ vẫn xử với người Việt Nam, thưa chị.
Trà Mi: Linh Mục có nói là Đài Phát Thanh Vatican đã lên tiếng, nhưng mà chúng tôi muốn được hỏi liệu nếu vụ việc này đến cái mức nghiêm trọng thì Toà Thánh Vatican sẽ có tiếng nói chính thức can thiệp chăng?
Linh mục Trần Công Nghị: Chắc chắn bởi vì cũng là thành phần của Giáo Hội. Cho đến ngày hôm nay thì đang có những đàm phán thương thuyết đó. Ngày 14 tháng 1 vừa qua, ông Thủ Tướng Dũng có mời Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là Đức Cha Nhân và Đức Tổng Giám Mục Hà Nội là Đức Cha Kiệt đã vào để gặp, và cũng đưa ra một số đề nghị để giải quyết vấn đề. Nhưng mà kết quả thì chưa được đi tới bởi vì nó cũng phải tuỳ thuộc các giáo phận ở Việt Nam nữa, bởi vì những phần đất chính quyền đã sáp nhập hoặc là mượn tạm của Giáo Hội rất là nhiều, cho nên vấn đề giải quyết về đất đai thì chắc chắn phải sâu rộng hơn.
Một trong những đức cha Việt Nam là Đức Cha Nguyễn Văn Sang ở Thái Bình đã đưa giải pháp là có thể trong giai đoạn đầu này sẽ trả lại một số các cơ sở và sẽ đình chỉ việc xâm chiếm, quy hoạch thêm, rồi sẽ lập uỷ ban. Đó là tỏ thiện chí để rồi hai bên có thể ngồi lại với nhau. Tôi thấy đề nghị của Đức Cha Nguyễn Văn Sang tỉnh Thái Bình có lẽ cũng có một số người lắng nghe. Nhưng mà đa số những người quan tâm thì họ sợ rằng chính phủ sẽ rút lời, cho nên chắc chắn phải cần một số bản văn rõ ràng, có một giải pháp toàn diện cho vấn đề công lý cho các giáo hội Việt Nam nữa, thưa chị.
Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Linh mục Trần Công Nghị đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.
Linh mục Trần Công Nghị: Vâng. Cảm ơn chị Trà Mi.
Các tin, bài liên quan
- Chính quyền Hà Nội yêu cầu giáo dân ngưng các cuộc cầu nguyện tập thể
- LS Trần Vũ Hải: Các vụ cầu nguyện ở Hà Nội có thể trở thành sự kiện lớn
- Giáo xứ Thái Hà yêu cầu nhà nước trả lại đất của giòng Chúa Cứu Thế
- Giáo dân Hà Nội tiếp tục cầu nguyện đòi lại Tòa Khâm Sứ
- Giáo dân Hải ngoại nghĩ gì về việc TT Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Tòa Khâm Sứ?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Tòa Tổng Giám mục Hà Nội
- Niềm mơ ước trong mùa Giáng sinh của giáo phận TPHCM và Hà Nội
- Hàng ngàn giáo dân tập trung yêu cầu chính quyền Hà Nội trả lại Tòa Khâm Xứ
- Tranh chấp giữa Giáo hội với Chính quyền về các cơ sở tôn giáo
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam