Cộng đồng người Việt đề nghị TT Bush lưu ý đến vấn đề nhân quyền VN


2006.10.23

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Sáng ngày 20/10 (giờ địa phương), tại Toà Bạch Ốc ở thủ đô Washington DC, một buổi gặp gỡ trao đổi liên quan đến chuyến đi Việt Nam của tổng thống George W.Bush đã diễn ra với sự tham dự của quan chức cao cấp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và đại diện của các cộng đồng, đoàn thể người Mỹ gốc Việt.

VietnamUsProtest200.jpg
Cộng đồng người Việt biểu tình trước Toà Bạch Ốc trong ngày Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush hôm 21-6-2005. AFP PHOTO

Giữa lúc đó, ngay bên ngoài Nhà Trắng, hàng trăm người từ nhiều nơi đổ về tổ chức một cuộc mít tinh, yêu cầu ông Bush nhắc nhở với chính quyền Hà Nội vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo, và dân chủ nhân chuyến thăm Việt Nam dự thượng đỉnh APEC vào tháng sau. Trà Mi có mặt tại chỗ tường trình về các hoạt động này.

Buổi gặp gỡ bắt đầu lúc 10 giờ sáng và kéo dài trên 1 tiếng đồng hồ, với sự hiện diện của hơn 20 người tham dự, gồm đại diện của các hội đoàn, cộng đồng người Việt từ nhiều tiểu bang khác nhau và đại diện của VPAC (tức Ủy ban vận động chính trị của người Mỹ gốc Việt), một trong đơn vị đứng ra vận động tổ chức. Ông Hoàng Tứ Duy, thuộc tổ chức VPAC có mặt trong buổi trao đổi, cho biết thêm về mục đích và nội dung của sự kiện này:

Tôi là Hoàng Tứ Duy đại diện VPAC. Nội dung chính là để tìm hiểu thêm về các dự tính của tổng thống Bush khi ông đến Việt Nam và trình bày những nguyện vọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đối với ông Bush, yêu cầu ông đề cập đến vấn đề nhân quyền và dân chủ nhân chuyến đi dự thượng đỉnh APEC.

Sinh hoạt hôm nay do một uỷ ban đặc nhiệm tổ chức gồm nhiều hội đoàn, nhiều cộng đồng từ các nơi như Philadelphia, Boston, California, Atlanta, Houston…

Mối quan hệ Việt-Mỹ

Ba diễn giả chính trong cuộc gặp gỡ này là ông Douglas Sonnek, quan chức phụ trách các vấn đề về Việt Nam thuộc phòng Đông Á-Thái Bình Dương sự vụ của Bộ Ngoại Giao, ông Brian McCormack, phụ tá đặc biệt của tổng thống Bush kiêm Phó giám đốc phòng thông tin liên lạc của Bộ Ngoại Giao, và ông Jimmy Lee, giám đốc văn phòng lo về các chương trình liên quan đến người Mỹ gốc Châu Á - Thái Bình Dương.

Nội dung chính là để tìm hiểu thêm về các dự tính của tổng thống Bush khi ông đến Việt Nam và trình bày những nguyện vọng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đối với ông Bush, yêu cầu ông đề cập đến vấn đề nhân quyền và dân chủ nhân chuyến đi dự thượng đỉnh APEC.

Diễn giả Douglas bắt đầu với phần trình bày về mối quan hệ Việt-Mỹ, trong đó nhấn mạnh đến sự cộng tác song phương trong nhiều lĩnh vực từ công tác tìm kiếm binh sĩ tử trận trong cuộc chiến Việt Nam, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh, tháo gỡ mìn bẫy còn sót lại, đến những hợp tác về mặt kinh tế, thương mại, y tế..v..v..

Ông cũng không quên đề cập đến các cuộc viếng thăm của các đoàn quan chức cấp cao đôi bên trong thời gian gần đây, mà tiêu biểu là chuyến Mỹ du của cựu thủ tướng Phan Văn Khải hồi giữa năm ngoái và chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Nhà Trắng vào cuối năm nay, như những bằng chứng rõ ràng cho thấy tình hữu nghị hai quốc gia ngày càng thân thiện hơn.

Các diễn giả của hành pháp Hoa Kỳ cũng đồng thời nhấn mạnh rằng mặc dù Washington luôn đặt ưu tiên hàng đầu trong việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy Hà Nội nhanh chóng hội nhập với thương trường quốc tế, nhưng chính giới Hoa Kỳ cũng hết sức lưu ý và quan tâm đến các vấn đề về nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam.

Theo lời ông Douglas, Hoa Kỳ ghi nhận và đánh giá cao một vài nỗ lực, tiến bộ rõ rệt của chính phủ Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, cùng với sự quan tâm của quốc tế, chính phủ Mỹ vẫn chưa thật sự hài lòng về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Và vì thế, nhà nước Việt Nam cần tích cực cải thiện, cởi mở hơn để chứng tỏ thiện chí hội nhập với thế giới về mọi mặt, không chỉ lĩnh vực kinh tế-xã hội mà ngay cả chính trị nữa.

Sau phần trình bày của từng diễn giả, những người tham dự lần lượt nêu lên các câu hỏi, trao đổi ý kiến và bày tỏ mối quan ngại của cộng đồng người Việt hải ngoại trước tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền trong nước. Các vấn đề đặt ra xoay quanh việc làm thế nào để kêu gọi và nhắc nhở tổng thống Bush đề cập đến tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo khi ông đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh APEC.

Đáp lời các câu hỏi, các diễn giả khẳng định nhân quyền và tự do tôn giáo vẫn là mối quan tâm đặc biệt của Hoa Kỳ không riêng đối với Việt Nam mà tất cả mọi nơi trên thế giới. Vì vậy, chính phủ Mỹ đã, đang, và sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy Hà Nội phải tôn trọng những gì đã cam kết với quốc tế. Tuy nhiên, theo lời các diễn giả, không dễ đạt được kết quả trong một sớm một chiều mà việc này đòi hỏi thời gian và tinh thần hợp tác của đôi bên.

Các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng hứa sẽ chuyển đạt những ý kiến đề nghị tổng thống Bush khi đến Việt Nam nên tiếp xúc với các nhân vật đấu tranh dân chủ trong nước để tìm hiểu thêm về tình hình thực tế. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu các vị đại diện cộng đồng người Việt có mặt trong buổi trao đổi gửi danh sách những tù nhân lương tâm tại Việt Nam để họ có thể kịp thời chuyển tiếp thông tin đến tổng thống Bush.

Chia sẻ những ước vọng

Rời phòng họp, chúng tôi có dịp trao đổi với ông Nguyễn Tự Cường, một trong những người tham dự, đại diện cho cộng đồng người Việt tại Washington DC:

Tôi đến đây để cùng chia sẻ những quan tâm và ước vọng của người Việt hải ngoại về nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời muốn chính phủ Hà Nội phải thực sự thi hành những điều đã cam kết để người dân có cuộc sống thoải mái hơn.

Tôi đến đây để cùng chia sẻ những quan tâm và ước vọng của người Việt hải ngoại về nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời muốn chính phủ Hà Nội phải thực sự thi hành những điều đã cam kết để người dân có cuộc sống thoải mái hơn.

Trà Mi: Ông có ấn tượng như thế nào về buổi gặp gỡ trao đổi tại Nhà Trắng?

Ông Cường: Chúng tôi lạc quan nhưng dĩ nhiên có chừng mực. Tuy nhiên trước khi tổng thống Mỹ lên đường sang Việt Nam chúng tôi muốn làm sao ông lắng nghe nguyện vọng của chúng tôi.

Trà Mi: Ông nhận xét như thế nào về sự phản hồi của các viên chức Ngoại giao Mỹ trước những vấn đề mà đại diện cộng đồng người Việt đặt ra trong buổi gặp mặt hôm nay?

Ông Cường: Tôi thấy họ ghi nhận với sự lưu tâm đáng chú .

Bàn về tác động và tính hiệu quả của buổi gặp gỡ này, anh Thiện, một thành viên tham dự đến từ Atlanta cho biết:

(Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đúng 11h, một cuộc mít tinh diễn ra ngay bên ngoài Toà Bạch Ốc với sự tham gia của hàng trăm đồng bào hải ngoại từ khắp nơi đổ về, yêu cầu tổng thống Mỹ mang theo thông điệp nhân quyền, tự do tôn giáo và dân chủ khi viếng thăm Việt Nam nhân Hội nghị APEC năm nay.

Ông Võ An Bình, trưởng ban tổ chức, cho biết thêm về ý nghĩa và mục đích của cuộc mít tinh: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Chúng tôi cũng có dịp hỏi thăm một người tham gia cuộc mít tinh trong phái đoàn đến từ Boston, tiểu bang Massachussets: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Trà Mi tường trình từ Washington.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.