Gạo xuất khẩu Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế

0:00 / 0:00

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Việt Nam hiện ở trong tốp 3 nước xuất khẩu nhiều gạo nhất thế giới, nhưng ngay cả khi giá gạo lên cao nhất lợi nhuận của nhà xuất khẩu lẫn người trồng lúa vẫn rất khiêm nhường. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này.

FarmerRice200.jpg
Nông dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng lợi từ gạo xuất khẩu. AFP PHOTO.

Lần đầu tiên trong gần 20 năm giá gạo Việt Nam chào bán xấp xỉ gạo cùng loại của Thái Lan. Theo tin mạng Dow Jones trong tuần lễ đầu tháng 9, doanh nghiệp VN chào gạo 5% tấm với giá FOB cảng TP.HCM là 320 đôla một tấn, đây là giá giao hàng lên tàu không bao gồm phí bảo hiểm và cước tàu.

Trong khi đó gạo Thái Lan 5% tấm được chào giá FOB cảng Bangkok chỉ hơn giá gạo Việt Nam vài đôla, cụ thể là từ 323 tới 325 đôla một tấn.

Nhà nông vẫn khó làm giàu

Thương gia lúa gạo quốc tế nói rằng Việt Nam chào giá cao một cách đáng ngạc nhiên là vì nguồn cung trong nước bị hạn chế, hơn nữa tổng số hợp đồng đã ký của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt mức 4 triệu 500 ngàn tấn, là mức giới hạn được tạm thời ấn định.

Với giá cả thuận lợi trên thị trường xuất khẩu, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng bán được lúa với giá cao. Trong thời gian dài giá lúa luôn đứng ở mức cao bình quân từ 2.900 đồng tới hơn 3 ngàn đồng/Kg.

Đây là giá ước mơ của nhà nông vì theo các chuyên gia nông nghiệp, giá thành hạt lúa trên đồng ruộng Việt Nam ở vào khoảng 1.600 đồng tới 1.800 đồng/kg lúa, bao gồm giống má, phân bón thuốc sâu và công cán.

Với những con số ấn tượng như vừa nói, vậy thì cây lúa Việt Nam gặp những trở ngại gì. Một chuyên gia về các chính sách kinh tế nông nghiệp TS Đặng Kim Sơn ở Hà Nội đưa ra nhận định:

“Sản xuất lúa gạo với giá cả hiện nay trên thế giới thì không thể làm giàu được. Ngay cả nông dân Thái Lan họ trồng lúa thuận lợi hơn và qui mô sản xuất của họ rộng hơn, chi phí của họ ít hơn, nhưng so với người chế biến người kinh doanh thì người nông dân Thái Lan sản xuất lúa cũng không giàu. Sự kiện này càng rất rõ đối với người nông dân Việt Nam.

Việt Nam đã theo đuổi và có kinh nghiệm xuất khẩu gạo được 17 năm. Trong vài năm trở lại đây kim ngạch xuất khẩu gạo đã vượt qua mức 1 tỷ đô la, thậm chí có năm xấp xỉ 1 tỷ 400 triệu đô la.

Không có chính sách đồng bộ

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trở ngại lớn nhất của sản xuất lúa gạo Việt Nam là ruộng đồng phân tán nhỏ lẻ, nông dân canh tác trên diện tích ít ỏi nhiều khi cả hộ chưa được một hecta.

Thứ nhì là thiếu phương tiện cơ giới, thứ ba là thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật canh tác trong đó có vấn đề chọn giống và phân bón. thứ tư là công nghệ sau thu hoạch và thứ năm là vấn đề điều hành thị trường chưa hiệu quả.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đất canh tác trên đầu người rất thấp. Ngoài khó khăn về quĩ đất cần phải giải quyết, theo ông Lê Doãn Diên Phó Chủ Tịch Thường Trực Hội Khoa Học và Công Nghệ Lương Thực Thực Phẩm thì còn hàng loạt vấn đề khác cần được lưu tâm một cách đồng bộ:

“Phải có những chính sách đồng bộ và đồng thời thực hiện ba loại giải pháp. Một là cơ chế chính sách, hai là vấn đề kinh tế xã hội và thứ ba là các giải pháp về khoa học công nghệ.”

Theo GSTS Bùi Chí Bửu, Viện Trưởng Viện Khoa Học Kỹ Thuật miền Nam nhận định trên Thời Báo Kinh Tế Việt Nam, thì vấn đề dân số và quĩ đất khiến nông dân phải chọn giống lúa ngắn ngày năng suất cao, thay vì giống lúa đặc sản địa phương giá trị cao. Điều này khiến cho giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan.

GS Bửu dẫn chứng là Thái Lan ít dân hơn Việt Nam nhưng có tới 10 triệu hecta đất trồng lúa, mỗi năm sản xuất 26 triệu tấn lúa, trong đó có 5 triệu ha chuyên canh giống lúa địa phương, như Kao-Đắc-ma-li. Trong khi Việt Nam 84 triệu dân, cộng cả ba vụ lúa mới đạt diện tích 4 triệu hecta, nhưng sản xuất gần 37 triệu tấn lúa mỗi năm.

Giải pháp cho hạt gạo Việt Nam?

Một nhà khoa học nổi tiếng Việt Nam, GSTS Võ Tòng Xuân nhận định trên báo SGGP rằng, mở rộng thị trường xuất khẩu là cần thiết nhưng đừng quên thị trường nội địa hơn 80 triệu dân. Theo ông việc làm cấp bách lá phải nâng cao chất lượng hạt gạo, giúp nông dân tiêu thụ và thắng ngay trên sân nhà.

Tuy vậy, trên báo Tuổi trẻ ông Trương Thanh Phong chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam tỏ ra hoài nghi về thị trường xuất khẩu gạo cao cấp của Việt Nam. Theo đó Việt Nam không có thị trường gạo chất lượng cao và không đủ sức cạnh tranh với Thái Lan và không đủ sức cạnh tranh thì không nên lấn sân.

Các giải pháp nâng cao phẩm chất hạt lúa đã được bộ ngành và Hiệp Hội bàn thảo. Tuy nhiên ông Phong cho rằng nên chú ý vào việc phân định cơ cấu, bao nhiêu gạo chất lượng cao để tiêu dùng và xuất khẩu, bao nhiêu gạo phẩm cấp trung bình để xuất khẩu.

Theo lời ông chủ tịch Hiệp Hội, năm ngoái sản xuất 1 triệu tấn lúa cao cấp tương đương 500 ngàn tấn gạo là đủ cho các hợp đồng xuất khẩu.

GSTS Phạm Văn Biên, một chuyên gia đầu ngành về khoa học nông nghiệp ở TP.HCM đã phân tích các ý kiến về sự chọn lựa tối ưu cho hướng phát triển của lúa gạo Việt Nam:

“Trong điều kiện của VN hiện nay đang có thị trường thì cứ phát triển các loại gạo thường, không nện quá tập trung vào những loại gạo gọi là thơm ngon đặc sản như Kha-Đắc Mê-Đi, nàng Hương Chợ Đào hay Tám Thơm Nam Định.”

Nghề nông ở Việt Nam đã nghìn đời nay, cho nên vấn đề hiện đại hoá canh nông luôn là mục tiêu của mọi chính phủ. Nhưng nhiều khi muốn là một chuyện mà thực hiện lại là chuyện khác. Về các giải pháp lý thuyết thì các nhà hoạch định chính sách của VN đã nhiều lần xác định. Như phát biểu của TS Đặng Kim Sơn:

“Chủ trương của Việt Nam là tạo điều kiện để cho người ta chuyển bớt một phần đất trồng lúa kém hiệu quả sang những sản phẩm khác có lợi ích hơn. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một bước, bước thứ hai là phải rút bớt người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang những sản xuất khác, đầu tiên là những ngành nghề dịch vụ ở nông thôn, thế rồi từng bước mới chuyển bớt về thành thị hoặc là công nghiệp. Theo tôi chỉ có cách đó mới tăng được thu nhập cho dân lên.”

Cùng về vấn đề này GSTS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long từng nhận định, muốn tăng lợi nhuận, nông dân phải tích luỹ ruộng đất. Đây là điều kiện để chuyển từ thuần nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, thế nhưng theo GS Võ Tòng Xuân, luật đất đai của VN hiện nay hầu như trói buộc nông dân với đồng ruộng.

GS Võ Tòng Xuân đưa ra sự kiện làm ví dụ, đó là ở Nhật chỉ có 8% người làm nông nghiệp, ở Hà Lan còn ít hơn chỉ có 2,5% dân số. Chúng tôi xin thêm rằng ở Việt Nam có đến 70% dân số liên quan tới hoạt động nông nghiệp.